Tiến vào kỷ nguyên mới với tinh thần độc lập, khát vọng tự cường

Hôm nay là ngày vẻ vang, là ngày Độc lập! 79 năm trước, cả dân tộc ta đã đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, đánh đổ ách xiềng xích của cả đế quốc, thực dân, phong kiến. Từ thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đất nước Việt Nam đã có tên trên bản đồ thế giới, người dân Việt Nam ngẩng cao đầu tự hào là con dân một nước tự do, độc lập.

Từ mùa Thu ấy, trong tiềm thức người dân, ngoài cái Tết đón Xuân cổ truyền, còn có thêm ngày Tết Độc lập. Trong nhiều gia đình không câu nệ khác biệt bắc nam, phong tục, miền xuôi hay ngược, bên cạnh bàn thờ gia tiên mà còn có bàn thờ Tổ quốc với cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ. Nước với Nhà, hai từ ấy đã quyện hòa làm một! Thù nhà, nợ nước, từ đó đã trộn hòa trong bổn phận và trách nhiệm công dân dâng hiến vì lẽ sống cao cả như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”.

Hàng triệu người, từ ấy đã lên đường, đem xương máu mà trả nợ nước non, bảo vệ những giá trị của nền cộng hòa non trẻ, chiến đấu hy sinh dựng xây một nước Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất; dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bước ngoặt vĩ đại đó là thành quả của ý chí đấu tranh suốt nghìn năm của một dân tộc kiên cường chống xâm lược, đô hộ, đồng hóa, bóc lột của chủ nghĩa phong kiến, thực dân, đế quốc. Bước ngoặt vĩ đại đó ghi dấu vai trò lãnh đạo của một chính đảng Mác-Lênin chân chính ra đời từ tận cùng sẻ chia nỗi khổ đau của đời sống cần lao; trưởng thành từ đúc rút lý luận và tổng kết thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa nửa phong kiến nghèo nàn lạc hậu; tồn tại nhờ sự gắn bó máu thịt với nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ, vì nhân dân mà xác lập được chính danh và uy tín của mình.

Bài học đầu tiên và là mãi mãi – rút ra từ bao thất bại của các phong trào yêu nước, xu hướng chính trị ở Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20; từ thất bại, đổ vỡ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới trong thế kỷ 20 – chính là bài học về đường lối chính trị đúng đắn, phù hợp thực tiễn và lòng dân; về xây dựng đảng tiên phong của giai cấp và của dân tộc, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị.

Với phương châm “Dân là gốc” của cha ông, từ quá khứ hưng vong qua bao triều đại, càng thấm thía sức mạnh nhân dân trong những tháng năm chiến tranh, sáng tạo chung lưng vượt qua khủng hoảng kinh tế thời bao cấp, hậu chiến, để Đại hội lần thứ VI của Đảng kêu gọi “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, dũng cảm từ bỏ những giáo điều, trì trệ; tuân thủ quy luật khách quan mà xác quyết con đường Đổi mới.

Mỗi chặng đường đi, mỗi thành công và thất bại, sau những kỳ tích trong kháng chiến, kiến quốc, hội nhập quốc tế mà thế giới ngưỡng mộ, là kết tinh trí tuệ, mồ hôi, nước mắt và máu của bao thế hệ.

Đó còn là kết tinh của quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, xây dựng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về đường lối song hành xây dựng và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy; về tiếp tục hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Trong hành trình ấy, không phải không có những khúc gian nan, khủng hoảng, “quanh co”; không phải không có những cọ xát, tranh luận, đấu tranh tư tưởng trong nội bộ; không phải không có những lúc Đảng phạm sai lầm, khuyết điểm, trả giá và sửa chữa.

Đã có lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh lau nước mắt khi nói về những sai lầm trong Cải cách ruộng đất; đã có lúc Báo cáo chính trị trình Đại hội VI phải viết lại căn bản vì xa rời thực tiễn, chưa thể hiện đúng, rõ tinh thần Đổi mới; đã có lúc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghẹn ngào trước Hội nghị Trung ương vì những khuyết điểm của Đảng trong công tác cán bộ, trong chỉ đạo điều hành, để rồi vững bước, kiên trì cùng toàn Đảng thực hiện cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa từng có.

Từ “Tự chỉ trích” (1939) cho đến “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (1969), từ Di chúc, phần nói về Đảng (1969) cho đến Nghị quyết Trung ương 4 các khóa XI, XII; Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong nỗ lực chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, cam kết phòng chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt của Đảng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, “xử lý một người để cứu muôn người” là thông điệp xuyên suốt, nhất quán, bám sát thực tiễn, được cán bộ, đảng viên, nhân dân và bạn bè quốc tế ủng hộ, tin tưởng.

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến tháng 8/2024; đã có 18 ủy viên Trung ương Đảng bị thôi các chức vụ, trong đó có 7 ủy viên Bộ Chính trị, 1 ủy viên Ban Bí thư; có 8 ủy viên Trung ương Đảng bị xử lý hình sự. Chỉ 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp và chi bộ đã kỷ luật 165 tổ chức đảng và 7.858 đảng viên vi phạm, sai phạm. Đó là niềm tin từ kỷ luật nghiêm minh, nhưng những con số cũng đặt những câu hỏi lớn về công tác cán bộ, nguồn lực cán bộ, cần lý luận và thực tiễn tiếp tục soi rọi, trả lời.

