Vợ kiếm tiền giỏi hơn chồng là mang tội to lắm?

Khi nên vợ nên chồng, hãy cùng nhìn vào gia đình, đừng so đo tính toán bảng lương. Nhiều người đàn ông cho rằng việc để vợ kiếm tiền nhiều hơn mình là mất thể diện…

Hồi còn bé, tôi từng đọc một bài thơ thú vị có tựa đề “Cô bé, cậu bé”, chỉ bằng mấy dòng đơn giản mộc mạc mà nói về sự khác biệt giữa tình yêu và hôn nhân sâu sắc đến không ngờ:

“Giá tớ được là con trai,
Cô bé có lần đã nói,
Tự lâu tớ đã bỏ đi
Sang châu Phi chơi cho khoái!

Còn nếu tớ là con gái
Cậu bé liền đáp lời ngay
Thay cho chỉ màu tớ sẽ
Thêu bằng tia nắng ban mai

Rồi hai người dần khôn lớn
Cùng nhau nên vợ nên chồng
Với nhau sáng trưa chiều tối
Họ toàn nói chuyện tiền nong…”

Cái sự hôn nhân hóa ra đôi khi cũng “bóp chết” sự mơ mộng của người ta như vậy, hay là khi con người trưởng thành, những suy nghĩ trong trẻo hồi bé đã trở nên lạc nhịp với thực tế xung quanh.

Từ mơ ước tung hoành du ngoạn khắp nơi, từ mộng mơ thêu thùa tia nắng ban mai, hóa thành câu chuyện suốt sáng trưa chiều tối – câu chuyện của tiền nong, khi cả hai đã thành vợ thành chồng.

Tôi bỗng nhớ đến một lần mình hỏi đùa người bạn đã lập gia đình, rằng các cặp vợ chồng sẽ thường xuyên nói với nhau điều gì nhất. “Tiền” – bạn tôi trả lời không lưỡng lự. Và tôi thấy, điều đó chẳng phải là không có lý.

Nói chuyện tiền nong đã đành, câu chuyện đó sẽ còn phức tạp hơn, đau đầu hơn nếu như người kiếm tiền giỏi hơn trong nhà lại là người phụ nữ. Đã mang tiếng là “phái yếu”, “dám” kiếm tiền giỏi hơn chồng hình như là một cái tội to lắm.

Ấy là suy nghĩ của khá nhiều người đàn ông. Người tự ti thì kiên quyết không bao giờ lấy vợ giỏi giang hơn mình, người trung hòa hơn thì ôn tồn thế nào cũng được trước khi khéo léo ý nhị thêm vào một chữ “nhưng” – “Nhưng nếu đàn ông là trụ cột kinh tế thì vẫn hơn”.

Tôi cũng chẳng phải mẫu phụ nữ giỏi giang tháo vát gì cho lắm, cũng không mong kiếm tiền nhiều hơn người chồng tương lai của mình, nếu có. Nhưng nếu lỡ tôi kiếm nhiều tiền hơn thì cũng có sao? Tôi nghĩ vậy, chẳng biết liệu có người đàn ông nào cũng nghĩ vậy hay không.

Tôi không cho rằng phụ nữ ngày càng giỏi giang. Kỳ thực họ vốn giỏi, chỉ là không được trao cho cơ hội thể hiện mà thôi.

Lịch sử ngày xưa chẳng đã chứng minh phụ nữ kiếm tiền giỏi hơn đàn ông đó sao, khi họ luôn có thể “nuôi đủ năm con với một chồng”, để đức lang quân yên tâm ngâm thơ đọc sách, mộng mơ toàn chuyện gió trăng.

Đồng tiền ngày nay kiếm vừa khó vừa dễ. Đàn ông tuy rằng luôn tỏ ra không thích vợ kiếm nhiều tiền hơn mình thật đấy, nhưng thử hỏi có mấy người mạnh mồm tuyên bố mình có thể độc lập lo tròn vẹn kinh tế gia đình mà không cần vợ giúp sức.

Khi chúng ta buồn phiền vì nghèo khổ, chúng ta nghĩ rằng mình có thể hạnh phúc hơn khi giàu có. Nhưng khi chúng ta giàu, lại có những vấn đề mới xuất hiện khiến ta thấy chỉ tiền thôi thì chưa đủ. Thực ra nhiều tiền hay ít tiền không quyết định cảm nhận của bạn với cuộc sống, vấn đề là thái độ sống của bạn mà thôi.

Chuyện kiếm tiền trong một gia đình, với tôi chẳng xứng trở thành cuộc chiến giữa vợ hay chồng. Bạn bon chen, tranh đấu ngoài xã hội chưa đủ hay sao, mà lại tiếp tục cuộc chiến trong gia đình – nơi đáng lẽ ra nên là nơi cứu rỗi bạn khi rời khỏi công sở ồn ào, thương trường khốc liệt mỗi ngày. Ở cơ quan, bạn đã phải đau đầu mỗi khi đồng nghiệp được tăng lương, bạn buồn phiền khi thương vụ này ít lãi, bạn tự ti khi bạn bè cùng trang lứa đã phất lên như diều gặp gió, tất cả chỉ vì đồng tiền mang về nuôi sống gia đình.

Vợ hay chồng, đồng tiền kiếm được đều chung mục đích ấy, vì những đứa con chung, vì mái nhà chung, tổ ấm chung. Chung một mục tiêu, vậy cớ gì phải so đo vợ kiếm nhiều hay chồng kiếm ít?

Nhiều người đàn ông cho rằng, việc để vợ kiếm tiền nhiều hơn mình là mất thể diện. Nhưng tôi trộm nghĩ người đàn ông muốn kéo vợ xuống cho thấp hơn mình mới là người đàn ông vốn không có thể diện. Bản lĩnh đàn ông chẳng phải thể hiện ở chỗ luôn vung vẩy thật nhiều tiền, mà ở sự trân trọng đồng tiền kiếm được, dù do mình hay do vợ.

Vợ giỏi giang, hãy cổ vũ cho cô ấy, vợ thất bại, hãy động viên cô ấy, chứ không phải lo lắng níu dây kéo cô ấy xuống trong khi mình chẳng chịu với cao lên.

Gia đình là nơi đồng thuận, chẳng thể cho rằng kiếm nhiều tiền hơn thì có thể áp đặt, kiếm ít tiền hơn là ăn bám. Bởi đằng sau chuyện tiền nong, còn có rất nhiều giá trị khác làm nên hai chữ “Gia đình”.

Dĩ nhiên nói đi cũng phải nói lại, phụ nữ cũng nên thông cảm cho cái sĩ diện vốn tồn tại từ trong máu của đàn ông, mà cư xử khéo léo nếu như cô mới là trụ cột kinh tế của gia đình. Bạn giỏi giang tháo vát, bạn hét ra lửa ở cơ quan, nhưng đừng bỏ quên những “đặc quyền” rất phụ nữ khi bạn làm vợ, làm mẹ: được dựa vào chồng, được hỏi ý kiến chồng, được ngưỡng mộ và tôn trọng anh ấy – người bạn đã chọn chung sống đến hết đời.

Khi yêu, hãy nhìn vào tim, đừng nhìn vào ví.

Khi nên vợ nên chồng, hãy cùng nhìn vào gia đình, đừng so đo tính toán bảng lương.

Blog của May

Nguồn: Báo Thanh niên

Recommended For You

Để lại một bình luận