UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai “Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025” trong năm 2023.
Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 900 doanh nghiệp
Kế hoạch nhằm mục tiêu chung là hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP phát triển ngang tầm khu vực, từng bước trở thành nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển sản phẩm chủ lực của TP, góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45 – 50%.
Tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Mục tiêu cụ thể của kế hoạch là hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 900 doanh nghiệp. Hỗ trợ ươm tạo, phát triển 300 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; trong đó, hỗ trợ phát triển 30 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm.
8 giải pháp hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Để đạt mục tiêu trên, TPHCM sẽ triển khai 8 nhiệm vụ, giải pháp:
Một là phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Hai là nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hình thành các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm.
Ba là hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm và thị trường.
Bốn là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo.
Năm là thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công.
Sáu là thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bảy là truyền thông khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tám là đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của Đề án.
* TP.HCM chiếm 80% lượng vốn thu hút vào startup trên cả nước
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, năm 2022, Việt Nam có 71 thương vụ công bố gọi vốn thành công với 727 triệu USD. Trong đó, TP.HCM có 45 thương vụ, thu hút được 591 triệu USD, chiếm 80% lượng vốn thu hút vào startup trên cả nước, phần lớn tập trung vào lĩnh vực Fintech.
Hiện nay, có khoảng 200 quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam, bao gồm 40 quỹ nội địa. Trên địa bàn TP.HCM có 124 doanh nghiệp có quỹ phát triển khoa học công nghệ với số vốn lên đến hơn 4.000 tỷ đồng và đã giải ngân hơn 1.200 tỷ đồng. TP.HCM cũng là địa phương có số doanh nghiệp công nghệ nhiều nhất cả nước, với 111 doanh nghiệp.
Trong 5 năm gần đây, TP.HCM liên tục tổ chức các cuộc thi về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đã thu hút hơn 2.000 dự án tham gia. Bên cạnh đó, khoảng 250 dự án được lựa chọn vào các chương trình ươm tạo vườn ươm. Theo thống kê, có 61 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình SpeedUP dưới hình thức thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ thông qua các vườn ươm và trung tâm khởi nghiệp. Các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM đang tập trung vào huấn luyện, đào tạo; kết nối liên kết hệ sinh thái; ươm tạo các dự án khởi nghiệp…
Tuy nhiên, số vốn thu hút đầu tư cho các startup vẫn rất thấp. Do đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng đang hướng đến các chương trình liên kết quốc tế nhằm kêu gọi nguồn vốn nước ngoài cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ | Thanh Quang