Cuộc chiến đó là không ngừng không nghỉ, bởi giặc nội xâm đe dọa tồn vong của Đảng, của chế độ, của sự nghiệp cách mạng; là nguy cơ “tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ” (Bình Ngô đại cáo). Hơn lúc nào hết, ở những thời điểm sống còn, quyết định vận mệnh dân tộc, để vuột qua hay chớp được thời cơ phát triển sự nghiệp cách mạng, đòi hỏi chúng ta phải kiên định, kiên trì mục tiêu, nhưng uyển chuyển, linh hoạt ở giải pháp, bước đi, ở những chặng đường cụ thể, hoàn cảnh cụ thể, nằm lòng phương châm lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý.

Thực tiễn đó, không gì khác là sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân; sự giàu mạnh, cường thịnh của đất nước. Thực tiễn đó không gì khác là lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết; uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, được cộng đồng quốc tế tôn trọng; là một xã hội ổn định, phát triển, văn minh. Thực tiễn đó là công cuộc đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà trong đó, con người và quyền con người được thừa nhận, tôn vinh, bảo vệ.

Trong cuộc gặp mặt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: “Chưa bao giờ đất nước hội nhập sâu rộng, có đóng góp tích cực vào nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại như hiện nay, tuy nhiên, chúng ta không mất cảnh giác với 4 nguy cơ đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng mà các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thống nhất nhận định từ năm 1994 đến nay; thậm chí xác định có mặt diễn biến phức tạp hơn khi đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng…, đòi hỏi chúng ta phải xử lý hài hòa quan hệ đối ngoại với các nước lớn, giảm thiểu sức ép chọn bên, trừng phạt kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở rất cao”.

Đón mừng Quốc khánh năm nay, nhớ lại Quốc khánh độc lập đầu tiên của dân tộc ta để thấy bước chuyển dài của lịch sử. Từ Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 tới Tạm ước 14/9/1946; từ Hội nghị Đà Lạt tới Hội nghị Fontainebleau; từ Hội nghị Geneva tới Hội nghị Paris; từ đàm phán vào Liên hợp quốc và gia nhập ASEAN; từ đàm phán gia nhập WTO tới ký kết hàng loạt các FTA thế hệ mới với các đối tác quan trọng trên thế giới,… công tác đối ngoại, ngoại giao, đã chứng tỏ sự trưởng thành, phát triển; đường lối đúng đắn và bản lĩnh trí tuệ Việt Nam.

Nhưng bên cạnh đó, lịch sử cũng nhắc nhở thấm thía bài học về Thế và Lực, về nội lực và ngoại lực, vị thế quốc gia từ đường lối đối ngoại, thực lực kinh tế, tiềm lực quốc phòng an ninh. Thấy rõ cả khi nào, vì sao, nhờ đâu mà vị thế quốc gia mới trở nên mạnh mẽ.

Từ lúc thế nước mong manh trước thù trong giặc ngoài; rồi bị bao vây, cấm vận, cô lập, đến nay, Việt Nam với vị thế uy tín quốc tế cao, là bạn bè thủy chung, chân thành, đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đã có quan hệ ngoại giao với 193 nước, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với tất cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với 6 trong số 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2025 đạt GDP bình quân đầu người ước khoảng 4.700-5.000 USD/năm. Tăng trưởng GDP cả nước, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt 6,42%. Số liệu tháng 6/2024 của tổ chức xếp hạng tín nhiệm của Mỹ S&P Global Ratings xếp hạng Việt Nam ở mức BB+/B với triển vọng ổn định và dự báo cuối 2024 có thể đạt GDP bình quân đầu người 4.500 USD/năm.

Thực tiễn cho thấy, những chính sách linh hoạt trong điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá, cơ cấu lại, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là đột phá về xây dựng và hoàn thiện thể chế – là những gì mà người dân, cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi.

Riêng lĩnh vực phòng chống tham nhũng, tiêu cực, qua tổng rà soát, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã phát hiện hơn 300 nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập trong hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật cần khắc phục. Thực tiễn tiếp tục đòi hỏi đưa Luật Đất đai 2024 đi nhanh vào cuộc sống và Chính phủ đang ưu tiên tập trung xây dựng mới 1 luật, sửa đổi 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính… phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội.

Hướng tới những dấu mốc: 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới với những bài học quý báu và thành tựu vĩ đại…, tinh thần của ngày Độc lập phải được hiện thực hóa từ mỗi việc hằng ngày.

Phương châm “tự chủ, tự tin, tự cường, tự hào dân tộc” phải trở thành sức mạnh vật chất trong hành trình đi tới. Đại đoàn kết toàn dân tộc, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng kết quả đạt được, chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, loại bỏ những điểm nghẽn, nút thắt phát triển, phải là bản chất của nhận thức và hành động.

Công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt – không phải là tạo ra sự nhụt chí, sự thúc thủ, trì trệ – mà là sự nghiệp lớn lao phải tiếp tục đẩy mạnh, dù khó khăn, gian khổ, để làm trong sạch bộ máy, lành mạnh môi trường đầu tư, củng cố niềm tin trong nhân dân; là động lực giải phóng sức sản xuất, cổ vũ đổi mới sáng tạo, phát hiện, vun đắp bảo vệ, tôn vinh những mầm, những nụ, cái tốt, cái tiên tiến, khẳng định những giá trị đã được thử thách, trui rèn qua thực tiễn.

Tinh thần ngày Quốc khánh bất diệt, cổ vũ, mở đường cho chúng ta đi tới kỷ nguyên mới vươn mình phát triển của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, văn hóa Việt Nam!

  • Hình bìa: Lá cờ lớn được dựng tại công viên bến Bạch Đằng, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, dịp Quốc khánh 2/9/2024. (Ảnh: VŨ ANH)

Nguồn: Báo Nhân Dân

Recommended For You

Để lại một bình luận