Tìm hiểu về ‘bệnh xơ đen, thối trái’ mít

    Hiện tượng trái mít bị héo, thối trái ngay khi còn trên cây đang là nỗi lo của nhiều nhà vườn.

    Theo các nhà khoa học của Viện cây ăn quả miền Nam, thối trái kèm mốc tơ khi còn non có thể do nấm Rhizopus nigricans gây ra trên hoa và trái non. Bệnh sản sinh các sợi nấm và túi bào tử màu đen mọc trên bề mặt làm trái thối đen và rụng.

    Ruồi đục trái có thể tấn công và làm hư trái già từng phần và toàn bộ trái.

    Ngài hay bướm đêm có thể đục lỗ đẻ trứng và sau đó sâu non đục làm trái thối một vùng.

    Thông qua vết thương ở trái do sâu, giòi, nấm bệnh gây hại trái một cách trầm trọng và nhanh chóng làm nguyên trái mít thối.

    Nấm phytothora có thể gây bệnh thối thân, xì mủ, thối trái, chết cành, chết cây khi cây đang mang trái.

    Đường xâm nhập của nấm hại từ vết thương do cắt cành, cắt trái, vết nứt thân, cành do gió lớn, suy kiệt do mang trái nhiều, thối rễ trong quá trình chăm sóc lạm dụng phân vô cơ.

    Một khi xâm nhập vào thân cây, nấm tấn công theo phương án “vết dầu loang” làm vỏ cây bị hư hỏng, cuống trái héo làm trái chín háp.

    Nấm xâm nhập vào trái nhanh chóng có thể quan sát như hiện tượng chạy chỉ trên khoai mì làm xơ nâu đen… Áp lực mạnh nấm bệnh lưu tồn trong các khu vườn cây ẩm thấp và rậm rạp.

    Tất cả những nhận định nói trên đều là phán đoán theo kinh nghiệm. Triệu chứng bệnh trên các dòng mít Thái ngày càng nhiều. Có những bệnh dễ nhận dạng và có thể đưa ra khuyến cáo nhưng nhiều bệnh chưa có kết luận của khoa học bởi quy trình định bệnh không hề đơn giản, phải qua kiểm chứng mất thời gian. Hiện chưa có đề tài nào được duyệt kinh phí để tiến hành điều tra, xét nghiệm, định bệnh, đề ra giải pháp mang tính pháp lý như một dịch hại…

    M.A

    Recommended For You