Thong dong bên hồ Phước Hà, Cao Ngạn

Qua hồ Phước Hà, hồ Cao Ngạn, thưởng lãm vẻ đẹp thơ mộng của hồ sâu biêng biếc, dạo hố Đá Trắng, hố Thác hoang sơ, băng qua những cánh đồng rộng lớn, nghe dậy lên những yên bình.

Phước Hà (thôn Phước Hà, Bình Phú) là hồ chứa thủy lợi lớn bậc nhất ở vùng tây Thăng Bình, là mạch nguồn cung cấp nước ngọt cho xã Bình Phú và các xã lân cận.

Từ Hà Lam theo quốc lộ 14E, đi ngã ba Bình Quý – Hà Châu là đến hồ Phước Hà. Hồ trong xanh, trải dài từ thôn Phước Hà, Linh Cang qua các thôn lân cận.

Gần đây, nhận thấy xu hướng của du khách là muốn quay về với thiên nhiên, người dân Phước Hà gần đó đã dựng nên những căn chòi lá, quán ven đường làm nơi dừng chân, nghỉ mát và có nhiều món đặc sản phục vụ du khách.

Nhiều bạn trẻ cũng chọn quán ven đường bên lòng hồ Phước Hà làm nơi hội họp dịp cuối tuần, hoặc vừa nhâm nhi tách cà phê, đọc sách…

Từ hồ Phước Hà, du khách có thể đi chừng 1 cây số, men theo lòng hồ, thăm viếng Căn cứ Huyện ủy Thăng Bình nằm tại thôn Linh Cang, mảnh đất thành đồng của xã Bình Phú.

Căn cứ đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh, nằm sâu trong cánh rừng xanh thẳm nay đã hóa đồi keo. Đây là nơi đóng chân của Cơ quan Cơ yếu Quân khu 5, Huyện đội, Công binh, Thông tin, bệnh viện của huyện.

Ban đầu, khu căn cứ này đóng tại Hố Lửa, sau dời vào Hố Dâu, tọa lạc tại thôn Linh Cang. Năm 1965, nơi đây được tỉnh chọn xây dựng Bệnh viện Quân khu 40, phục vụ chữa trị cho thương bệnh binh và nhân dân lân cận.

Trải qua mấy chục năm sau ngày giải phóng đất nước, Căn cứ Huyện ủy Thăng Bình vẫn còn đó với nhà bia tưởng niệm đã được lập nên, trở thành “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng nơi thế hệ trẻ.

Cách Căn cứ Huyện ủy Thăng Bình không xa, du khách có thể rẽ hướng đi Hố Thác, một điểm du ngoạn với suối chảy róc rách, xung quanh là cây rừng, vô cùng mát mẻ. Dạo quanh suối thác hữu tình, mát rượi với những tảng đá nhấp nhô giúp du khách thư giãn sau những bận rộn của cuộc sống.

Từ trên đập nhìn xuống, có thể bao quát cả không gian hồ Phước Hà, Cao Ngạn, cả cánh đồng lúa mênh mông, bát ngát. Ngày nay, giao thông đến Hố Thác, di tích cấp tỉnh – khu Căn cứ Huyện ủy Thăng Bình đã thuận lợi hơn trước rất nhiều khi đường lớn đã mở, khoảng cách được rút ngắn đáng kể.

Từ điểm hồ Phước Hà, đi chừng chục cây số để thưởng thức vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng La Nga – Cao Ngạn. Cao Ngạn (xã Bình Lãnh) nằm giữa thung lũng xanh, được bao bọc bởi cảnh núi non hiểm trở, nơi đây có dòng suối lớn từ thượng nguồn đổ về. Suối Đá Trắng với quần thể đá suối xếp độc đáo, nước mát lành, hằng năm thu hút du khách xa gần đến đây tắm suối, nghỉ mát.

Hồ La Nga – Cao Ngạn là công trình đại thủy nông của vùng, được hình thành từ công sức, sự nhọc nhằn của bao lớp người. Hồ La Nga, Cao Ngạn trong xanh, trữ tình, có tiềm năng phát triển du lịch. Trước cảnh sắc hữu tình, âm hưởng bài hát “Hồ Cao Ngạn” của nhạc sĩ Hoàng Bích, một người con Thăng Bình bỗng vang lên giữa núi rừng: “Trên núi rừng La Nga Cao Ngạn, sớm mai nắng chải ven đồi, mà vui sao như mùa xuân tới và rộn ràng lời ca bay xa”…

TRIÊU NHAN

Nguồn: Báo Quảng Ngãi điện tử

Recommended For You