Theo sát kế hoạch hành động của Chính phủ về chiến lược chuyển đổi số lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh theo định hướng phát triển nền kinh tế số, xã hội số và công dân số. Trong thông điệp của Chính phủ về Chuyển đổi số được phát động tại chương trình Ngày Chuyển đổi số Quốc gia, Viettel thể hiện được vai trò tiên phong khi đã và đang có những hành động cụ thể trong từng mục tiêu.
Về nâng cao tỉ lệ thủ tục xử lý trực tuyến, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Viettel đồng hành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, triển khai đồng bộ Hệ thống một cửa điện tử và Dịch vụ công trực tuyến cho hàng chục bộ ngành, địa phương trong lĩnh vực tài chính, tư pháp, nội vụ, ngoại giao, giao thông vận tải, kết nối với hơn 45.000 doanh nghiệp, 3,65 triệu hồ sơ. Trong đó, 11 bộ ngành, 45 địa phương sử dụng bộ giải pháp chỉ đạo, điều hành; 42 dự án Trung tâm điều hành thông minh (IOC), 33 dự án Trung tâm Điều hành an toàn thông tin (SOC) cho các tỉnh, thành phố.
Về xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Viettel đầu tư phòng lab 4G cho Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; hợp tác cùng trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) để sản xuất chip 5G; đồng hành cùng ĐH Bách khoa Hà Nội trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), cơ khí chính xác và vật liệu tiên tiến, năng lượng sạch… Tập đoàn tổ chức chương trình thường niên Viettel Digital Talent, mỗi năm tạo điều kiện cho gần 150 thực tập sinh xuất sắc được tiếp cận với các dự án thực tế, nâng cao năng lực “thực chiến” của lớp nhân sự công nghệ kế cận. Chương trình nằm trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực trẻ lĩnh vực công nghệ để tham gia các dự án quan trọng của Viettel, đóng góp vào chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Về hoạt động quản lý điều hành kinh doanh, nâng cao trải nghiệm khách hàng, Viettel triển khai dự án thông minh hóa Viettel (V.I Project) chuyển đổi số trong lĩnh vực quản trị tập đoàn. Các hệ thống quản lý mạng lưới, khách hàng… tập trung được áp dụng cho cả thị trường Việt Nam và 10 thị trường nước ngoài. Trên 70% ứng dụng hạ tầng CNTT truyền thống đã được chuyển đổi sang hạ tầng điện toán đám mây.
Việc làm chủ công nghệ là cơ sở để Viettel ra quyết định hướng dữ liệu, đồng thời cung cấp các gợi ý cá nhân hóa phù hợp nhu cầu, sở thích của từng khách hàng ở mọi lĩnh vực. Năm 2021, Viettel đạt giải vàng Giải thưởng kinh doanh quốc tế Globee lĩnh vực Dịch vụ và hỗ trợ khách hàng xuất sắc của năm bên cạnh các công ty uy tín trên thế giới như IBM, Cisco, Orange… Có tới 85% khách hàng sẵn sàng giới thiệu dịch vụ của Viettel với người thân, bạn bè theo khảo của NielsenIQ. Đây là tỷ lệ cao nhất trong các mạng viễn thông di động tại Việt Nam.
Về tăng cường truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số, là doanh nghiệp sở hữu giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam, Viettel là nhà tài trợ chính cho nhiều sự kiện chuyển đổi số lớn của cả nước như Make in Vietnam, Internet Day, Industry Summit 4.0. Trung bình 3 năm trở lại đây, mỗi năm Viettel đồng hành cùng gần 20 sự kiện về chuyển đổi số, tạo điều kiện để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp tiếp cận tới các thông tin ở lĩnh vực này. Sáng ngày 10/10 vừa qua, cuộc thi Viet Solutions được tổ chức bởi Bộ Thông tin truyền thông và Tập đoàn Viettel cũng vừa diễn ra lễ trao giải. Đây là cuộc thi thường niên tìm kiếm các giải pháp Chuyển đổi số Quốc gia do Viettel khởi xướng và đồng hành tổ chức.
Ông Tào Đức Thắng – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, khẳng định: “Chuyển đổi số quốc gia thành công khi mỗi tổ chức, con người chuyển đổi số thành công.
Với Viettel, có lẽ đây không còn là thời điểm để chúng tôi nói với nhau về nhận thức hay khái niệm thế nào là chuyển đổi số.
Giờ là lúc chúng tôi hành động, hành động và hành động, một cách quyết liệt, toàn diện và xuyên suốt, thể hiện vai trò là doanh nghiệp tiên phong chủ lực chuyển đổi số Quốc gia”.
KIẾN MINH