Vitamin D giúp nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể

    Vitamin D là một trong 4 vitamin tan trong dầu (gồm vitamin A, D, E, K). Vitamin D có tên khoa học là calciferol, được cung cấp từ thực phẩm có hai dạng: vitamin D2 hay ergocalciferol hiện diện trong thực vật (trong nấm men và một số loại nấm) và vitamin D3 hay cholecalciferol có trong động vật (nhiều nhất là dầu gan cá biển sâu).

    Vitamin D không chỉ là “của trời cho” tìm thấy từ các loài động vật mà còn thấy từ một số loài thực vật. Một số loại nấm, đặc biệt là vi nấm như nấm men (yeast) chứa sẵn hợp chất esgosterol biến thành ergocalciferol, tức vitamin D2. Còn đối với con người chúng ta, ở vùng thượng bì của da có chứa hợp chất 7-dehydrocholesterol cũng được xem là tiền vitamin D.

    Khi tia tử ngoại có trong ánh nắng mặt trời (đặc biệt là UVB có bước sóng 290 – 325 nm) chiếu vào da sẽ biến tiền vitamin D thành cholecalciferol, tức vitamin D3.

    Các nhà khoa học ghi nhận, chỉ cần 10 phút để cho hai tay và khuôn mặt lộ ra dưới nắng mặt trời không cần gắt lắm là đủ cho việc tổng hợp vitamin D với lượng cần thiết cho cả một ngày.

    Vai trò chính của vitamin D là tạo xương bằng cách duy trì lượng calci và phosphor có sẵn trong cơ thể để hóa xương.

    Nếu thiếu vitamin D, sẽ thiếu chất khoáng cho xương và răng đưa đến còi xương, nhuyễn xương, loãng xương, răng của trẻ không phát triển tốt.

    Ngày nay, người ta còn phát hiện thêm tác dụng mới của vitamin D. Đó là tăng cường hệ miễn dịch, tức giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là biệt hóa bạch cầu thành những tế bào có sức chiến đấu cao tiêu diệt mầm bệnh.

    Hệ miễn dịch là một hệ thống rất phức tạp của cơ thể giúp phòng chống lại những chất lạ, đặc biệt là mầm bệnh như vi khuẩn, siêu vi, vi nấm… xâm nhập. Khi một chất lạ vào được trong cơ thể thì hệ miễn dịch nhanh chóng điều quân xem như các chiến sĩ ra ngăn chặn và loại trừ chất lạ.

    Đầu tiên, các “anh lính” của hệ miễn dịch là “thực bào” (macrophage), một loại tế bào bạch cầu, lao đến tấn công “ăn thịt” mầm bệnh, đồng thời gửi cảnh báo thông tin đến toàn hệ miễn dịch là có kẻ thù xâm nhập. Các “anh lính” này dồn về đóng quân tại các căn cứ gần quân địch nhất đó là các hạch bạch huyết (nằm ở mang tai, cổ, nách, bẹn).

    Kế tiếp là hoạt động của các tế bào bạch cầu gọi là tế bào lympho. Tế bào lympho sinh ra trong tủy xương. Một số ở lại tủy và phát triển thành tế bào lympho B (tế bào B), số khác đi đến tuyến ức và trở thành tế bào lympho T. Tế bào B phát sinh từ tủy xương và tăng trưởng trong các dịch cơ thể.

    Các tế bào B có khả năng phân biệt các tế bào của ta (trong cơ thể) và tế bào lạ là mầm bệnh xâm nhập.

    Các tế bào B sẽ bám lấy chất lạ là mầm bệnh, và có phản ứng bằng cách sản xuất thật nhiều chất gọi là kháng thể. Mỗi tế bào lympho B tạo ra một kháng thể cụ thể.

    Có 2 loại tế bào lympho T khác nhau: các tế bào Helper T (tế bào lympho T giúp đỡ) – phối hợp các phản ứng miễn dịch bằng cách kích thích tế bào B tạo ra nhiều kháng thể hơn; các tế bào Killer T (tế bào lympho T gây độc tế bào hay tế bào T giết) – như tên gọi, các tế bào T này tấn công các tế bào khác là mầm bệnh, đặc biệt hữu ích trong tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh.

    Cơ chế nâng cao miễn dịch của vitamin D đã được chứng minh thông qua việc cải thiện hoạt động của tế bào T giúp đỡ và cả tế bào T giết… Một khi tế bào T được kích hoạt thì tế bào B cũng được kích hoạt. Nghĩa là hầu như kích hoạt toàn bộ hệ miễn dịch.

    Bạn cần hiểu rằng nâng cao hệ miễn dịch không chỉ giúp các tế bào miễn dịch chống lại tác nhân gây hại tốt hơn mà còn giúp các tế bào miễn dịch tránh tự đánh chém lẫn nhau (hay còn gọi là bị bệnh “tự miễn”). Vì vậy, vitamin D còn được chứng minh là nòng cốt trong việc kích hoạt tế bào T, loại tế bào liên quan nhiều bệnh lý tự miễn như chàm da hoặc dị ứng như hen suyễn…

    Những năm 1990 của thế kỷ trước, tỷ lệ hen suyễn ở mọi lứa tuổi đều tăng đột biến. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành đánh giá các yếu tố gây tăng hen suyễn, đặc biệt ở trẻ em. Một trong những giả thuyết được đưa ra đó chính là vì con người chủ yếu làm việc trong văn phòng, ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nên thiếu hụt vitamin D – loại vitamin không chỉ liên quan đến hệ cơ xương mà còn liên quan đến hệ miễn dịch.

    Sữa mẹ chứa rất ít vitamin D3 nên bản thân mẹ trong giai đoạn mang thai phải bổ sung cả calci – vitamin D3 và bé bú mẹ hoàn toàn nên bổ sung vitamin D3. Một câu hỏi đặt ra rằng: “Nếu mẹ nguy cơ cao hen suyễn, bổ sung vitamin D trong thai kỳ thì liệu có phòng ngừa được hen suyễn cho con không?”.

    Năm 2016, thử nghiệm lâm sàng VDAART đã được công bố sau 7 năm dày công nghiên cứu rằng bổ sung vitamin D3 liều 4.400 IU giúp nâng nồng độ 25-hydroxyvitamin D trong máu cao hơn nhóm bổ sung 400 IU. Kết quả từ thử nghiệm VDAART cũng ghi nhận rằng: “Mẹ bổ sung vitamin D suốt thai kỳ giúp giảm tỷ lệ khò khè (giảm tỷ lệ khò khè chứ không giảm hẳn tỷ lệ hen suyễn) ở trẻ nhỏ, đặc biệt, trong năm đầu tiên của cuộc đời”.

    Một số nghiên cứu khác cũng chứng minh rằng việc bổ sung vitamin D cho trẻ giúp giảm tỷ lệ khò khè ở trẻ em tuổi mẫu giáo. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của khò khè ở nhóm trẻ tuổi mẫu giáo đó chính là nhiễm siêu vi, không liên quan dị ứng như hen suyễn nên nghiên cứu này tiếp tục nhấn mạnh vai trò điều hòa của vitamin D đối với hệ miễn dịch.

    Mặc dù chưa chứng minh thật cụ thể vitamin D giúp giảm tỷ lệ hen suyễn nhưng câu hỏi lớn vẫn đặt ra: Tại sao tỷ lệ bệnh hen suyễn và dị ứng lại cao hơn ở các nước ôn đới (dễ thiếu vitamin D) so với các nước nhiệt đới?

    PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC

    Recommended For You