Người ta hay nói đến những tình cảm lớn lao như quê cha đất tổ, duyên gặp gỡ lứa đôi để “tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”, rồi vu vơ câu “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Riêng tôi, lớn lên với vườn bốn mùa xanh mướt nên ôm ấp trong lòng những kỷ niệm về cây và đất.
Vườn của ba bây giờ được tính bằng mét vuông và quy đổi thành tiền nhưng tuổi thơ của tôi tính vườn bằng số trái. Hoa mà không đậu trái, cây nào không sai trái sẽ không được nhắc đến nhiều trong mỗi bữa cơm. Hoa đẹp thật nhưng đến tuổi lãng đãng tôi mới tơ tưởng đến hoa và đó là mãi sau này.
Vườn của ba chỉ là mấy chục sải chân của người lớn nhưng với tôi bấy giờ là ríu mỏi cả hai chân những trưa hè không ngủ và nếu chơi keo (một trò chơi dân gian) thì bò lê mãi cũng không với tới cô bé hàng xóm. Cái gì trong mắt trẻ con cũng lấp lánh hơn, huyền bí hơn và thênh thang hơn.
Bao chợ rau – củ – quả tôi đi qua, đã dừng lại, cầm lên, đặt xuống, sờ nắn từng thức, ngẫm câu: “mùa nào thức nấy” mà nhớ mảnh vườn xưa, không rau, không củ, không trái nào nhà tôi không có. Rau tập tàng vườn nhà tôi nhiều hơn mười vị, củ khó trồng nhưng chẳng bao giờ thiếu sắn khoai và người lớn lên còn “bí bầu thì lớn xuống”, nào mướp đắng, mướp ngọt, dưa chuột, bí, đậu ván, đậu quyên…
Trước cả sách tập đọc lớp một, từ các mùa vụ luân canh trong vườn, tôi đã thuộc lòng câu: “Tháng giêng là tháng trồng khoai, tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà”. Không biết cái màu tím hoa cà đi vào ngôn ngữ bao lâu rồi nhưng hình ảnh cây cà thấp lè tè mà ra hoa, đậu trái luôn gợi nhắc trong tôi những tốt lành của đời sống sinh sôi nảy nở. Trái cà đã ở lại quá lâu trong bữa cơm của gia đình, khẩu vị đó truyền sang cả đời cháu tôi cho dù ai cũng biết: “Một trái cà bằng ba thang thuốc”.
Lớn lên, biết hơn một tí về đặc tính của giống, của loài mới khâm phục bàn tay khéo léo, kinh nghiệm, sự học hỏi cũng như khả năng tụ hội cây trồng của ba trong mảnh vườn không quá lớn. Có những cây không thường có ở đất Thừa Thiên nhưng vườn nhà tôi vẫn có như: củ bình tinh, su le, su hào, bắp cải, cây mận quân, bồ kết, táo, vú sữa nếp, mận miền Nam… Chẳng hiểu ba lấy giống từ đâu, ba đã trồng như thế nào. Duy cây mít, cây “rặt” miền Trung ba trồng hoài, trồng mãi chẳng thấy ra trái. Mít cám chỉ tổ chát miệng trẻ con chứ chẳng bổ béo gì. Giờ thì mọi thắc mắc về cây mít đã rõ, cây mít chỉ hợp với đất đồi.
Vườn không chỉ đất và cây, vườn thấm đẫm mồ hôi cần mẫn của mẹ, bàn tay khéo léo của ba, bước chân rong ruổi của tôi mà thành hình thành dạng. Ai trồng cây cũng nghĩ đến lúc ăn trái nhưng hẳn ba mẹ chẳng nghĩ nhiều đến việc bán mua, cốt lũ trẻ trong nhà có thêm vài thứ trái và bữa cơm bớt được khoản tiền đi chợ hàng ngày. Nói thế thôi chứ cây nào cho ít trái, hay sâu, sau nhiều đêm đắn đo, ba vẫn quyết tâm chặt bỏ để trồng cây mới.
Tôi thuộc lòng tập tính của từng cây: mùa nào ra hoa, cho trái, con chim nào sẽ về làm tổ, cây nào dễ leo, cây nào “hóc xương gà sa cành khế”, cây nào có tổ kiến, tổ ong, hốc nào có bửa củi, trái nào phải hái ngay nếu không muốn lũ dơi dự phần. Trường học nào ở đâu xa, sau nhiều lần sưng mặt húp mắt vì tổ ong mới biết ong có khả năng… đốt người.
Trái nào phần cha, phần mẹ chẳng khi nào được tính toán, hiển nhiên trái ngon nhất là của cha, của mẹ. Mới hay, bài học lớn đến từ trái ổi thơm trong khu vườn nhỏ. Chưa hết, ai cao thì hái được nhiều, ai leo thì ăn trái ngon. Vậy nên chị Lâm bao giờ cũng được trái ngon và chia phần cho em út, còn chị Ly muôn thuở chỉ “ké” những trái điếc, trái sâu vì cái tội “há miệng chờ sung”.
Vườn là nơi nâng niu cũng là nơi phá phách. Cố hái một trái ngon ở xa nhiều khi tôi bẻ gãy cả một cành đang ra hoa và bao nhiêu trái nhỏ. Khi biết yêu, dù vô tình, vườn cũng là kẻ “tiếp tay” cho những tình yêu trái cấm. Có lẽ vườn địa đàng của Adam và Eva cũng chỉ nắng, gió, thơm tho và thơ mộng đến như vườn nhà tôi thôi. Bên kia hàng rào có người nhìn sang, bên này mặc sức cắt phá, hoa lá cứ thế rụng bời bời, cô láng giềng bỏ cuộc chơi mà tường vi cứ nở, chẳng gai nào đủ sắc bằng phân ly.
Và… tất cả đều có từ nơi đây.