Truyện ngắn | Đường về nhà

Đan nhìn con đường tít tắp trải dài phía trước không một bóng người, thoáng chút bất an. Rồi nghĩ lại, chẳng phải cô và Nghĩa đã từng đi qua những cung đường tương tự như thế này nhiều lần rồi sao.

Chuyến đi xuyên Tây Nguyên để vòng ra một vùng đất khác, bằng những con đường chưa hẳn là đường, những con dốc lên xuống trập trùng, những rễ cây mà tay lái phải rất chắc để cả xe lẫn người không lao theo hướng gió nhưng đi mãi cũng sẽ ra những quốc lộ đường sá thẳng tắp, thấp thoáng bóng người.

Những lần phập phồng lo lắng ấy, Nghĩa rất bình tĩnh. Anh nói dù sao mình vẫn còn đặt chân lên mảnh đất quê hương, lo gì. Cũng phải, đâu dễ mà lạc qua đất nước khác một cách đơn giản vậy. Mà nếu vẫn ở đất nước mình thì việc gì phải lo! Người dân ở vùng này ăn gì mình ăn đó, ngủ nghỉ thì nếu không có nhà nghỉ, chỉ cần mái che tránh sương đêm, thậm chí chỉ cần mảnh đất bằng phẳng để dựng lều lên ngủ, chẳng lẽ không có? Nghĩ vậy Đan an tâm thả hồn theo những vạt cỏ dại vươn mình khoe ra những chùm hoa đủ sắc màu ven đường.

Rồi như những lần trước, xe sẽ lướt qua khoảng đồi trồng nương rẫy bạt ngàn xanh mát mắt. Bên vệ đường, thấp thoáng những người phụ nữ đeo gùi phía sau, chất đầy bắp, khoai, vài thứ trái lạ lạ nhưng hẳn là ăn được. Họ nói hai thứ tiếng, một với những người bản địa và một với khách, tất cả đều ân cần, vui vẻ.

Nhưng lần này khác. Nhất là khi cả hai chiếc điện thoại lẫn sạc dự phòng đều cạn sạch pin. Nghĩa đã cẩn thận sạc đầy pin lúc ở quán cà phê nơi thị trấn, chỉ với mục đích xem đường khi cần. Rồi cả hai đã đi bao nhiêu tiếng đồng hồ, dừng lại vệ đường ăn thêm bao nhiêu bữa, để cả điện thoại lẫn sạc dự phòng đều cạn sạch pin sau những mò mẫm từng đoạn chỉ dẫn trên Google Maps. Giờ nó chỉ là thứ đồ vật không còn giá trị. Nghĩa không nói ra nhưng Đan biết anh bắt đầu thấy bất an. Chiếc xe vẫn rẽ gió lao về phía trước. Chẳng cần quá tập trung khi lái, vì suốt hành trình dài chẳng thấy bóng người. Nghĩa cố nhớ lại từng vùng đất trên tấm bản đồ mà anh đã xem đến thuộc từ thời chưa có công nghệ hỗ trợ.

Nếu định vị theo trí nhớ thì nơi này ít nhất phải là một thị trấn vùng núi. Nghĩa đã đi lạc ở đoạn đường nào? Giờ phải làm sao? Nghĩa nhìn lên nền trời đã dần sẫm màu, ngả sang tối, những áng mây dần tan ra chỉ còn những vệt mỏng như tơ trời, áng chừng đã gần sáu giờ chiều.

Đan không còn nói gì từ khi Nghĩa nổi cáu. Đi bao nhiêu chuyến rồi mà Đan không biết tính anh hay sao. Nhưng Đan cũng hiểu, hiếm hoi những lúc anh nổi cáu như vậy cũng là khi anh có những bấn loạn nhẹ bên trong. Cả hai người thường bất đồng ở điểm đó. Đan thì muốn khi gặp khó khăn sẽ cùng trao đổi để đưa ra hướng giải quyết. Nghĩa thì càng gặp khó càng im lặng khiến Đan thêm khó chịu. May sao Đan không phải là cô gái ưa để bụng. Bằng chứng là sau một thời gian im lặng, hình như Đan đã ngủ sau lưng anh.

