Trẻ biếng ăn: Dùng và không nên dùng thuốc gì?

    Trẻ em không thích ăn, chán ăn thường do sự chuyển hóa kém, rối loạn chuyển hóa, rối loạn đường tiêu hóa, do bệnh tật (như bệnh về gan) hay đôi khi do độ tuổi (trẻ ham tập đi, do ham chơi, ham học), cũng có khi bị ức chế do chế độ ăn không thích hợp, do bị ép buộc ăn. Có một số thuốc chữa chán ăn có hiệu quả hay hiệu quả tạm thời như sau:

    Những thuốc có thể dùng

    Hydrosolpolyvitamin: là biệt dược chứa nhiều vitamin làm tăng cường chuyển hóa, giúp ăn ngon miệng, dùng cho trường hợp trẻ biếng ăn do chuyển hóa kém. Đây là hỗn hợp vitamin đậm đặc trong đó có vitamin A, vitamin D. Phải uống đúng liều thì có hiệu lực chống chán ăn tạm thời, nhưng dùng quá liều hoặc kéo dài sẽ thừa vitamin A, vitamin D sẽ lại gây chán ăn. Dạng dùng là thuốc giọt, thường có ống nhỏ giọt kèm theo. Kẹp nhẹ ống chứa thuốc bằng ngón chỉ và ngón trỏ để thuốc chảy thành giọt (đếm được đúng số giọt). Nếu kẹp mạnh ống chứa thuốc giữa ngón tay cái và ngón chỉ hay trỏ thì thuốc chảy thành dòng (không đếm được giọt), gây quá liều, làm cho trẻ chán ăn.

    Lysin: là acid amin cần thiết, con người không thể tổng hợp được mà lấy từ thức ăn. Lysin có trong sữa mẹ và trong một số thực phẩm. Tính trong 100 g thực phẩm thì trứng có 1.070 mg lysin; thịt bò, thịt heo nạc, tôm đồng, cá nạc có từ 1.400 – 1.500 mg, đậu xanh có 1.150 mg, đậu nành 1.970 mg, đậu phộng 990 mg. Khi đun nấu, lysin mất đi khá nhiều. Từ khi trẻ ăn dặm, nếu chọn thực phẩm không có chất giàu lysin hay chế biến không đúng làm mất lysin thì dẫn tới trẻ bị thiếu lysin. Sự chuyển hóa lysin lại phụ thuộc nhiều yếu tố như vitamin B1, B6, B2, PP, acid glutamic và sắt. Khi thiếu lysin hoặc thiếu các yếu tố chuyển hóa lysin thì trẻ sẽ biếng ăn, chậm lớn, suy giảm hệ miễn dịch.

    Nhu cầu lysin ở trẻ cao gấp đôi ở người trưởng thành. Nhu cầu mỗi ngày (tính theo 1 kg cân nặng) : trẻ sơ sinh đến 6 tuổi 99 mg; 7 – 15 tuổi 44 mg; 16 tuổi trở lên 12 mg. Liều lysin cần bổ sung mỗi ngày: trẻ dưới 4 kg là 250 mg, trẻ trên 4 kg là 500 mg. Liều này không gây độc. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng lysin cũng là một loại chống nhiễm kiềm nên dùng liều quá cao, kéo dài có thể gây nhiễm acid huyết.

    Lysin dùng cho trẻ biếng ăn thường chế dưới dạng xi rô có phối hợp với các vitamin B1 – B6 – B12 – C – A – D, muối khoáng. Khi dùng sản phẩm này thì không dùng sản phẩm khác có chứa vitamin A – D để tránh thừa hai vitamin này.

    Enzym tiêu hóa: các enzym tiêu hóa có vai trò thủy phân các phân tử lớn thành phân tử nhỏ: tuyến nước bọt tiết ra amylase, maltase để thủy phân glucid thành đường. Dạ dày tiết ra dịch vị và pepsin để thủy phân protid thành acid amin. Gan mật tiết ra lipase để phân hủy lipid thành acid béo. Thức ăn chỉ ở dưới dạng những phân tử nhỏ như vậy mới hòa vào trong dịch cơ thể dưới dạng nhũ tương, hấp thu qua màng ruột. Có khi vì hệ tiêu hóa còn non nớt chưa hoàn chỉnh, có khi vì bệnh tật mà cơ thể không sản xuất đủ enzym. Cũng có khi theo sinh lý bình thường, trẻ chỉ có thể sản xuất ra một lượng enzym nhất định nhưng ép trẻ ăn quá nhiều bữa, nhiều thức ăn thì sẽ không đủ enzym. Khi đó thức ăn không tiêu hóa nên ruột không rỗng để tiếp thu thức ăn mới, các thức ăn cũ không tiêu hóa hết sẽ sinh ra chướng bụng, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy, đi ra phân sống và làm cho trẻ chán ăn. Lúc này nếu xét thấy do chế độ ăn không đúng thì cần điều chỉnh chế độ ăn, nếu xác định thiếu enzym thực sự thì phải bổ sung enzym tiêu hóa, đồng thời chữa các bệnh gây ra thiếu enzym nếu có.

    Lưu ý: cần phải khám, xét nghiệm xác định thiếu enzym tiêu hóa thực sự mới dùng enzym tiêu hóa. Thiếu enzym nào thì bổ sung enzym đó. Chỉ dùng enzym hỗ trợ trong một thời gian vừa đủ, không dùng kéo dài vì khi dùng kéo dài cơ thể sẽ quen đi và thụ động, về sau sẽ vẫn theo thói quen đó mà không tiết ra enzym tiêu hóa. Việc dùng enzym là khó (phải thông qua khám và xét nghiệm enzym), bà mẹ không tự ý dùng cho trẻ được.

    Những thuốc không nên dùng

    Trước đây, người ta có dùng cycloheptadin chữa chán ăn. Lúc đầu, thuốc gây thèm ăn, ăn ngon; về sau lại gây chán ăn. Nay cấm dùng chữa chán ăn vì gây buồn ngủ, mất tập trung, lú lẫn, ảo giác; giữ nước làm béo giả nên nhầm tưởng lên cân, gây khô miệng, hoa mắt, nôn, sẩn, nhức đầu và với trẻ nhỏ, còn làm chậm sự hoàn thiện não, dùng kéo dài có hại cho sự phát triển trí tuệ. Tuy nhiên, thuốc này còn được dùng chống dị ứng nên vẫn có mặt trên thị trường (biệt dược: Peritol). Tránh lạm dụng, nhầm lẫn.

    Hydrocortisol cũng từng được dùng chữa chán ăn vì nó làm tăng cường chuyển hóa. Ngày nay, người ta không dùng vì thuốc giữ muối nước, gây béo giả và nhiều tác dụng phụ nguy hại khác. Hiện nay một số người trộn cycloheptadin, corticoid (như dexamethason) với một số cây cỏ để giả mạo thuốc bổ, thuốc chữa chán ăn, tự xưng là “thuốc gia truyền”. Cần cảnh giác với sự lừa bịp này!

    DS.CKII. BÙI VĂN UY

    Recommended For You