Ga hỏa xa Đà Lạt đã được Bộ văn hóa thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc quốc gia năm 2001. Khu viên ga tọa lạc trên độ cao trên 1.500 mét so với mặt nước biển, cùng với ga Hải Phòng, ga hỏa xa Đà Lạt được xem là cổ kính nhất Việt Nam hiện nay.
Công trình ga hỏa xa Đà Lạt này do hai kiến trúc sư người Pháp có tên Moncet và Reveron thiết kế xây dựng từ năm 1932 và hoàn tất năm 1936. Trong ý tưởng sáng tạo, họ mô phỏng hình ảnh dãy núi Langbiang – biểu tượng của Đà Lạt. Chiếc đồng hồ đặt ở mặt tiền ga, tượng trưng cho thời gian bác sĩ Yersin đã chinh phục cao nguyên Lâm Viên mà ông đã ghi trong nhật ký.
Theo sử liệu, từ năm 1933, tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt hoàn thành được đưa vào sử dụng. Để tàu vượt lên đèo Ngoạn Mục hiểm trở ấy, các chuyên viên hỏa xa đến từ Pháp, Thụy Sĩ đã phải thiết kế đường ray răng cưa, đồng thời bên cạnh một toa kéo phía trước còn có một toa đẩy phía sau để vượt đèo. Đoạn đường sắt chỉ dài hơn 100 km nhưng phải thi công trong hơn 10 năm mới hoàn thành.
Tuyến Đà Lạt – Trại Mát, được người Pháp bắt đầu xây dựng từ năm 1908 và đến năm 1932, là đoạn đường sắt còn lại của tuyến đường sắt leo núi Tháp Chàm – Đà Lạt trước đây với chiều dài 84 km gồm 12 nhà ga và chạy qua 5 hầm xuyên núi. Trong tuyến này có tuyến đường sắt răng cưa dài 16 km, gồm 3 chặng, với mục đích để leo núi. Những đoạn này được thiết kế thêm răng cưa ở giữa hai ray chính của đường sắt khổ 1.000 mm. Đầu máy xe hỏa được thiết kế gắn thêm bánh răng để bám vào đường ray răng cưa.
Chúng tôi có dịp trải nghiệm đi xe lửa tuyến Đà Lạt – Trại Mát và có cảm giác thật thú vị khi tiếng còi tàu “rúc” lên báo hiệu tàu chuẩn bị khởi hành và nghe tiếng máy nổ “xành xạch” chầm chậm (khoảng 15 km/giờ) rời ga. Xe lửa chui qua cây cầu, vượt qua xóm dân cư, vượt dốc và lúc này tàu đang “treo” trên đỉnh đồi cao.
Điều đặc biệt, các toa tàu hỏa được thiết kế giống với toa tàu cổ cách đây gần 100 năm, giúp du khách có thêm cảm hứng “check- in” những bức ảnh ưng ý làm kỷ niệm hoặc đăng lên mạng xã hội để “sống ảo” với bạn bè, người thân…
Phía trước là những biệt thự tuyệt đẹp nửa ẩn nửa hiện trong những rặng thông xanh, hồ Than Thở với huyền thoại “Đồi thông hai mộ” đang hiện rõ dần trước mắt, khung cảnh mặt hồ nước trong xanh in bóng ngàn thông reo trong gió, cảnh trí thật thơ mộng và trữ tình.
Tàu vừa ôm cua theo triền dốc, hai bên là các tàu lại đưa du khách xuyên qua những dãy nhà kính trồng hoa, trồng rau sạch theo công nghệ mới và các vườn rau xanh tươi đủ loại nào là atisô, dâu tây, khoai tây, bắp cải, cà rốt… Vượt qua đoạn đường 7 km, chúng tôi đến “ga” Trại Mát. Đây là trạm dừng để du khách đi tham quan một ngôi chùa Linh Phước, trước đây có người còn gọi là chùa Rồng, vì trong hoa viên cạnh chùa có một con rồng được xây dựng bằng ve chai rất độc đáo, người có thể chui vào bụng rồng.
Tại chùa Linh Phước, du khách chiêm ngưỡng chiếc chuông đồng lớn nhất Đà Lạt nặng tới 8,5 tấn được treo trong bảo tháp khá to. Ngoài ra, bạn thưởng thức các món ăn như mì Quảng do con cháu những người dân Điện Bàn (Quảng Nam) vào Đà Lạt vào những năm 1930 chế biến, hoặc những tô bún bò xứ Huế đặc sắc kèm với đĩa rau xanh “bát ngát”, giá cả lại rẻ đến không ngờ hoặc mua những mớ hoa, rau, dâu tây… tươi rói, mỡ màng.
Theo ông Trần Văn Dũng, giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Bình Thuận, thuộc Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn, các đoàn tàu trên tuyến này đã hoạt động trở lại từ tết Nguyên đán Nhâm Dần, sau hơn nửa năm phải tạm dừng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo đó, vào đầu tháng 3/2022, du khách có thể đặt chỗ online thông qua các kênh bán vé của ngành đường sắt, thay vì phải mua trực tiếp như trong quãng thời gian qua.
Theo đó, tàu hỏa Đà Lạt – Trại Mát được vận hành cố định các ngày thứ sáu, bảy và chủ nhật hàng tuần, với ít nhất 2 đôi mỗi ngày. Trong đó, tàu ĐL5 xuất phát từ ga Đà Lạt lúc 9 giờ 50 phút, đến Trại Mát lúc 10 giờ 20 phút. Chiều ngược lại, tàu ĐL6 rời ga Trại Mát lúc 10 giờ 50 phút và đến Đà Lạt lúc 11 giờ 20 phút. Buổi chiều, tàu ĐL11 rời Đà Lạt lúc 16 giờ 5 phút, đến Trại Mát lúc 16 giờ 35 phút; tàu ĐL12 rời Trại Mát lúc 17 giờ 5 phút đến Đà Lạt lúc 17 giờ 35 phút.
Qua tìm hiểu, có 2 mức giá trên chuyến tàu Đà Lạt – Trại Mát là 88.000 đồng và 98.000 đồng/vé. Nếu mua vé cả hai lượt, khách sẽ được giảm giá 25%. Ngoài ra, các đơn vị hoặc cá nhân mua vé tập thể cũng sẽ được giảm giá từ 15 – 40%, tùy thuộc vào số lượng vé.