Điều dễ nhận ra, dù con người xuất xứ từ đâu, khi sống với Sài Gòn-TPHCM, nhập gia tùy tục, phần lớn đều thành người Sài Gòn rất dễ mến, đáng yêu, mang tính cách đặc trưng người Sài Gòn, mở rộng ra là Nam Bộ.
Nói gì thì nói, phải công nhận Sài Gòn-TPHCM là trung tâm kinh tế, thương mại sôi động nhất nước. Không tính thời gian dịch bệnh COVID-19 mà Thành phố vừa trải qua, thì đô thị rộng lớn và đông dân bậc nhất Việt Nam này gần như không hề ngơi nghỉ, bất kể sáng, trưa, chiều, tối, đêm khuya. Người tại chỗ, rồi người tứ xứ khắp miền đổ về, mỗi cá nhân như một nét vẽ tạo nên bức tranh sinh sắc, đa dạng, quyến rũ, hấp dẫn của Sài Gòn. Có những phần gồ lên, nổi trội, dễ thấy, chẳng hạn nhiều khu đô thị mới hiện đại, các khối nhà chọc trời, vô số con đường thênh thang. Nhưng có những vẻ đẹp thật dễ thương, giản dị, chân chất, đằm sâu, thường trực, phổ biến, ngày nào ta cũng có thể gặp, và cũng có thể vô tình lướt qua không để ý.
Người Sài Gòn-TPHCM, cũng như người Hà Nội thôi, nếu nói là dân gốc, gốc Sài Gòn chẳng hạn, thì chỉ mang tính tương đối. Đất lành chim đậu, môi trường dễ sống sẽ quyện “chim” khắp nơi tụ về. Thành phố này luôn rộng lòng rộng cửa đón nhận mọi cánh chim.
Tuy nhiên, điều dễ nhận ra, dù con người xuất xứ từ đâu, khi sống với Sài Gòn, nhập gia tùy tục, phần lớn đều thành người Sài Gòn rất dễ mến, đáng yêu, mang tính cách đặc trưng người Sài Gòn, mở rộng ra là Nam Bộ: Hào sảng, chân chất, chân tình, mềm mỏng, nhẹ nhàng, chu đáo… Có lẽ những nhà nghiên cứu, nhà xã hội học nên chú ý tới điều này, biết đâu còn phát hiện được nhiều thứ hay hơn.
Do “bệnh” nghề nghiệp, tôi hay để ý quan sát, tìm hiểu, nhất là ở những mảng sống bình thường, con người bình thường. Đó là đối tượng, là chỗ bộc lộ lối sống, cách sống, phẩm chất một cách tự nhiên nhất. Không bị thêm thắt, tô màu, diễn xuất. Bạn cứ chịu khó để ý vậy đi, sẽ nhận ra những vẻ đẹp giản dị đời thường của người Sài Gòn-TPHCM thật gần gũi, đáng yêu.
Chuyện nhặt được, thấy và cảm nhận được nhiều lắm, chỉ xin kể lại khoảnh khắc, nét chấm phá rất dễ thương này.
Chúng ta thường nói tới đạo đức kinh doanh, sự tôn trọng khách hàng, coi khách hàng là thượng đế, v.v… Doanh nghiệp làm ăn lớn đương nhiên phải vậy. Nhưng chớ nghĩ rằng chỉ có đại gia mới thế. Ở Sài Gòn-TPHCM, bạn có thể vào bất cứ tiệm ăn, hàng quán nào, thậm chí chỉ người buôn thúng bán bưng, hàng gánh quán cóc vỉa hè, bạn đều nhận được sự đối xử chân tình chu đáo. Kiểu đặc sản “ngon + dữ” như phở quát, cháo chửi, bún mắng… xa lạ với nơi đây, không có chỗ để tồn tại. Người bán hàng bình dân nhưng tâm hồn rộng mở, giàu yêu thương. Tôi đã gặp rất nhiều “thương gia chân đất” dễ thương như thế sau gần nửa thế kỷ sống với con người Thành phố này.
Chẳng hạn hai vợ chồng bán xôi sáng chỗ mũi tàu góc đường Tùng Thiện Vương Quận 8, gần cây xăng; rồi hai vợ chồng tủ bánh mì bì cực ngon trên đường Trần Hưng Đạo Quận 5, gần góc cắt đường Trần Xuân Hòa. Họ mưu sinh ở đó dễ mấy chục năm rồi, bản thân tôi mua xôi mua bánh của họ không biết bao nhiêu lần mà kể. Đồ ăn ngon, sạch sẽ, giá bình dân nên lúc nào cũng đông khách, vòng trong vòng ngoài, nhất là giờ cao điểm. Nếu chỉ vậy thôi đã đi một nhẽ. Hình như không chỉ lý do ấy. Tôi nhận ra, lần nào cũng thế, khi khách đông, chồng hoặc vợ, hàng xôi cũng như hàng bánh mì, cứ vài ba phút lại mềm mỏng, nhẹ nhàng xin lỗi bởi làm khách phải chờ, “mong cô bác anh chị thông cảm”, “cảm phiền chờ chút nghe”… Cấm thấy sự gắt gỏng, cau có, khó chịu, nặng lời, mặt nặng mày nhẹ. Dường như lúc nào họ cũng cảm thấy có lỗi với khách hàng, thấy mình chưa được chu đáo với mọi người.
Khi nghe tôi kể lại điều này, người em tôi bảo phục thật, đáng nể thật, cốt cách đẹp giản dị dễ thương tự nhiên đời thường của người Sài Gòn-TPHCM. Cậu ấy còn bổ sung, hôm kia vào siêu thị Co.op Mart mua đồ, lúc gửi xe, cậu giữ xe đưa cái thẻ bằng cả hai tay, về tới nhà rồi cứ vấn vương mãi hình ảnh đẹp đó.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ | Xuân Quỳnh