Tiêu rừng là loại gia vị mà núi rừng ban tặng cho bà con đồng bào miền núi. Thứ gia vị thơm lừng như chắt chiu hương vị núi rừng này đã làm cho nhiều món ăn ở vùng cao trở nên đặc biệt hơn.
Tiêu rừng mọc phân bố chủ yếu trên những sườn đồi ở vùng núi tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Quảng Ngãi,… Khác với loại tiêu thường là thân dây leo, cây tiêu rừng có thân gỗ, chiều cao khoảng 7- 12m, lá tiêu nhỏ, thân cây xanh trơn và ra quả theo cành, không ra theo chùm như tiêu thường.
Theo kinh nghiệm của những người lớn tuổi, mùa hái tiêu rừng từ tháng 6- 7 hàng năm. Hạt tiêu rừng được người dân hái về mang phơi hoặc xông trên giàn bếp cho khô rồi trữ vào trong vỏ quả bầu hoặc ống nứa khô, có nắp đậy kín, để trên gác bếp. Làm như vậy, hạt tiêu rừng sẽ giữ được quanh năm mà không bị hư và bay mùi.
Hương vị tiêu rừng cũng có vị cay nhẹ hơn tiêu thường, mang hương vị thoang thoảng như mùi vị lá chanh và vị đậm đà khó tả.
Với đồng bào vùng cao, tiêu rừng là loại gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa ăn. Tiêu rừng được bà con miền núi thường dùng để tẩm ướp cho các món nướng như thịt heo, thịt trâu, thịt gà, cá… Hương vị của tiêu rừng hòa quyện cùng các nguyên liệu khác sẽ tạo cho món ăn có hương vị hấp dẫn, đậm đà hơn và khiến người thưởng thức có cảm giác các món ăn ngon hơn rất nhiều.
“Tiêu rừng sau khi giã nhỏ có thể cho trực tiếp vào món ăn khi chế biến hoặc giã vài hạt để làm muối chấm rất ngon. Người vùng cao chúng tôi quá quen thuộc với mùi thơm thơm, cay cay của nó, nên mỗi khi chế biến món ăn đều phải có gia vị tiêu rừng, nêu thiếu nó, món ăn sẽ kém ngon”- già Đinh Thị Phe ở xã Sơn Lập (Sơn Tây) chia sẻ.
Từ một thứ gia vị dân dã của đồng bào vùng cao, đến nay, tiêu rừng đã trở thành “đặc sản” được nhiều người ở miền xuôi biết đến tìm mua để dành chế biến món ăn, hay làm quà biếu cho bạn bè, người thân. Nắm bắt thị hiếu này, hiện nay, nhiều hàng quán ở huyện vùng cao Sơn Tây đã thu mua hạt tiêu rừng tươi của người dân địa phương mang về phơi khô và đóng gói bán cho người tiêu dùng.
Hiện, giá bán 1kg tiêu rừng khô có giá giao động từ 100 nghìn đồng- 120 nghìn đồng/kg. Nhờ có thị trường tiêu thụ nên vào mùa tiêu rừng bà con đồng bào vùng cao tranh thủ thời gian rảnh chủ động lên rừng tìm hái quả tiêu rừng về bán, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.
PV – CTV
- Hình bìa: Hạt tiêu rừng sau khi phơi khô
Nguồn: Báo Quảng Ngãi điện tử