Keo ong về mặt sinh học là hỗn hợp nhựa cây với chất tiết ra từ tuyến nước bọt của ong, được sử dụng để hàn kín tổ, giúp bảo quản mật ong, bảo vệ sự phát triển của ấu trùng, trứng và bản thân khỏi sự tấn công của tác nhân gây bệnh.
Trong các loài ong, ong Ý (Apis melifera, tông Apini) và các loài ong Dú (hay còn gọi là ong không ngòi đốt stingless bee) (tông Meliponini) cho keo ong nhiều và được quan tâm nghiên cứu. Khác với ong Ý Apis melifera, các loài ong Dú phong phú về mặt số lượng loài, với hơn 500 loài trên thế giới, phân bố ở nhiều vùng địa lý khác nhau. Ở Việt Nam, theo các nghiên cứu trước đây, có khoảng hơn 10 loài ong Dú khác nhau.
Keo ong được sử dụng từ lâu trong điều trị cảm lạnh, thấp khớp, tiểu đường, đau dạ dày, và có nhiều hoạt tính sinh học đã được phát hiện như kháng khuẩn, chống oxy hóa, chống ung thư, kháng HIV.
Trong khuôn khổ đề tài Hợp tác quốc tế, các nhà khoa học thuộc Viện hóa sinh biển và Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã phối hợp cùng các nhà khoa học Bulgaria thuộc Viện hóa hữu cơ với Trọng tâm hóa thực vật thực hiện đề tài: “Tìm kiếm các hợp chất có hoạt tính sinh học từ keo ong Việt Nam” – mã số: VAST.HTQT.BULGARIA.02/17-18, từ năm 2017 đến 2018, do TS. Lê Nguyễn Thành làm chủ nhiệm phía Việt Nam và GS.TSKH. Vassya Bankova chủ nhiệm phía Bulgaria.
Với mong muốn nghiên cứu về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của một số mẫu keo ong ở Việt Nam để tìm kiếm các hoạt chất sinh học và cung cấp thêm kiến thức khoa học về keo ong ở Việt Nam, các nhà khoa học đã tiến hành thực hiện đề tài và thu thập được 6 mẫu keo ong, đánh giá hoạt tính gây độc tế bào và chống oxy hóa, mẫu KO-6 thu tại Bình Định (keo ong Lisotrigona furva) có tác dụng tốt nên được lựa chọn nghiên cứu.
Phân lập được 8 hợp chất từ mẫu KO-6, bao gồm δ-tocotrienol (1), 3 triterpene: (13E, 17E)-polypoda-7,13,17,21-tetraen-3β-ol (2), hydroxypopanone (7), mangiferolic acid (8); 4 xanthon Cochinchinon A (3), 9-Hydroxycalabaxanthon (4), Cochinchinon I (5), Cochinchinon J (6). Trong đó, 5 hợp chất 2, 3, 5 – 7 được phân lập lần đầu tiên từ keo ong Dú. Kết quả nghiên cứu thành phần hóa học gợi ý cho biết cây Craxytolum cochinchinenese và Mangifera indica là nguồn nhựa cho keo ong Dú Lisotrigona furva. Kết quả thử hoạt tính sinh học 5 hợp chất 2 – 6 cho thấy tác dụng chống ung thư tương đối tốt trên dòng tế bào ung thư phổi LU, mạnh hơn các dòng tế bào ung thư khác. Trong đó, có 2 chất thể hiện hoạt tính chọn lọc, mạnh nhất là 9-Hydroxycalabaxanthon (4) và Cochinchinon I (5) trên dòng tế bào ung thư phổi với giá trị IC50 đều là 4.00 μg/ml.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã phát hiện được hơn 30 hợp chất, với nhiều hợp chất được phân lập lần đầu tiên từ keo ong. Ba loài cây máu rồng Dracaena cochinchinensis, thành ngạch nam (C. cochinchinenese) và cây xoài M. indica cũng được phát hiện là nguồn thực vật. Một số hợp chất phân lập thể hiện hoạt tính kháng khuẩn tốt và chống oxy hóa khá tốt.
LÊ NGUYỄN THÀNH
(Viện hóa sinh biển)