Trữ nước ngọt hợp lý để phòng chống hạn, mặn

    Việc gia tăng khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn, cùng với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng khiến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra với cường độ khốc liệt hơn.

    Chuyện nước ở đồng bằng sông Cửu Long

    Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ, hầu hết nguồn nước chảy đến đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ các quốc gia láng giềng, trong đó, 85% lượng nước đến từ 5 nước ở thượng lưu sông Mekong.

    Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình thủy điện, hệ thống thủy nông và nhiều khu công nghiệp dọc sông ở các nước thượng nguồn đã tác động đến thủy văn dòng chảy và nguy cơ cạn kiệt nguồn nước cả về số lượng và thoái hóa về chất lượng ở khu vực này.

    Vấn đề quản lý nguồn nước khu vực ĐBSCL đã đặt ra từ 30 năm nay, tuy nhiên, đến nay vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có một cơ quan nào quản lý hoặc chỉ huy nguồn nước cho cả vùng. Do vậy, các công trình cống ngăn mặn, đê bao, dẫn nước của các tỉnh đều được xây dựng mà không có sự bàn bạc, thống nhất, dẫn đến sử dụng nguồn nước chưa hiệu quả.

    Lấy ví dụ như công trình dẫn nước từ sông Hậu cho bán đảo Cà Mau sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước của các tỉnh còn lại. Việc sử dụng nguồn nước để sinh lợi cũng rất thấp, chẳng hạn đầu tư vào các công trình ngăn mặn để sản xuất lúa nhưng cho hiệu quả thấp.

    Tuy nhiên, quản lý nguồn nước của vùng ĐBSCL đang vấp phải nhiều thách thức do khó khăn về thể chế ngân sách, hoặc chưa phân định nguồn nước được phép khai thác và sử dụng và cũng chưa có chế tài ràng buộc việc một tỉnh muốn sử dụng nguồn nước của các tỉnh còn lại phải trả tiền.

    Trong khi chưa có giải pháp quản lý nguồn nước hiệu quả cho khu vực ĐBSCL, PGS.TS. Lê Anh Tuấn khuyến nghị, để sử dụng nguồn nước hợp lý, trước tiên ĐBSCL phải có những đánh giá đầy đủ, nhận diện tất cả nguy cơ nguồn nước. Từ những kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tác động xuyên biên giới, phân tích các bất cập về chính sách thủy lợi và an ninh lương thực.

    Cùng với đó, từng bước khôi phục các khu dự trữ nước tự nhiên, xem xét đánh giá, điều chỉnh và sửa chữa các công trình thủy lợi hoặc dự án nông nghiệp can thiệp vào việc xâm hại nguồn dự trữ nước ngọt. Và cũng cần xem lại cơ cấu sản xuất có liên quan nhiều đến tiêu thụ nước, đặc biệt là cây lúa, song song đó là giải pháp tiết kiệm nước.

    Cách nào để trữ nước mưa mùa hạn?

    Để ứng phó với hạn mặn hiện tại và trong tương lai, một số tỉnh của ĐBSCL có đề xuất xây hồ lớn chứa nước, tuy nhiên, đề xuất này chưa nhận được sự đồng tình của PGS.TS. Lê Anh Tuấn: “Tôi được biết, một số địa phương đã làm các công trình trữ nước ngọt rồi, tuy nhiên, phải cân nhắc địa phương nào nên và địa phương nào không nên xây dựng công trình này.

    Và cũng không nên xây dựng các hồ chứa lớn, mà nên làm những hồ chứa nhỏ (khoảng nửa triệu mét khối), sau đó mở rộng ra.

    Nếu làm hồ lớn, rủi ro rất cao, theo đó, đối với vùng mặn, vào mùa khô, nước mặn bị thẩm thấu qua kênh gây mặn.

    Ngoài ra, xây dựng hồ chứa lớn quá không kiểm soát nổi do nước bị thấm rút xuống đất, mùa khô đất nứt nẻ, nước cũng bị thấm xuống xung quanh đó.

    Tôi lấy ví dụ tỉnh Bến Tre xây dựng hồ chứa nước trên 800.000 m3 ngay kênh Lấp, tuy nhiên, hạn mặn năm 2020 cũng không thể trữ nước do mùa khô bị mất nước rất nhanh chóng, trong khi, nguồn nước còn lại cũng bị mặn.

    Ngoài ra, vùng phèn, nước có nhưng bị chua còn vùng ven biển bị rút nước. Do đó, trước khi làm công trình trữ nước phải khảo sát, đánh giá địa chất thật kỹ”.

    PGS.TS. Lê Anh Tuấn nhấn mạnh: “Tùy vào đặc điểm của từng vùng mà xây dựng hồ chứa, chẳng hạn, với vùng ngọt như vùng tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười, Vĩnh Long, Cần Thơ thì không đáng lo lắm, nước ngọt nhiều có thể trữ lại được.

    Còn các vùng phèn, chẳng hạn như Hậu Giang, có thể trữ nước được nhưng đừng đào sâu xuống quá, bị phèn, trong khi mùa khô thiếu nước, phèn xì ra.

    Với các vùng mặn, xây dựng hồ chứa nhưng cũng đừng đào sâu quá sẽ rút nước nhanh, làm khô hạn những vùng khác và mặn có thể bị thẩm thấu vào những vùng đó”.

    Đối với các hộ gia đình, PGS.TS. Lê Anh Tuấn có lời khuyên: “Ngoài cách trữ truyền thống mà người dân đã làm như: trữ nước trong lu, trong hồ, ống cống, bồn… người dân có thể thu nước từ trên mái nhà xuống lòng đất.

    Đối với đất vườn có thể đắp bờ bao lại, để túi trữ nước nổi trên mương. Tuy nhiên, người dân nên trữ nước cho mục đích sinh hoạt, không nên trữ nước cho mục đích sản xuất vì công trình trữ nước cần chi phí rất lớn (bỏ nhiều tiền nhưng trữ được ít nước), nếu trữ nước bằng mọi giá sẽ gặp thất bại”.

    VỸ PHƯỢNG

    Recommended For You