Tối nay (20/12), chủ nhân các giải thưởng của VinFuture 2023 với tổng trị giá 4,5 triệu USD sẽ chính thức lộ diện trong Lễ trao giải được tổ chức tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Năm nay, Giải thưởng VinFuture thu hút 1.389 đề cử, tăng gấp 3 lần so với năm đầu tiên (599 đề cử của mùa 1 và 970 đề cử của mùa 2), cho thấy uy tín và tầm vóc của Giải thưởng cũng như sự quan tâm của các nhà khoa học thế giới dành cho Giải thưởng này.
Sự kiện quy tụ các nhà khoa học hàng đầu thế giới và Việt Nam tham dự. Họ là chủ nhân của những giải thưởng danh giá bậc nhất như Nobel, Millennium Technology, A.M. Turing… và các viện sĩ từ những viện hàn lâm khoa học hàng đầu thế giới.
Năm nay, Giải thưởng VinFuture 2023 có chủ đề “Chung sức toàn cầu”. Tinh thần này được thể hiện rõ xuyên suốt trong toàn bộ chuỗi hoạt động của sự kiện. Bên cạnh chuỗi sự kiện Tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống”, tại VinFuture 2023, “Chuỗi đối thoại Khám phá Tương lai VinFuture” lần đầu tiên được tổ chức nhằm mở ra cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ tiềm năng trên thế giới cho Việt Nam.
Theo thông tin từ ban tổ chức, VinFuture 2023 đã thu hút số lượng hồ sơ đề cử kỷ lục, với 1.389 công trình KHCN đến từ hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ – con số hiếm giải thưởng lớn nào trên thế giới đạt được.
Giáo sư Albert P. Pisano, Viện sĩ Viện hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ, đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, đánh giá đây là minh chứng cho thấy tầm vóc và phạm vi ảnh hưởng ngày càng tăng của Giải thưởng KHCN toàn cầu đầu tiên do người Việt khởi xướng.
“Với chủ đề của năm nay là ‘Chung sức toàn cầu’ thì thách thức không phải là tìm ra một người thuần túy thắng giải hay những người chỉ thuần túy giỏi nhất trong lĩnh vực của họ. Quan trọng hơn là tìm ra và chỉ ra được những tín hiệu mà giải pháp của họ mang đến, được kỳ vọng sẽ là tốt nhất cho hàng triệu người trên thế giới”, GS. Pisano cho biết.
Theo GS. Pisano, giá trị cốt lõi và sứ mệnh đặc biệt của giải thưởng chính là điều làm nên sức hút đối với VinFuture.
“Chúng ta có thể nhìn thấy rất nhiều giải thưởng khác trên thế giới trong lĩnh vực khoa học công nghệ, kỹ thuật, vật liệu… nhưng điểm làm cho giải thưởng VinFuture trở nên đặc biệt là đánh giá và tập trung nhìn nhận vào những tác động mà những người sáng tạo khoa học mang lại cho xã hội, cho mọi người”.
Một điểm khác biệt của VinFuture là có giải thưởng dành cho nhà khoa học nữ, giải thưởng cho nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực mới, giải thưởng cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, chứ không phải chỉ đi tìm kiếm những ý tưởng rất tuyệt vời từ những nước giàu có, những quốc gia đã phát triển.
“Tôi cho rằng giải thưởng VinFuture có thể là minh chứng rõ ràng và tuyệt vời nhất để cho thấy một quốc gia có thể nhỏ về quy mô, nhưng với một trái tim lớn, bao dung vẫn có thể mang lại những thay đổi tích cực cho thế giới. Chính vì thế, tôi cảm thấy vui mừng, tự hào, gắn bó với giải thưởng VinFuture này và luôn làm hết sức mình để cống hiến cho giải thưởng VinFuture vô cùng tuyệt vời”, Giáo sư Albert P. Pisano nói.
Là thành viên mới của Hội đồng Giải thưởng VinFuture, Giáo sư Soumitra Dutta, Đại học Oxford, Anh quốc cho biết, giải thưởng VinFuture như là một điển hình cho việc khích lệ những sự sáng tạo, đổi mới đến từ các quốc gia đang phát triển.
Ông bày tỏ, các đề cử của năm nay rất tuyệt vời, nhưng ông sẽ mong chờ nhiều hơn các cái đề cử đến từ chính Việt Nam và các quốc gia trong khu vực.
Định vị Việt Nam là điểm đến mới của KHCN toàn cầu
Trực tiếp tham gia nhiều hoạt động học thuật do VinFuture tổ chức, PGS.TS. Nguyễn Trần Thuật (Phó Giám đốc Trung tâm Nano và Năng lượng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) đánh giá VinFuture đã giúp những cánh cửa ra quốc tế đang dần rộng mở với nhà khoa học Việt.
PGS. Thuật nhận định, nhà khoa học Việt Nam rất giỏi, chỉ cần có định hướng chiến lược đúng sẽ tiến xa.
