Cuối năm, dù hối hả nhưng nhà tôi giữ thói quen quây quần cùng nhau, liu riu lửa hồng, tự tay làm thức quà quê dung dị.
Quê tôi mùa này, ngó ra đồng lún phún mạ non, từng mái nhà lô nhô dưới vòm lá biếc xanh, má tôi lại đỏ lửa làm thức quà đón tết từ nguyên liệu chủ yếu có sẵn nơi đồng quê bồi bãi, vừa thanh sạch lại vừa “độc lạ”.
Trái cà na là thức quà sạch được hái về từ trên núi, thân hình nhọn bầu dục, to gần bằng ngón tay cái. Lớp vỏ cà na trơn láng căng mịn, màu xanh nhạt, có vị chua và chát. Má rửa sạch rồi đem luộc, cho ít muối hạt vào để giảm bớt vị chua, chát.
Sau đó, dùng dao khía dọc bóc lấy phần vỏ, vớt ra để ráo. Cà na vỏ dày nên má ướp đường, mật ong trong thời gian khá dài để thấm đều gia vị. Bắc lên bếp chụm đều lửa, vỏ cà na cứng dày, không sợ gãy vụn nên mạnh dạn đảo đều tay liên tục đến khi nước đường keo lại thì hoàn thành, thêm vài lát gừng xắt sợi để dậy mùi thơm. Lúc này, những trái cà na khoác tấm áo màu hơi ngả vàng, sóng sánh nước đường. Đảm bảo khi ăn, mọi người sẽ cảm nhận sự khác biệt đến không ngờ.
Tầm cuối tháng 11 âm lịch, thơ thới việc đồng áng, người làng tôi vào rừng kiếm lộc cải thiện bữa ăn, tăng thêm thu nhập. Tiếng chuông chùa Viên Minh thanh thoát vang vọng, ba má tôi lụi cụi trở dậy để chuẩn bị mọi thứ cho công cuộc leo núi.
Cây tràm mọc ở ven suối, quả có lớp vỏ cứng bao bọc bên ngoài, màu nâu bóng khi già. Ăn tràm rất nhọc công, phải mạnh tay bóc lấy phần ruột bên trong, sau đó xắt mỏng, luộc thật kỹ nhiều lần để không bị đắng, rồi mới mang đi chế biến thức ăn hay làm mứt.
Tràm có vị bùi, nhẫn, hơi đắng, nhiều người lần đầu ăn không quen, nhưng với người quê tôi lại trở thành món ngon. Cho tràm vào chảo rồi sên đường với củi lửa cháy vừa phải, đến khi nước gần cạn thì thêm vài giọt vani tạo mùi thơm. Nhà sẵn mật ong, má lường vài muỗng canh cho vị ngọt thanh, đậm đà. Má kỹ tính, mứt thành phẩm bà đem trải đều sấy qua than lửa đượm, để nguội trước khi bỏ hũ thủy tinh đem cất.
Để cho ngày tết cổ truyền thêm trọn vẹn, ngoài mứt mang hương vị núi rừng, má còn bày biện thêm mứt vỏ bưởi. Nhà tôi nhiều bưởi mọc phía đầu hè, ra trái hàng năm nên việc chọn nguyên liệu làm mứt khá dễ dàng.
Vỏ bưởi tách khỏi quả, cắt bớt phần cùi nếu quá dày, xắt dạng sợi to chừng 1cm, ngâm muối rồi nhồi bóp, rửa sạch để loại chất đắng. Sau đó, ngâm nước vôi trong ngập vỏ bưởi tầm 4 tiếng. Luộc nhiều lần, vớt ra để ráo. Vỏ bưởi ướp đường khoảng 3 tiếng để ngấm đều rồi rim cho tới khi mứt rời rạc mới nhấc xuống.
Ăn miếng mứt bưởi, cái vị ngòn ngọt, the the ngay từ khi chạm vào đầu lưỡi tạo cảm giác ấm áp giữa tiết trời xuân se lạnh. Có gì tuyệt vời hơn thưởng thức đồ nhà làm, uống từng ngụm nước chè xanh đậm vị đất trời và lắng nghe mùa xuân về.
THIÊN THU
Nguồn: Báo Quảng Nam