Ngày 31/5/2024, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập (1/6/1989 – 1/6/2024) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất theo quyết định số 439/QĐ-CTN ngày 21/5/2024.
Từ một công ty nhỏ bé chuyên làm thuê, xây lắp công trình viễn thông cột cao, với một dãy nhà cấp 4, một chiếc xe u-oát và 10 con người, sau 35 năm, Viettel đã trở thành công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam, một Tập đoàn kinh tế quan trọng của đất nước với giá trị thương hiệu gần 9 tỷ USD, thương hiệu đứng số 1 ở Đông Nam Á, thứ 15 trên bảng xếp hạng 150 nhà mạng có giá trị thương hiệu lớn nhất toàn cầu.
Trải qua 35 năm kinh doanh, Viettel đã phát triển lĩnh vực kinh doanh ở 4 trụ chiến lược: Viễn thông trong nước và viễn thông nước ngoài, giải pháp công nghệ thông tin, công nghiệp – công nghệ cao, logistics – thương mại điện tử…
Lũy kế trong 35 năm qua, tổng doanh thu hợp nhất của Viettel đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 540 nghìn tỷ đồng. Viettel luôn là doanh nghiệp hàng đầu trong đóng góp cho ngân sách nhà nước, lũy kế đến nay đạt hơn 433 nghìn tỷ đồng.
Tại buổi lễ kỷ niệm 35 năm thành lập, Tập đoàn Viettel vinh dự được nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Sau 17 năm bền bỉ theo đuổi lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, Viettel đã nghiên cứu làm chủ và sản xuất hơn 60 dòng sản phẩm thuộc 10 ngành vũ khí trang bị kỹ thuật cho Quân đội, đảm bảo tính bảo mật, tự chủ, góp phần giúp nhiều Quân Binh chủng tiến thẳng lên hiện đại, góp phần nâng cao tiềm lực quân sự quốc phòng quốc gia.
Thành tích đặc biệt của Viettel còn được ghi nhận ở lĩnh vực an ninh mạng. Viettel cùng Bộ tư lệnh 86 và các cơ quan chức năng đầu tư nguồn lực, nghiên cứu xây dựng và đưa vào các giải pháp, công cụ để góp phần kiểm soát chủ quyền của Việt Nam trên không gian mạng. Viettel tìm ra hơn 400 lỗ hổng bảo mật zero-day (lỗ hổng chưa từng được công bố), chiến thắng ở cuộc thi khai thác lỗ hổng bảo mật lớn nhất thế giới Pwn2Own, ngăn chặn trung bình hơn 50.000 cuộc tấn công mỗi năm của hacker toàn cầu vào hệ thống. Đội ngũ an ninh mạng Viettel đã góp phần đưa Việt Nam vào “top” 30 thế giới các nước có khả năng làm chủ trên 95% các sản phẩm an toàn, an ninh mạng. Đây chính là nền tảng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam, cơ sở để trí tuệ Việt vươn ra thế giới.
[Bài liên quan: Dịch vụ Viettel Virtual SOC đạt giải thưởng quốc tế về an toàn thông tin]
Ở các lĩnh vực trọng tâm trong hành trình 35 năm qua, Viettel đã xác lập nhiều dấu ấn. Cụ thể, Viettel đã xây dựng nền tảng hạ tầng viễn thông lớn và hiện đại với hệ thống đường trục cáp quang đủ quấn 9 vòng quanh trái đất, hạ tầng kết nối vạn vật, hạ tầng mạng 5G và các trung tâm dữ liệu sẵn sàng cho phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, Viettel tạo ra hệ thống sản phẩm đột phá, xây dựng nhiều nền tảng ứng dụng giải pháp trong lĩnh vực tài chính, y tế, giáo dục, giao thông, logistics, các trung tâm điều hành đô thị thông minh, đóng góp tích cực vào chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
[Bài liên quan: Viettel tiên phong cung cấp Internet cáp quang tại ấp đảo Thiềng Liềng, Cần Giờ ]
[Bài liên quan: Cơ hội làm product manager tại Tập đoàn Viettel]
Đặc biệt, doanh thu từ hoạt động đầu tư nước ngoài đạt hơn 3 tỷ USD, duy trì tốc độ tăng trưởng cao 7 năm liên tiếp, gấp 5 lần trung bình ngành trên thế giới, đem lại nguồn thu ngoại tệ hàng năm chuyển về Việt Nam lên tới 500 triệu USD. Từ vị trí đến sau, Viettel vươn lên dẫn đầu ở 7/10 thị trường, ở cả 3 châu lục Á, Phi, Mỹ La-tinh.