“Với sự định hướng và xa hơn là hợp tác của các nhà khoa học lỗi lạc, các trung tâm khoa học đầu ngành của thế giới thì nhà khoa học Việt sẽ bắt kịp các xu thế mới, từ đó đi đúng hướng hơn, tốc độ nhanh hơn và đi xa hơn thay vì tự thân vận động. Đặc biệt, với sự hợp tác liên ngành, nhiều nghiên cứu đang tiềm tàng có thể sớm tạo ra trái ngọt”, PGS. Thuật phân tích.
Chung quan điểm GS.TS. Nguyễn Đức Chiến (Chủ tịch Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam), cho biết, VinFuture ra đời đã giúp kết nối mạnh mẽ giới khoa học trong nước với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, đồng thời mang tới cơ hội hội nhập cho các nhà khoa học trẻ.
Với số lượng gần 1.400 đề cử mà VinFuture nhận được năm nay, gấp 3 lần mùa giải đầu tiên và tăng 40% so với mùa thứ 2, là hết sức ấn tượng. “Trên thế giới khó có giải thưởng nào nhận được nhiều đề cử như thế. Dù mới bước sang năm thứ 3 nhưng tiếng vang của VinFuture đã rất lớn”, GS. Chiến nhận định.
GS. Chiến cho biết, trước đây, chỉ có một vài lĩnh vực mà quốc tế biết đến Việt Nam. Về KHCN, Việt Nam thậm chí vẫn ở “vùng trũng” của thế giới. VinFuture đã góp phần quan trọng giúp thay đổi cách nhìn của thế giới với Việt Nam.
Từ kinh nghiệm hàng chục năm hợp tác nghiên cứu với các tổ chức quốc tế, GS. Chiến cho biết trước khi quyết định đầu tư vào một lĩnh vực nào đó, các đối tác nước ngoài thường sẽ xem xét rất kỹ mức độ quan tâm của Việt Nam với lĩnh vực đó.
“VinFuture giúp thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn trong lĩnh vực KHCN. Khi người ta thấy trong nội bộ rất chú trọng đến KHCN thì họ sẽ sẵn sàng tham gia hợp tác, đầu tư. Nhờ đó, các cơ hội sẽ đến với Việt Nam nhiều hơn”, GS. Chiến nhận định.
Theo Ban tổ chức, một điểm nhấn đặc biệt nữa trong Lễ trao giải tối nay là sẽ sự xuất hiện của ngôi sao âm nhạc quốc tế hàng đầu Katy Perry. Bên cạnh đó là các màn trình diễn đẳng cấp từ các nghệ sĩ tên tuổi của Việt Nam như nhạc trưởng Đồng Quang Vinh và dàn nhạc dân tộc Sức sống mới kết hợp cùng nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc, NSƯT đàn bầu Lệ Giang.
Lễ trao giải VinFuture 2023 sẽ được Báo điện tử Chính phủ, Fanpage Thông tin Chính phủ tường thuật trực tiếp trên hệ thống website, fanpage. Ngoài ra, sự kiện Lễ trao giải VinFuture 2023 sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam VTV1, livestream trên Facebook và YouTube chính thức của Quỹ VinFuture và trên kênh truyền thông quốc tế TechNode Global.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ | Hoàng Giang
* Hình bìa: Hai nhà sáng lập Quỹ VinFuture tri ân các nhà khoa học trong Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo VinFuture 2022
Quỹ VinFuture là quỹ hoạt động phi lợi nhuận được sáng lập bởi Chủ tịch Tập đoàn Vingroup – ông Phạm Nhật Vượng và phu nhân – bà Phạm Thu Hương. Quỹ có sứ mệnh tôn vinh và hỗ trợ các nghiên cứu khoa học, các sáng chế, công nghệ đột phá, đã đóng góp hoặc có tiềm năng đóng góp cho cuộc sống của hàng triệu người trên trái đất trở nên tốt đẹp hơn, đồng thời kiến tạo môi trường sống bền vững cho thế hệ tương lai. Vào Ngày Quốc tế Đoàn kết Nhân loại – 20/12/2020, Quỹ đã thành lập Giải thưởng khoa học, công nghệ thường niên toàn cầu VinFuture. Hệ thống Giải thưởng gồm 4 hạng mục, trong đó Giải thưởng Chính – trị giá 3 triệu USD – là một trong những giải thưởng có giá trị lớn nhất trên thế giới; và 3 Giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500 nghìn USD dành cho nhà khoa học nữ, nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và nhà khoa học nghiên cứu những lĩnh vực mới. Giá trị lớn nhất và cũng là sứ mệnh của Quỹ VinFuture và Giải thưởng VinFuture chính là thúc đẩy khoa học phụng sự nhân loại, tôn vinh những công trình khoa học kiệt xuất có tính ứng dụng cao, có thể tạo ra sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới. |