Biến cố Tunguska là một vụ nổ xảy ra lúc 7 giờ 14 ngày 30 tháng 6 năm 1908 ở Siberi (Nga) đã tàn phá rừng taiga trên một bán kính 20 kilomet và gây thiệt hại trên một bán kính cả trăm kilomet. Nhiều giả thuyết khoa học được đưa ra về nguồn gốc của hiện tượng: thiên thạch, sét, khí methan thoát ra từ các ống dẫn, núi lửa… Giả thuyết dễ chấp nhận nhất là sự va chạm của một thiên thể nhỏ bị nổ ở độ cao từ 5 đến 10 kilomet. Biến cố Tunguska là vụ nổ lớn nhất biết được trong kỷ nguyên của loài người.
Các nhân chứng đã trông thấy một quả cầu lửa bay qua trong bầu trời không mây, nổ tung trên không bên trên sông Tunguska. Khu vực này là vùng có nhiều đồi phủ bởi rừng taiga, dân cư thưa thớt, chủ yếu là những người Tungus nuôi tuần lộc.
Vụ nổ được ghi nhận 3 phút 11 giây sau trên máy ghi địa chấn ở trạm quan sát địa vật lý Irkutsk cách đó 1.000 km, cũng như ở nhiều trạm địa chấn khác từ Á sang Âu. Tác động của nó mạnh tương đương một địa chấn khoảng 5 độ Richter. Nó cũng tạo ra những thăng giáng trong áp suất khí quyển đủ mạnh để được ghi nhận ở Tây Âu và ở Hoa Kỳ.
Trong vài ngày sau đó, các bầu trời đêm ở châu Á và ở châu Âu tỏa sáng đến mức người dân Luân Đôn có thể đọc báo bằng ánh sáng ấy.
Các đài thiên văn ở Hoa Kỳ nhận thấy một sự giảm sút của độ trong suốt của khí quyển kéo dài nhiều tháng (do sự hiện diện các hạt bụi lơ lửng).
Năm 1927, đoàn thám hiểm do nhà khoáng vật học Leonid Kulid lãnh đạo hết sức ngạc nhiên phát hiện rằng không có miệng hố thiên thạch, không có vết đụng chạm và không có mảnh vỡ. Hai cuộc khảo sát khác được tiến hành vào các năm 1958 và 1961. Người ta tìm thấy vô số những hạt cầu kim loại và silicat nhỏ phân tán trong đất.
Một nghiên cứu của Hoa Kỳ năm 1993 cho rằng thiên thể là một nhân sao chổi nhỏ, chủ yếu tạo bởi khí đóng băng đã tan chảy và nổ ở độ cao từ 6 đến 9 km, phần còn lại của vật chất bị phân tán bằng một cơn mưa những hạt cầu nhỏ. Cũng trong thập niên 1990, các nhà nghiên cứu Ý trích nhựa cây từ lõi của cây cối trong khu vực bị tác động để khảo sát các hạt vật chất bị bẫy trong nhựa cây. Nhiều ẩn số lớn về biến cố này sau đó vẫn chưa có lời giải đáp dứt khoát: thiên thạch hay sao chổi, kích thước của vật thể, sức mạnh vụ nổ?
Tháng 6 năm 2007, các nhà khoa học Ý của Đại học Bologna thông báo đã nhận ra một cái hồ ở khu vực chạm trán như là một hố thiên thạch do biến cố tạo ra. Họ không phản bác việc vật thể đã nổ tung giữa không trung, nhưng tin tưởng rằng một mảnh còn sót qua vụ nổ đã va đụng mặt đất.
Hồ Cheko là một cái hồ nhỏ nằm cách tâm chấn động khoảng 8 km về phía bắc – tây bắc. Một nghiên cứu trầm tích gần đây cho thấy đây là một cái hồ còn trẻ – khoảng 100 năm tuổi. Việc thăm dò đáy hồ ủng hộ giả thuyết hồ được hình thành bởi biến cố Tunguska vì hình dạng của lòng hồ khớp với hình dạng một thiên thạch.
Ngoài ra, theo thăm dò từ học, có thể có một khối đá nằm sâu dưới đáy hồ và có khả năng đó là một mảnh vỡ của thiên thạch.
Vụ nổ Tunguska được ước tính là đã phóng thích số năng lượng khoảng 10 – 15 triệu tấn TNT.
Kích thước tương ứng của vật thể va chạm là khoảng 60 m đường kính. Tuy nhiên, những mô phỏng với máy siêu điện toán, các nhà khoa học ở Phòng thí nghiệm Sandia (Hoa Kỳ) cho thấy vụ nổ có quy mô nhỏ hơn. Nếu sự xét lại này là đúng đắn thì tần số xảy ra những va chạm như vậy tăng lên, từ một lần trong 2 – 3 ngàn năm lên một lần trong vài trăm năm.
Biến cố Tunguska là vụ nổ lớn nhất biết được trong kỷ nguyên của loài người do sự chạm trán của một vật thể từ không gian với Trái đất. Cũng may đây là một thiên thể nhỏ và điểm chạm trán là một nơi hoang vắng.