Nếu cuộc đời như một cuốn tiểu thuyết thì hãy biến nó thành một cuốn tiểu thuyết hay và hấp dẫn. Cuốn tiểu thuyết phản ánh chân dung cuộc đời thực sự là những tấm gương sống động, soi chiếu tất cả vẻ đẹp, nỗi đau và khát vọng của con người.
Đó là những câu chuyện không chỉ kể về các số phận, mà còn khắc họa những cuộc đấu tranh nội tâm, sự lựa chọn quyết định, những thất bại hay thành công đầy cảm động.
Tất cả những nội dung này đều được lột tả một cách đầy đặn, chi tiết, giàu cảm xúc thông qua tập bút ký Đời như tiểu thuyết, Nhà xuất bản Thanh niên của tác giả Trương Đức Minh Tứ – Tổng Biên tập Báo Quảng Trị – Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị.
Đọc Đời như tiểu thuyết của nhà báo Minh Tứ ta không chỉ thấy một bút lực ngồn ngộn của tác giả trên cánh đồng chữ nghĩa mà còn là những tâm tình trao gửi, mỗi đoạn, mỗi bài viết đều trĩu nặng những ân tình.
Đời như tiểu thuyết – tập bút ký vừa vặn, 300 trang không quá dày được tác giả Trương Đức Minh Tứ chuyển tải cho độc giả nhiều cung bậc cảm xúc bằng ngôn ngữ của một nhà báo kỳ cựu với nhiều giải thưởng.
Đọc Đời như tiểu thuyết của nhà báo Minh Tứ ta thấy tác giả đã dày công khắc họa nên những nhân vật đầy cá tính, lột tả được những đau khổ tột cùng đến niềm hy vọng mãnh liệt.
Những trang viết của tác giả không chỉ là nghệ thuật, mà là sự ghi chép lịch sử và triết lý sống, mở ra những cánh cửa nhìn vào thế giới bên ngoài lẫn trong lòng mỗi con người.
Bằng ngòi bút sắc bén và khả năng quan sát tinh tế, những bài trong bút ký này luôn khiến người đọc phải suy ngẫm, tự đặt ra câu hỏi về nhân vật, về bản thân và thế giới xung quanh.
Với Đời như tiểu thuyết, nhà báo Minh Tứ đã dành tặng cho độc giả một cái nhìn sâu sát và có lẽ tác giả cũng có nhiều tình cảm, thổn thức cùng trăn trở trong Cuộc trùng phùng của cha con nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.
Là một nhạc sĩ nổi tiếng nhưng Hoàng Thi Thơ có một cuộc đời đầy biến động và chông gai trong đó cuộc trùng phùng giữa ông và con trai mình là nhà văn Châu La Việt khiến người đọc, người nghe phải rưng rưng những cung bậc cảm xúc.
Với tôi, trong Cuộc trùng phùng của cha con nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thì chính lá thư của người nhạc sĩ tài ba này gửi cho con trai yêu dấu xa cách mấy chục năm thật xúc động: “Hoài, đứa con trai đầu lòng yêu quý của ba! Chối bỏ – từ ngữ ấy không hề có trong từ điển đời ba. Hoặc có chăng đi nữa, thì ba chưa bao giờ dùng nó. Ba chưa bao giờ chối bỏ con. Suốt ba lăm năm trời nay, con luôn ở trong ký ức của ba, trong trái tim ba, trong tâm hồn ba…”.
Nếu như Cuộc trùng phùng của cha con nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã khiến cho độc giả lắng lòng với những chi tiết giàu cảm xúc thì Chuyện về thầy giáo thương binh, nhà báo Minh Tứ đã gieo vào lòng người một câu chuyện buồn về số phận không may của người thầy giáo mang tên Hồ Roàng ở xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ở bài viết này, ta gặp một Minh Tứ – một nhà báo giàu lòng nhân ái, đau với nỗi đau của người thầy giáo có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, gia tài không có gì ngoài chữ… nghèo.
Trong Chuyện về thầy giáo thương binh, độc giả thấy một nhà báo đang tự vấn mình trước mảnh đời đầy bất hạnh của thầy giáo Hồ Roàng, từng câu, từng chữ như được rút ra từ nỗi lòng của tác giả.
“Trở về tôi mang theo nỗi ám ảnh về cuộc sống cơ cực của người thầy giáo ấy. Đêm, tôi thao thức và trở dậy, tự đặt cho mình câu hỏi: Liệu rồi đây mùa mưa bão tới, gia đình thầy Hồ Roàng sẽ chống chọi thế nào với cái đói, cái rét khi nhà không còn gạo ăn và nhà chưa kín gió. Đêm ấy tôi viết bài báo với tựa đề: “Người thầy giáo ấy giờ đây”… Cuối bài báo, tôi kêu gọi những tấm lòng hảo tâm hãy giúp đỡ thầy Hồ Roàng, rằng nếu sống trên đời cần một tấm lòng thì tấm lòng đó xin được sẻ chia với người thầy giáo ấy, người thầy hết lòng vì học sinh thân yêu, giờ đây đang sống trong cảnh mù lòa với bao khốn khó của cuộc sống đời thường”.
Với Đời như tiểu thuyết, ta gặp từng câu chuyện mà ở đó những phận đời, phận người được nhà báo Minh Tứ dụng công khắc họa khiến ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Đó là Người đàn bà với hành trình hơn ba mươi năm đi tìm công lý. Đó là hành trình đi tìm công lý của chị Trần Thị Hiền – người đàn bà có đôi mắt “trĩu nặng nỗi buồn” đến kể cho tác giả nghe về về việc chị bị oan ức.
