Xử trí sốt ở người cao tuổi

    Khi người cao tuổi bị sốt cao có xuất hiện các tai biến như: rối loạn ý thức như lơ mơ, mê sảng, tiểu không tự chủ hay trở nặng thêm các bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường… sử dụng các phương pháp hạ nhiệt tại nhà sớm và đúng sẽ giúp người cao tuổi tránh được các tai biến nguy hiểm nêu trên.

    Khi nghi ngờ người cao tuổi bị sốt như khi thấy các triệu chứng: ớn lạnh, hơi thở nóng, tiểu gắt… nên cặp nhiệt kế ngay để xem có sốt hay không. Gọi là sốt nhẹ khi nhiệt độ từ 37,6 đến 37,9 độ, gọi là sốt vừa khi nhiệt độ từ 38 – 38,9 độ, gọi là sốt cao khi nhiệt độ từ 39 độ trở lên. Nếu có sốt phải hạ nhiệt ngay, không nên để nhiệt độ cao thì mới hạ sốt. Lau mát là phương cách hạ sốt hữu hiệu, dễ thực hiện và ít tốn kém, đồng thời mang lại những hiệu quả rất tốt. Việc thực hiện lau mát như sau:

    Trước hết nên nới lỏng quần áo, hoặc có thể cho mặc áo loại vải mỏng, không nên đắp mền, không được mặc nhiều áo hoặc mặc áo ấm vì như thế không những không hạ được sốt mà càng làm cho nhiệt độ trong người tăng cao, do sốt càng cao thì người bệnh sẽ có cảm giác lạnh nhưng thực tế là do sự rối loạn vận mạch cho nên chỉ cần hạ được nhiệt độ thì lạnh cũng sẽ tự nhiên biến mất. Trong phòng phải thoáng, chung quanh chỗ nằm của người bệnh nên dọn dẹp gọn, không nên để nhiều mền, gối… Dùng khăn tay nhúng vào thau nước lạnh, vắt ráo nước đắp lên những vùng như: trán, hai bên hố nách…, là những nơi đi qua của các mạch máu lớn, nên khi chườm mát những vị trí đó thì việc hạ nhiệt sẽ mau tác dụng hơn vì thế sốt sẽ mau hạ hơn.

    Trong thời gian chườm mát, chúng ta nên thỉnh thoảng cho bệnh nhân nằm nghiêng để lau vùng lưng. Hạn chế đắp khăn lên vùng ngực hoặc sau lưng vì khi đã hạ được sốt thì người bệnh sẽ dễ bị ho. Thường xuyên trở khăn, khi bệnh nhân có cảm giác dễ chịu hơn, trong người bớt bứt rứt thì ta nên kiểm tra lại nhiệt độ trong người và nhớ mỗi lần kiểm tra lại nhiệt độ, nên lau khô nhẹ hố nách, để khoảng 10 – 15 phút mới cặp lại nhiệt độ để tránh nhầm lẫn tưởng là sốt đã hạ do khăn lạnh làm giảm nhiệt độ da tại chỗ nhưng nhiệt độ cơ thể vẫn còn cao.

    Ngoài ra cũng có thể sử dụng được thuốc trong tủ thuốc gia đình như: Paracetamol 0,5 g dạng viên uống hoặc dạng viên sủi bọt hay dạng viên đặt hậu môn. Khi sử dụng loại viên sủi bọt này cần nhớ là phải hòa tan một viên sủi bọt với nửa ly hay một ly nước chín để nguội, có thể cho thêm 1 hoặc 2 muỗng đường cũng được, phải đợi cho tan hết mới uống, do các viên sủi bọt đều có chứa sẵn một hàm lượng muối natri bicarbonat do vậy người cao tuổi có một số bệnh mãn tính như: cao huyết áp, thận… phải hết sức thận trọng khi sử dụng.

    Liều Paracetamol trung bình dùng cho người lớn là 0,5 g/lần, 2 – 4 lần/ngày. Paracetamol là thuốc phổ biến dễ sử dụng nhưng lưu ý nếu dùng quá liều và dùng lâu dài thuốc vẫn có nhiều tác dụng phụ và biến chứng khá nguy hiểm, nhất là ở người cao tuổi.

    Về chế độ ăn uống, không nên ép bệnh nhân ăn nhiều, nên cho ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu, đồng thời nên cho uống nhiều nước, có thể là nước trái cây như: nước cam, nước chanh…

    Khi sử dụng thuốc hạ sốt, do tác dụng của thuốc thì nhiệt độ sẽ hạ, lúc đó người bệnh sẽ ra rất nhiều mồ hôi nên ta có thể dùng nước ấm để lau khô với điều kiện trong phòng phải kín gió, việc vệ sinh thân thể như vậy sẽ mang lại cho người bệnh được cảm giác dễ chịu, thoải mái.Việc hạ sốt và dùng thuốc hạ nhiệt chỉ mang tính chất tạm thời.

    BS. PHAN HỮU PHƯỚC

    Recommended For You