TP.HCM đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)

    Hội thảo khoa học “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP.HCM giai đoạn 2019 – 2025” vừa diễn ra tại TP.HCM hôm 20/3 với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị – Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng – Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến… cùng đại diện Bộ khoa học & công nghệ, Bộ thông tin & truyền thông và đại diện các sở, ngành, quận, huyện, học viện, trường đại học, doanh nghiệp CNTT tại TP.HCM.

    Đây là hội thảo quan trọng lần đầu tiên của TP.HCM để làm rõ khái niệm vai trò, vị trí của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với sự phát triển của TP.HCM, cũng như nâng cao nhận thức các cấp, các ngành trong việc nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

    Trong phần phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng: nếu nhìn tổng thể thì việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất và đời sống của TP.HCM còn khá chậm, TP.HCM đang ở vị trí phía sau về nghiên cứu, đào tạo so với các đô thị trên thế giới; TP.HCM thiếu chuyên gia, nhà khoa học, cho đến nhà hoạch định chính sách về trí tuệ nhân tạo; môi trường kinh doanh chưa thực sự tốt; sự tiếp cận nguồn lực và cơ hội của người dân chưa thực sự bình đẳng.

    “Sự gắn kết, tương tác tứ giác của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà đầu tư tài chính còn lỏng lẻo, là một trong những điểm nghẽn kìm hãm việc nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TP.HCM”, chủ tịch UBND TP.HCM, nói.

    Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong hy vọng rằng, những sáng kiến và kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp sẽ giúp TP.HCM vững bước tự tin trên con đường phía trước, tiếp thêm động lực để TP.HCM có thể sản xuất những sản phẩm trí tuệ nhân tạo mang thương hiệu Việt Nam và do người Việt Nam làm chủ.

    Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cho biết: AI đang được áp dụng vào nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, như giao thông, an ninh công cộng, sản xuất, tài chính, thương mại điện tử… và đang góp phần thay đổi một cách nhanh chóng cuộc sống, dần trở thành một yếu tố quan trọng trong các hoạt động sản xuất – kinh doanh, điều hành, quản lý…

    Bài tham luận “Phát triển AI 2020 – 2030: Tầm nhìn chiến lược” của PGS.TS Vũ Hải Quân – phó giám đốc Đại học quốc gia TP.HCM, cho thấy: các quốc gia trên thế giới đã chạy đua phát triển AI rất mạnh mẽ. Qua hội thảo này, ông Quân mong muốn, đến năm 2030, TP.HCM trở thành trung tâm dữ liệu của khu vực Đông Nam Á; ngay từ bây giờ TP.HCM cần định hướng chiến lược, chỉ tiêu, hoạch định chính sách, hành lang pháp lý, hỗ trợ ngân sách; song song với mở rộng chế độ ưu đãi, mở kênh đối thoại, đầu tư vào giáo dục AI.

    Trong khi đó, theo GS. Hồ Tú Bảo – Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, thì AI là khoa học nhằm làm cho máy hoạt động như có trí não thông minh của con người, tiêu biểu với các khả năng suy luận, hiểu ngôn ngữ, nhận thức, giải quyết vấn đề. Vì vậy, GS. Bảo đề xuất TP.HCM cần xây dựng hạ tầng số vững chắc, gồm kỹ thuật (máy tính, mạng); dữ liệu (kết nối, chia sẻ), ứng dụng (big data), pháp lý và nguồn nhân lực.

    PGS.TS Thoại Nam – Khoa Khoa học và kỹ thuật máy tính của Trường ĐH bách khoa TP.HCM, chia sẻ: “AI hiện là hạt nhân để giúp giải quyết các vấn đề của cuộc sống. AI tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà quản lý, doanh nghiệp, quốc gia… Việc nắm bắt được những cơ hội này sẽ giúp những cá nhân, tổ chức, bộ máy, quốc gia phát triển mạnh mẽ, hội nhập với tương lai”. Và PGS.TS Nam đề xuất: TP.HCM nên xây dựng một trung tâm, kết hợp AI với các công nghệ khác như IoT, 5G để tạo thành một hệ sinh thái, và cần có một hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung để bất kỳ ai có ý tưởng đều có sẵn hạ tầng để phát triển ứng dụng.

    Trong bài tham luận “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển TP.HCM”, PGS.TS Trần Minh Triết – phó hiệu trưởng Trường ĐH khoa học tự nhiên TP.HCM, khẳng định: AI có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, như bảo vệ an toàn thông tin, phát hiện mã độc, kiểm tra thông tin, hỗ trợ giáo dục… Hơn nữa, người dân có thể tham gia vào như là một cảm biến (sensor) trong thành phố thông minh thay vì chỉ sử dụng các thiết bị hay hệ thống chuyên dụng được tích hợp trong cơ sở hạ tầng, đây cũng chính là cơ sở để xây dựng nguồn dữ liệu.

    Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, TP.HCM có điều kiện hình thành Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, bởi TP.HCM có nguồn lực kinh tế, có thị trường tại chỗ. Đây là tiền đề quan trọng để TP.HCM hình thành chương trình nghiên cứu và ứng dụng AI. Ngoài ra, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị UBND TP.HCM xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, cũng như hình thành Ban xây dựng và điều hành chương trình hợp tác, nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo TP.HCM.

    Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi 3 hội thảo dự kiến sẽ tổ chức trong năm 2019 trong khuôn khổ Đề án “Xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM giai đoạn 2019 – 2025”. Đề án này sẽ hỗ trợ quan trọng để thực hiện thành công Đề án “Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025” và Đề án xây dựng khu đô thị sáng tạo.

    MINH TÂN

    Recommended For You