Về Nam Đàn, Nghệ An – vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh ra nhiều bậc anh hùng, hào kiệt, nhà yêu nước, du khách thập phương không chỉ đến thăm quê Bác, Khu lưu niệm nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu… mà còn viếng thăm lăng và đền thờ vua Mai Hắc Đế.
Xuân này, năm 2023,, bầu không khí tại Nam Đàn lại thêm phần nhộn nhịp chuẩn bị cho Lễ hội Đền vua Mai – kỷ niệm 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu, tưởng niệm 1.300 năm ngày mất của ông và nhân dịp Đền được công nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Đầu xuân mới, chúng tôi có dịp thăm và viếng lăng, đền thờ vua Mai. Dù tiết trời rét buốt, từng lượt người vẫn nghiêm trang, lần lượt tiến vào khu đền thờ và lăng mộ vua để thắp hương. Chị Trần Thị Thanh Nga – người dân địa phương cho biết, nhà chị ở gần khu di tích vua Mai, do vậy, mỗi dịp xuân về, gia đình chị lại ghé đến thắp hương, tưởng nhớ vua và thành tâm cầu mong những điều tốt lành cho bản thân và gia đình trong năm mới.
“Các ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3, thường có rất đông người đến thắp hương. Vì vậy năm nay, gia đình tôi đến thắp hương trễ hơn, tránh chen chúc”, chị nói.
Nằm dọc Quốc lộ 46, hướng ra dòng sông Lam, đền thờ vua Mai Hắc Đế phong quang, thoáng đãng nhưng không kém phần uy nghi. Với diện tích hơn 10.000 mét vuông, khi xưa, đây là tổng hành dinh của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu chống lại nhà Đường và cũng là quốc đô khi vua Mai xưng đế. Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, sinh ra và lớn lên tại làng Ngọc Trừng, xã Đông Liệt, nay là xã Nam Thái, Nam Đàn, Nghệ An. Năm 713, ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoan Châu lật đổ ách đô hộ của nhà Đường, lập nên nước Vạn An (713 – 722).
Sau khi ông qua đời, để tưởng nhớ công lao của vị vua này, người dân đã lập đền thờ. Đây là nơi duy nhất trên cả nước tôn thờ và tưởng niệm ông. Quan sát từ ngoài vào, quan khách sẽ thấy cổng thờ khá đồ sộ, 3 tòa, sáu trụ, với lối đi chính rộng rãi. Hai trụ chính cao lớn, trên chóp có tượng kỳ lân, những trụ khác gắn sen búp. Hai bên cổng xây tường có mái giả, bên trái là tượng quan võ đeo kiếm và ngựa hồng, bên phải là tượng quan văn cầm thư cùng ngựa bạch; cùng với hai tượng voi quỳ phủ phục mỗi bên. Sau khi qua cổng và sân đền là phần điện thờ gồm có thượng điện thờ vua và gia quyến; trung điện thờ tướng sĩ có công; hạ điện là nơi hành lễ, thờ cúng cộng đồng và lưu giữ nhiều cổ vật còn lại như long ngai, bài vị, câu đối…
Dọc theo đê 42, cách đền khoảng 3 km về phía Tây, ngay dưới chân núi Đụn, là khu mộ vua. Đây khi xưa là kho lương thảo, đồng thời là nơi cầm cự cuối cùng của nghĩa quân khi thành Vạn An rơi vào tay giặc. Lưng tựa vào núi, lăng vua Mai hướng nhìn ra dòng sông Lam. Ngôi mộ được xây theo kiểu “thượng miếu hạ mộ” (miếu ở trên, mộ ở dưới). Sau khi được tôn tạo, lăng vua khá bề thế bao gồm mộ phần, hậu cung và bái đường.
Hằng năm, vào dịp từ ngày 13 – 16 tháng Giêng âm lịch, người dân khắp các nơi lại nô nức về dự Lễ hội Đền vua Mai và lễ giỗ vua Mai vào ngày 16/1 âm lịch với nhiều hoạt động đặc sắc, sôi nổi, mang đậm bản sắc văn hóa. Đây là sự kiện góp phần tôn vinh và khẳng định giá trị của di tích lịch sử Đền thờ Mai Hắc Đế, gắn với công lao của anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan và khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Đường ở thế kỷ VIII.
Khu di tích này đã được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp Quốc gia từ năm 1996, và mới đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký quyết định công nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Khu di tích là dấu ấn cho bước chuyển biến đặc biệt quan trọng trong lịch sử dân tộc, gắn liền với truyền thống yêu nước, đấu tranh giành độc lập, và chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Trải qua hơn 1.300 năm, Khu di tích vua Mai Hắc Đế vẫn sừng sững đứng đó như một minh chứng cho lòng yêu nước, thương dân, căm ghét bạo tàn của vị vua áo vải. Viếng thăm Khu di tích cũng là dịp để cho thế hệ người dân hôm nay có dịp nhìn lại truyền thống anh dũng, hào hùng, đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Nguồn: Báo Lâm Đồng | NHẬT QUỲNH
* Hình bìa: Khu lăng mộ vua Mai với địa thế đẹp, nhìn sông, tựa núi