Thỉnh thoảng, Nghĩa phải buông một bên tay lái, co duỗi những ngón tay để biết chúng còn cảm giác. Nhưng đến khi cả hai mắt Nghĩa sụp xuống thì anh biết mình không thể đi thêm được nữa. Nghĩa chọn một nơi ven đường. Cũng chẳng đủ tỉnh táo để biết an toàn hay không, anh căng lều. Chỉ cần ngả lưng là giấc ngủ ập đến.

***

Đan thức giấc trước Nghĩa. Khi cô mở dây kéo lều để đi ra ngoài thì ngỡ ngàng khung cảnh trước mắt: cách lều không xa là một khu dân cư với những mái nhà thấp thoáng sau những tán cây nở hoa, khoe ra những sắc màu dìu dịu. Nó không phải màu của hoa đào hay những loài hoa ở vùng lạnh mà Đan đã đi qua. Cái sắc hồng nhẹ lớt phớt bay bay theo gió, tưởng như chỉ cần chớp mắt là chúng đã thành nhạt hơn hoặc đậm hơn. Đan cố nhớ kỹ xem mình đã gặp những hình ảnh này ở đâu. Chúng nửa quen nửa lạ.

Nghĩa cũng đã dậy và điều anh chú ý không phải những mái nhà phủ rêu và màu sắc của loài hoa lạ. Anh gom vội lều, xếp lại hành lý và kéo tay Đan lên xe: “Nhanh lên, anh đói quá, chúng ta đến đó sẽ có thức ăn”. Nghĩa nói rất nhanh, hơi lạnh thành làn khói theo ra từng câu chữ. Đan bỗng thấy đói cồn cào. Tưởng như cô có thể ăn bất cứ món gì khi ở một nơi đẹp như tranh này.

Chị bán hàng ngồi ngay dưới gốc cây phủ màu hoa từ xa. Nhưng lúc này, Đan không còn sức để nhìn hoa. Nhất là khi chị chủ quán mang ra hai tô thức ăn, với nụ cười niềm nở: “Mới tới phải không?”. Đan hơi khựng lại, là tới đâu? Đan đặt ngay câu hỏi nhưng việc quan trọng lúc này là bỏ thứ gì đó vào bụng. Đan và Nghĩa ăn ngấu nghiến tô thức ăn còn nóng hổi, không thể biết đó là món gì. Đến khi Nghĩa lấy ví trả tiền thì lại nghe được câu khi nãy, từ cậu con trai, có lẽ con của chị chủ quán: “Anh chị mới tới hả?”. Rồi cậu ta chỉ nhìn những tờ tiền trên tay Nghĩa và mỉm cười, không có ý định nhận.

Vậy là sao? Cả Nghĩa và Đan chẳng hiểu chuyện gì. Cả chủ quán lẫn phục vụ đều tất bật với công việc của mình, chẳng ai quan tâm vẻ mặt ngơ ngác của hai người khách.

Nghĩa thèm một ly cà phê. Đã mấy ngày nay Nghĩa chưa có cà phê trong người. Không để Nghĩa chờ thêm, ngay bên kia vệ đường là hàng nước, chắc sẽ có thứ cà phê Nghĩa tìm. Cả hai dẫn xe đi qua. Người bán cà phê là một cô gái trẻ. Bằng thao tác rất nhanh, như thể biết Nghĩa nhất định sẽ ghé để mua cà phê, cô ta trao hẳn cho Nghĩa hai ly, một đen và một sữa dù Đan chẳng hề gọi. Thôi kệ, Nghĩa lấy tiền ra trả nhưng cô ta không nhận. Cũng không nói tại sao không nhận, chỉ nhìn những đồng tiền trên tay Nghĩa, cười nhẹ. Những tờ tiền bỗng trở nên thừa thãi trong sự ngạc nhiên tột độ của cả hai.

Nghĩa quyết định đi tìm ai đó để hỏi nhưng những người ở đây đều rất tất bật với công việc của mình. Mà họ làm gì Nghĩa cũng không rõ, chỉ là đi qua đi lại, trên môi luôn sẵn nụ cười tươi. Nghĩa chợt nhớ ra chiếc điện thoại. Phải rồi, Nghĩa cần phải sạc pin cho điện thoại. Mọi thắc mắc của Nghĩa đều có thể giải quyết từ chiếc điện thoại nhưng sạc ở đâu?

