Thời gian qua, nhiều địa phương đã triển khai mô hình thí điểm thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án). Những kết quả đạt được bước đầu rất khả quan cho thấy triển vọng nhân rộng ra toàn vùng.
Giám đốc Hợp tác xã Thuận Tiến (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ) Nguyễn Cao Khải cho biết: Sau 3 tháng gieo sạ, đến thời điểm này, gần 50 ha lúa đầu tiên của thành phố Cần Thơ tham gia thí điểm Đề án đã bước vào giai đoạn thu hoạch. Theo đó, năng suất đạt 6-6,1 tấn/ha, trong khi năng suất ngoài mô hình là 5,9 tấn/ha. So với canh tác truyền thống, lượng lúa giống giảm 12 kg/1.000 m2; số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm 3 lần/vụ; giảm 10 kg phân bón/1.000 m2.
Đối với lượng nước bơm vào đồng ruộng, trước thường bơm 6 lần thì giờ giảm xuống chỉ còn 4 lần do có thiết bị đo nước trên đồng ruộng nên tính được lượng nước cần sử dụng từng thời điểm. Lúa bán ra đạt 7.000 đồng/kg cũng ở mức cao hơn so với lúa canh tác ngoài mô hình. “Đặc biệt, lượng rơm sau thu hoạch được hợp tác xã mang ra khỏi đồng ruộng, sử dụng trồng nấm và làm phân bón, từng bước phát triển kinh tế tuần hoàn lúa gạo. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa. Hy vọng sắp tới, mô hình này sẽ được nhân rộng ra diện tích lớn hơn”, ông Khải nhấn mạnh.
Trước những kết quả khả quan đó, mới đây, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ khởi động Đề án trên địa bàn tỉnh thông qua việc triển khai mô hình thí điểm tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp.
Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: Mô hình thí điểm triển khai trên diện tích 50 ha với 25 hộ tham gia. Thực tế, việc áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật trên đồng ruộng từ lâu đã được hợp tác xã triển khai rất hiệu quả và được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Gần đây nhất là các mô hình sản xuất lúa bền vững SRP, cánh đồng lớn giảm chi phí, cánh đồng lớn lúa hữu cơ…, cho nên đây cũng là cơ sở để hợp tác xã quyết tâm thực hiện hiệu quả mô hình mới theo Đề án.
Các thành viên hợp tác xã đã cam kết sau khi thu hoạch lúa hè thu 2024 sẽ không đốt rơm rạ, thay vào đó rơm rạ sẽ được vận chuyển ra khỏi ruộng, sau đó vệ sinh đồng ruộng, cày, xới và san phẳng mặt bằng đồng ruộng; khoảng cách giữa các vụ sản xuất ít nhất 3 tuần trở lên.
Các hộ tham gia Đề án sẽ nhận được sự hỗ trợ như giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất; đồng thời, ứng dụng cơ giới hóa máy sạ cụm, sạ hàng, sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) trong phun phân, thuốc bảo vệ thực vật, gieo giống… Diện tích sản xuất được cam kết thực hiện liên kết bao tiêu đầu ra nên người dân rất phấn khởi tham gia. Dự kiến, mô hình thí điểm sẽ cho thu hoạch vào tháng 9/2024.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiệu quả chung của Đề án là nâng cao giá trị gia tăng toàn chuỗi thêm 40%, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%. Hiệu quả xã hội là một triệu hộ nông dân được đào tạo và áp dụng canh tác bền vững; hiệu quả môi trường là góp phần giảm hơn 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác truyền thống. Những kết quả bước đầu từ mô hình thí điểm tại các địa phương với sự hưởng ứng, quyết tâm của người dân, doanh nghiệp sẽ là tiền đề cho thành công chung của Đề án, tạo ra hướng đi bền vững cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Tuy nhiên hiện nay, trở ngại trong nỗ lực giảm phát thải trong trồng lúa là do các địa phương vẫn chủ yếu tập trung vào mục tiêu kinh tế, an ninh lương thực, chưa chú trọng vấn đề giảm phát thải; thiếu cơ chế thúc đẩy, động viên nông dân tham gia sản xuất lúa phát thải thấp; nhiều vùng có điều kiện hạ tầng (chủ yếu là thủy lợi) chưa bảo đảm để áp dụng các biện pháp giảm phát thải như tưới ngập khô xen kẽ (AWD); chi phí cho sản xuất lúa theo quy trình canh tác các-bon thấp vẫn ở mức cao. Mặt khác, hiểu biết của người nông dân về Đề án còn hạn chế; nhiều tỉnh diện tích canh tác lúa manh mún, nhỏ lẻ… Do đó, trong quá trình triển khai, Đề án sẽ tăng cường công tác tập huấn, đào tạo cán bộ, thành viên hợp tác xã; đào tạo lực lượng khuyến nông cộng đồng và tăng cường các nhóm chuyên gia tư vấn hỗ trợ cho hợp tác xã. Bên cạnh đó, một số chính sách mới, phù hợp với xu hướng toàn cầu được thực hiện thí điểm như chi trả tín chỉ các-bon dựa vào kết quả cho một triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa gạo…
Thùy Anh
- Hình bìa: Thí điểm gieo trồng lúa giảm phát thải tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. ( ảnh HÀ AN)
Nguồn: Báo Nhân Dân