[Bài liên quan: Viettel tiên phong triển khai mạng 5G Private hoàn chỉnh đầu tiên tại Ấn Độ]
Tại sự kiện, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel – Thiếu tướng Tào Đức Thắng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Bộ – ban – ngành, thế hệ các lãnh đạo Tập đoàn qua các thời kỳ, các đối tác trong và ngoài nước, đến hơn 110 triệu khách hàng trên toàn cầu và những người thân của cán bộ – nhân viên Viettel đã luôn ủng hộ và tiếp thêm năng lượng để Viettel có được thành tích như ngày hôm nay.
“Chặng đường 35 năm của Viettel nằm trọn vẹn trong dòng chảy lịch sử gần 40 năm đất nước đổi mới.
Viettel tự hào là nhân tố tích cực đóng góp cho sự phát triển của ngành và của đất nước.
Việt Nam, trong đó có Viettel, đang song hành với thế giới trên con tàu cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là cơ hội không xuất hiện lại lần thứ 2 và Viettel cần nắm bắt để vẫn nuôi dưỡng những khát vọng lớn, mục tiêu cao, gợi mở những cánh cửa mới lớn hơn cho ngày mai.
Chúng tôi xin hứa sẽ quyết tâm, nỗ lực tiếp tục dựng xây Viettel, song hành cùng đất nước người dân, góp phần cùng Chính phủ phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trở thành một Tập đoàn công nghiệp công nghệ cao toàn cầu, tiên phong, chủ lực trong hai cuộc chuyển đổi lớn của thời đại là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh”, Thiếu tướng Tào Đức Thắng khẳng định.
Trước đó, Viettel đã đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2019, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2014, danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2007.
Mục tiêu của Viettel ở giai đoạn tiếp theo
Phát triển hạ tầng số lớn nhất, an toàn nhất với công nghệ tiên tiến nhất, gồm: Hạ tầng truyền dẫn, hạ tầng lưu trữ, hạ tầng tính toán, làm bùng nổ điện toán đám mây, phổ cập ứng dụng dữ liệu lớn, Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo (AI)… Từ đó hình thành những nền tảng, hệ sinh thái dịch vụ số để phục vụ chuyển đổi số trên toàn quốc, đáp ứng chiến lược quốc gia về kinh tế số, chính quyền số và xã hội số.
[Bài liên quan: Viettel bất ngờ tung ra chương trình tặng camera an ninh cho khách hàng dùng Internet]
Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, tự lực tự cường và làm chủ ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng lưỡng dụng, gồm: Thiết bị hạ tầng viễn thông, năng lượng tái tạo, chip bán dẫn và công nghiệp quốc phòng, khí tài quân sự… Qua đó vừa đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội.
Phấn đấu đến năm 2025, Viettel cơ bản hoàn vốn đầu tư ra nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu, trở thành cầu nối về quan hệ ngoại giao, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Các sản phẩm, giải pháp của Viettel sẽ được xuất khẩu ra thị trường toàn cầu, không chỉ các nước Viettel đầu tư mà sẽ tiến vào các quốc gia công nghệ phát triển hay quy mô dân số đông nhất thế giới.
[Bài liên quan: Viettel là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia sáng kiến GSMA Open Gateway]
Xây dựng thành công hạ tầng logistics quốc gia như công viên logistics, cửa khẩu thông minh, hệ thống chuỗi cung ứng, đường sắt liên vận quốc tế. Viettel sẽ là doanh nghiệp nhà nước chủ lực thực hiện định hướng chiến lược của Chính phủ coi “bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu quốc gia”, “đảm bảo dòng chảy vật chất tương đương dòng chảy dữ liệu”.
[Bài liên quan: Viettel Post đặt mục tiêu tăng 30% doanh thu chuyển phát và logistics trong năm 2023]
Xây dựng nền tảng quản trị hiện đại, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu với bản lĩnh và truyền thống của người lính cụ Hồ, xây dựng môi trường làm việc hiệu quả, sáng tạo và hạnh phúc tại Viettel.
KIẾN MINH