Đan nói bên kia có một căn nhà, mình có thể sạc nhờ ở đó. Nhưng một lần nữa, cả Nghĩa và Đan đều sửng sốt khi người đàn ông kia vẫn với thái độ niềm nở, nói nơi này chẳng có sóng điện thoại thì sạc pin làm gì. Thôi cũng được, ở Việt Nam hẳn còn những vùng như vậy nhưng Nghĩa cần phải biết đây là nơi nào, những địa điểm lân cận là tỉnh, thành nào, để Nghĩa còn định vị đường đi tiếp theo. Người đàn ông chỉ lên cái tháp gần như chuông nhà thờ nhưng lại không phải nhà thờ, trên ấy có dòng chữ: An Thiên.

Cả Nghĩa và Đan không có bất cứ ký ức nào về hai chữ An Thiên.

Cuối cùng đây là đâu?

Trời tối hẳn, những ánh đèn lấp lánh nhấp nhô từ những mái nhà phía xa. Nghĩa kéo tay Đan: “Mình phải hỏi thăm đường đến khách sạn qua đêm”.

“Một chỗ ngủ ư?” – cậu trai trẻ cười hiền lành – “Tưởng gì chứ điều đó dễ ợt. Anh chị theo em”.

Nghĩa và Đan theo cậu ta về một căn nhà rộng thênh thang. Tuyệt nhiên không treo bảng khách sạn hay nhà nghỉ nhưng phòng rất sạch sẽ, tươm tất, như thể chờ sẵn khách tới ở. Trước sân nhà có nhóm củi đã chụm lửa, cùng mấy cái ghế gỗ có để sẵn bình trà. Chi tiết ấy thu hút cả hai người hơn là tấm mền mềm mịn thơm mùi thảo mộc trong căn phòng gỗ ấm áp kia.

Khi thấy Nghĩa và Đan ra ngồi cạnh ánh lửa bập bùng, chàng trai trẻ bước tới nói trong nhà có ít thứ nướng ăn được. Cả Nghĩa và Đan không nghĩ đến thức ăn trong lúc này. Nghĩa nhã nhặn kéo ghế mời cậu ta ngồi nói chuyện. Chàng trai với khuôn mặt sáng, vui vẻ ngồi xuống. Dường như không đợi Nghĩa thắc mắc, chàng trai chậm rãi nói:

– Bất cứ ai đến đây cũng sẽ bỏ lại phía sau tất cả, nên nó còn có tên là “vùng đất mới”, chắc chưa ai nói với anh chị điều này?

– Bỏ lại tất cả?.

– Dạ, tất cả. Chỉ cần anh chị đồng ý thì nói với bất cứ ai ở nơi này, họ sẽ dắt anh chị bước qua cánh cửa lãng quên, ở phía kia – chàng trai chỉ về nơi tháp cao có chữ An Thiên – “Khi đó, cuộc sống mới sẽ bắt đầu với anh chị. Một cuộc sống không phải vất vả, lo toan, muộn phiền như nơi mà anh chị đang sống”.

Chàng trai rời đi sau khi những thắc mắc đã được giải đáp cặn kẽ, bỏ lại sau lưng là khoảng lặng của hai thế giới, của Nghĩa và Đan.

Nghĩa nghĩ đến những đứa trẻ ở nhà, giờ này chắc đang nằm ôm iPad, mỗi đứa một chiếc, mặc cho mẹ chúng khản cổ gọi ra ăn tối, gọi ngồi vào bàn học hay chỉ là nhắc nhở chúng đi thay cái áo khi nãy ăn cơm đã vương mùi nước mắm… Cái thanh âm lộn xộn xen lẫn tiếng truyền hình của hàng xóm, tiếng cụng ly từ những quán nhậu trong con hẻm cạnh bên, tiếng chửi mắng thành lệ của bà mẹ có những đứa con khó bảo…

Nhiều lần Nghĩa không thể tập trung được cho một việc cỏn con cần giải quyết từ phía công ty. Anh gào lên nhưng chỉ im lặng được trong giây lát rồi lại ồn ào ngay sau đó. Vài lần, vợ Nghĩa nhỏ nhẹ bảo: “Anh đâu cần phải thét lên như vậy, hai con với em ở ngay cạnh đây thôi mà!”.

