“Ngày xưa bên giậu mồng tơi
Chiều mưa em đứng đợi tôi lối về
Ngang lưng em để tóc thề
Mồng tơi ngày ấy tím trời thu sang”.
Giậu mồng tơi rất dễ bắt gặp trên nẻo đường quê, trước hiên nhà, bên bờ rào hoặc có khi ngay chái bếp; thu hút lũ trẻ chúng tôi bằng những trái có màu tím sẫm, bỏ vào lon dầm nát có màu tím đẹp dịu dàng. Màu tím dính đầy tay, đầy áo như màu mực mộng mơ của tuổi học trò.
Mồng tơi ngày xưa không được trồng như bây giờ mà chúng mọc tự nhiên khi chúng tôi chơi chán rồi ném hạt ra vườn. Mồng tơi có hai loại: mồng tơi xanh và mồng tơi tím. Mồng tơi tím thân nhỏ, leo quanh nơi nào có đủ ánh sáng.
Mồng tơi xanh thân ngắn mập mạp nên được trồng trên luống để dễ dàng chăm sóc chứ chúng không tự vươn mình ra xa như mồng tơi tím. Bông mồng tơi nhỏ nhắn thân màu trắng ngoài nụ phớt hồng hay đỏ tươi y như dáng tim vỡ của hoa tigôn, lúc còn nhỏ có màu xanh, khi chín có màu tím hay đỏ thẫm
“Nghèo rớt mồng tơi”, không biết từ bao giờ mà người đời lại gắn cho mồng tơi một sự so sánh buồn bã như vậy. Nghèo đến không còn gì nữa luôn nhưng vị mồng tơi thì không lẫn vào đâu được. Là loại rau quen thuộc với mọi gia đình, góp mặt trong những bữa cơm ngon của miền nhiệt đới, hễ nhắc đến mồng tơi là ai cũng nghĩ ngay đến tô canh xanh mát lòng người.
Bây giờ người ta còn sử dụng rau trong nồi lẩu, khi nhìn vào là thấy ngay màu xanh mát hứa hẹn sẽ có bữa ngon cho thực khách. Lẩu được bưng ra luôn có đi kèm một dĩa rau thật lớn với các loại rau vườn nhưng chủ đạo vẫn là mồng tơi. Nhúng rau mồng tơi cho chín tái rồi ăn kèm với chén nước lẩu nóng hổi, cái giòn ngọt của rau hòa quyện cùng nước lẩu sẽ là lời mời gọi nhẹ nhàng nhưng có sức hấp dẫn với những người sành ăn.
Tôi nhớ nhất là món canh mồng tơi nấu với riêu cua đồng (quê tôi gọi là rạm). Không biết ai đã “se duyên” hai loại này mà đã tạo nên món canh ngon không cưỡng lại được.
Cua đồng đem về xay nhuyễn lọc gạn lấy nước, bắc nồi nước cua đồng lên đun sôi rồi cho rau mồng tơi, mướp vào. Nước cua đen đục nhưng khi sôi lên lại trong veo, váng thịt cua nổi lên từng mảng. Nồi canh có màu xanh của lá mồng tơi, màu nâu đỏ của nước cua, màu trắng xanh của mướp xen lẫn những mảng thịt cua mới nhìn thôi đã thấy đói bụng.
Ba tôi lại thích cái vị bùi bùi của mồng tơi khi luộc. Chỉ cần bắc nồi nước lên bếp đun sôi, thêm chút muối rồi bỏ rau mồng tơi đã được lặt sạch rửa để ráo vào. Tùy theo sở thích có người thích luộc chín mềm, có người thích luộc chín tái. Rau luộc không kén chọn nước chấm nên ai thích loại nước chấm nào thì kết hợp cũng rất dễ dàng.
Má thì thích món mồng tơi xào tỏi. Chuẩn bị các nguyên liệu sẵn sàng, bắc chảo lên đổ một chút dầu, dầu nóng phi tỏi rồi cho rau vào nêm nếm gia vị vừa ăn, rau vừa chín tái thì tắt bếp. Rau có tính chất bám dầu mỡ nên ăn vừa béo vừa ngọt vừa thơm của tỏi, nói không chừng vượt trội hơn rau muống xào tỏi. Món má tôi thích không chỉ là món ăn quen thuộc trong bữa cơm gia đình mà đã có mặt trong thực đơn của các nhà hàng sang trọng.
Cuộc sống ở quê không giàu có về vật chất nhưng luôn rộn rã tiếng cười yêu thương. Từ loại rau dân dã mà ba tôi lại dạy cho chúng tôi bài học quý giá: khi mình gieo thứ gì mình sẽ gặt lại thứ đó. Hãy gieo mầm sống, gieo yêu thương và hãy chăm sóc nó, ta sẽ nhận lại những điều tốt đẹp, hạnh phúc.
Trên mảnh đất quê hương ba má tôi vẫn gieo trồng mầm sống của các loại cây trái trong đó có rau mồng tơi để chúng nối tiếp nhau vươn lên xanh tốt như tình yêu thương của ba, sự đằm thắm của má vẫn gieo cho chúng tôi hằng ngày để rồi chị em tôi mang một tấm lòng đầy yêu thương với mọi người trong cuộc sống.
Thương mãi ngọn mồng tơi quê hương, thương những ký ức tuổi thơ khi hái những trái mồng tơi về làm thành mực tím viết thư trao tay. Năm tháng qua đi chắc lá thư ấy đã nhạt nhòa nhưng kỷ niệm chẳng thể quên. Thương chúng bạn đang ở trời Nam thèm canh mồng tơi má nấu. Thương cả những kiếp người cứ mãi mang tên “nghèo rớt mồng tơi”. Thương cả dáng quê trong những món ngon đạm bạc dân dã. Thương những ngày buồn lầm lũi một mình nơi quán vắng để ngẫm về mối tình dang dở trong bài hát “Trái mồng tơi”…
Phạm Thị Mỹ Liên
* Minh họa: Trà My
Nguồn: Báo Đắk Lắk điện tử