Hay là câu chuyện đẹp mà buồn trong Thêm một tình sử bên dòng Ô Lâu. Ở đây, độc giả đã được nhà báo Minh Tứ giới thiệu về câu chuyện tình đẹp của anh Ngô Xuân Hòa và chị Huỳnh Thị Thuận ở làng Phước Điền, xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Đó là những ngày tháng mà đôi vợ chồng ấy đã sống chiến đấu bên nhau nơi chiến trường gian khổ; là hành trình dài hơn hai mươi năm lặn lội tìm chồng của chị Thuận; sự nghĩa tình của đồng đội và khoảnh khắc gia đình đón anh Hòa về với quê hương đất mẹ Quảng Trị thân yêu. Một chuyện tình đẹp, buồn nhưng cuối cùng với một kết thúc có hậu: “Vậy là ông Ngô Xuân Hòa và bà Huỳnh Thị Thuận, những cán bộ chiến sĩ an ninh trung kiên một thời ra đi từ bến Ô Lâu, ngày trở về họ được cùng nhau nằm lại bến sông quê. Trên bến sông này bây giờ mọi người vẫn còn lưu truyền mãi về thiên tình sử của họ – những cán bộ, chiến sĩ an ninh Nhân dân một thời đã sống, cống hiến đến tận cùng cho quê hương đất nước”.
Ngoài những câu chuyện cảm động về nhạc sĩ, chiến sĩ, người dân hồn hậu, trong bút ký Đời như tiểu thuyết, tác giả đã dành một sự trân trọng đặc biệt khi khắc họa chân dung nhà báo Phan Quang – một nhân vật tiêu biểu của nền báo chí Việt Nam. Qua bài viết của anh Minh Tứ, nhà báo Phan Quang không chỉ được biết đến như một nhà quản lý báo chí tài năng, đầy phẩm cách, mà còn là một cây bút xuất sắc với một gia tài văn chương đáng nể phục.
Bắt đầu viết báo từ khi còn trẻ, hành trình sáng tác của ông kéo dài suốt nhiều năm, đến khi ở tuổi 90, ông vẫn giữ được sức sáng tạo dồi dào. Hơn thế, nhà báo Phan Quang còn là hình mẫu của một văn nhân sống đầy ân tình, luôn trân trọng và giữ gìn tình cảm với bạn bè, đồng nghiệp. Chính sự gắn bó sâu sắc với nghề nghiệp và những mối quan hệ quý trọng ấy đã tạo nên một Phan Quang vừa đậm đà nhân cách, vừa sâu sắc trong tư tưởng.
Là một nhà báo, đi nhiều, viết nhiều, tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp thế nên chúng ta không có gì ngạc nhiên khi trong Đời như tiểu thuyết, độc giả được gặp những nhà báo “gạo cội” của nền báo chí nước nhà. Đó là nhà báo Hồng Vinh với một tình yêu quê hương đất nước nồng nàn. Người đọc sẽ thấy xúc động nghẹn ngào và đồng cảm với nhà báo Hồng Vinh qua những vần thơ về miền quê nghèo xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định với tận cùng của nỗi xót xa:
“Mẹ sinh con giữa ngày tháng gian nan
Bão tháng Sáu hất tung mái rạ
Cọng rau héo , đêm cồn cào trở dạ
Sinh con mẹ đói lả suốt tuần;
“Một thời trắng nước đồng chiêm
Bóng cha phủ bóng con thuyền chênh chao”…
Nếu ta gặp nhà báo Hồng Vinh từ miền Bắc, khỏe đi và khỏe viết thì thông qua Đời như tiểu thuyết, mọi người còn nhìn thấy chân dung của ký giả Phạm Quốc Toàn với một sự nghiệp viết lách đồ sộ và rất đáng nể phục. Qua ngòi bút của tác giả Minh Tứ, nhà báo Phạm Quốc Toàn hiện lên với những nét tính cách rất gần gũi, “bản lĩnh, nhiệt tình và tự tin, thương anh em đồng nghiệp như thương cái thời gian khó”. Qua từng trang sách của anh Minh Tứ, ta còn thấy một cuộc đời rất nhiều dấu lặng của ký giả Phạm Quốc Toàn với “những nghiệt ngã nhưng vẫn đứng vững làm trụ đỡ cho gia đình”.
Đời như tiểu thuyết là tập bút ký với nhiều thông tin trong đó Quảng Trị – mảnh đất miền Trung cong như đòn gánh mẹ được khắc họa với nhiều chi tiết. Mảnh đất này từ lâu được nhắc đến như một biểu tượng của khát vọng hòa bình, độc lập thống nhất đất nước. Càng đọc những phần sau của tập bút ký Đời như tiểu thuyết ta càng rõ hơn về nội dung này.
Mảnh đất Quảng Trị hằn lên rất rõ trong bút ký của nhà báo Minh Tứ từ câu chuyện một thời ở chảo lửa Khe Sanh đến vùng đất linh thiêng và ẩn chứa nhiều tiềm năng du lịch…
Như vậy thông qua bút ký Đời như tiểu thuyết, nhà báo Minh Tứ đã khéo léo dẫn dắt người đọc qua từng câu chuyện, để họ cảm nhận được sự sâu sắc và thấm thía từ những bài học cuộc sống, từ những câu chuyện đầy cảm động mà anh đã sống, đã đi và đã viết.
Tập bút ký ấy như một khúc ca mượt mà, thấm đẫm cảm xúc về cuộc đời và con người, nơi mỗi phận đời, mỗi số phận đều được vẽ nên bằng ngòi bút tinh tế và đầy nhân ái.
THÀNH NAM
- Hình bìa: Bìa bút ký Đời như tiểu thuyết
Nguồn: Báo Lâm Đồng