Mỗi buổi sáng thức dậy, Nghĩa thấy những ngày cũ nhàu nhĩ bám lấy mình. Cảm giác chán nản ập đến mà chẳng rõ vì đâu. Phải chăng anh đang ở đỉnh điểm của thứ người ta gọi là nhàm chán trong hôn nhân? Anh cảm giác như mình đang bị siết chặt, ngày càng chặt và bản thân luôn cố vùng vẫy để thoát ra, để lật sang trang sách mới. Đan xuất hiện như một trang sách trắng tinh khôi, mở ra với Nghĩa bao cảm xúc mới mẻ.

Thỉnh thoảng, Nghĩa lại kiếm cớ đi công tác, đương nhiên là còn tùy thuộc lịch trình của Đan. Chồng Đan ghen tuông một cách bệnh hoạn. Biết bao nhiêu lần Đan muốn buông bỏ cho xong. Nhưng xong làm sao được, gã chồng dù tật xấu nhiều nhưng sống với nhau bao nhiêu năm đâu phải nói bỏ là bỏ.

Hôm Đan nói đi công tác, lần đầu tiên anh nói với Đan bằng giọng dễ nghe nhất: “Để con đó cho anh, em không phải lo gì cả”. Vậy là Đan gọi taxi ra điểm hẹn gặp Nghĩa, nhẹ tênh.

Bây giờ cả Nghĩa và Đan đều có cơ hội để rũ bỏ toàn bộ.

Đêm đó cả Nghĩa và Đan đều không ngủ.

Hình ảnh của vợ hiện lên giữa ánh đèn nhòa của một buổi tối muộn, khi Nghĩa chở vợ đi ngang cửa hàng tiện lợi. Thình lình, vợ nắm lấy vạt áo Nghĩa, ở tư thế sẵn sàng nhảy xuống xe chỉ vì thấy cái bảng đề chữ “giảm giá” to đùng trước cửa hàng. Nghĩa đã đứng nhìn theo dáng vợ hớt hải chạy vào với nỗi xót xa. Khi cô ấy trở ra cùng với nét mặt rạng rỡ, trên tay là một túi to đầy rau, giọng hồ hởi: “Chỉ bằng nửa giá ngày thường anh ạ!”, Nghĩa không nói gì vì khi đó cổ họng anh đã nghẹn lại.

Mỗi khi cần đưa ra một quyết định nào đó, anh lại nhớ đến vẻ mặt ấy của vợ, nỗi xót xa ngay lập tức trở về trong anh.

Ngoài trời đã ửng sáng.

***

Buổi sáng ở nơi này trời thật đẹp. Không khí trong lành, muôn hoa đua nở như mùa xuân đã cận kề và bầu trời thì có những áng mây sà xuống thật thấp. Cả hai mất ngủ nhưng không có dấu hiệu của sự mệt mỏi. Cảm giác như chỉ cần hít thở không khí này đã tràn đầy năng lượng cho ngày mới.

Chàng trai trẻ đứng sẵn trước sân nhà. Hẳn anh ta sẽ phải hỏi điều gì đó, như là “anh chị đã suy nghĩ kỹ chưa” như Đan dự đoán. Nhưng không, khuôn mặt chàng trai thản nhiên không chút đắn đo hay vướng bận điều gì. Cậu ta chỉ tay về hướng có vách núi phủ ngập mây phía trước: “Lối đó là đường đi về của anh chị”. Cả Nghĩa và Đan đều giật mình. “Em biết, dù cuộc sống có không như mong muốn nhưng không ai sẵn sàng từ bỏ thứ mình đang có”. Chàng trai vừa nói vừa mỉm cười, nụ cười hiền lành và câu nói như thể thốt ra từ một khuôn mặt khác, từng trải hơn chàng trai trẻ đang đứng trước mặt Nghĩa và Đan.

Nghĩa lái xe về hướng tay chàng trai chỉ, tảng mây tan dần ra, con đường trải dài thênh thang rộng mở. Đường về nhà bao giờ cũng là con đường đẹp nhất.

La Thị Ánh Hường

Nguồn: Báo Điện tử Phụ nữ TPHCM

Recommended For You

Để lại một bình luận