Xuân về, nhớ ổ trứng gà của bà

Bây giờ tuy đã sống xa quê, cứ mỗi khi Tết đến xuân về, không khí rộn ràng, với bao cánh én chao nghiêng, người người đi sắm Tết, tôi lại nhớ ngoại.

Ngoại tôi là người phụ nữ chịu thương, chịu khó. Sự hi sinh của đời ngoại được đổi lấy sự thành công của cậu, dì tôi.

Và bây giờ, tuy hoàn cảnh sống khác trước, nhưng ngoại tôi vẫn giữ cho mình nét đẹp của người đàn bà quê. Ngoại vẫn muốn gắn chặt phần đời còn lại trên mảnh đất đã có phần xương thịt của ông tôi, mặc cho bao lời mời mọc, bao lời khuyên của cậu, dì tôi trên phố xa.

Và cuối năm, thường là khoảng thời gian mà ngoại tôi bận rộn nhất với gánh cải, gánh mồng tơi để kịp buổi chợ. Những gánh rau mưu sinh, để ngoại sắm sửa vật dụng Tết nhất trong nhà, ngoại vừa vừa xem đó là thú vui của tuổi già.

Một thú vui thường nhật, mà ngoại đã gieo vào lòng tôi bao nỗi nhớ là thói quen dành dụm những quả trứng gà, cho vào một chiếc rổ tre, để trên gác bếp. Khi nào được vài chục trứng, ngoại mang ra chợ bán và đổi lấy bộ quần áo Tết cho tôi.

Bao cái Tết đi qua của tuổi thơ tôi, là bao lần bà bán trứng để đổi lấy quần áo cho tôi mặc, hay những quyển vở mới. Tuổi thơ tôi quấn quýt bên ngoại. Cây ổi, gốc me trước nhà ngoại, với đàn chim sẻ làm tổ. Với tôi, đó như một khu vườn cổ tích thần tiên, xuất hiện suốt một thời thơ ấu. Còn ngoại tôi là bà tiên hiền lành, hay xuất hiện mỗi lần tôi cảm thấy buồn tủi.

Mỗi năm chỉ có một mùa xuân, còn với tôi thì chỉ có một người bà, mà tôi yêu thương nhất. Bao nhiêu tình yêu thương, tôi đều gửi gắm nơi ngoại tôi. Cũng giống như trong bốn mùa, tôi chỉ yêu mùa xuân. Hình ảnh chiếc áo rách vai, bàn tay sần sùi vì vất vả, đôi mắt đục dần của ngoại theo thời gian, đã làm tôi thấy thương ngoại nhiều hơn. Ngoại như một cái cây khô dần theo năm tháng, chỉ còn vài chiếc lá khi mùa xuân về.

Ngoại tôi thường có thói quen nuôi nhiều gà. Ngoại bảo mỗi lần nghe tiếng gà gáy, ngoại thấy lòng yên tĩnh lạ. Bao nỗi lo trong ngoại đều tiêu tan. Ngoại như bớt phần nào nhớ con cháu hơn. Và nhờ nuôi nhiều gà, cứ mỗi khi Tết đến, ngoại đều có tiền để lo cho con cháu. Gà đẻ thay phiên nhau, và những quả trứng ấy lần lượt được ngoại sắm sửa vật dụng trong nhà. Có khi là rổ chén, tách trà, cái ấm, có khi là quyển vở hay cái áo trắng cho tôi.

Ngoại tôi rất giản dị. Ngoại chưa bao giờ biết đến bộ quần áo đắt tiền, hay những món ăn xa xỉ. Hình ảnh của người bà luôn hiện lên trong tâm trí tôi, đó là sự hiền lành và bà lúc nào cũng ngọt ngào như quả đầu mùa. Bà giản dị với chiếc áo bà ba, với chiếc quần nái đen, đôi guốc gỗ. Bao nhiêu tình thương bà đều dành cho tôi.

Hạnh phúc nhất là vào những chiều cuối năm, được nghỉ Tết sớm, tôi thường lúi húi cùng bà nấu bánh chưng, được sà vào lòng bà, nghe nhịp đập của trái tim bà, ngồi nhổ tóc sâu cho bà, tôi thấy lòng mình ấm hẳn, xua tan đi nỗi mặc cảm thiếu bóng cha mẹ.

Những ngày ấu thơ tôi luôn thèm cảm giác được yêu thương, che chở vì tôi luôn cảm thấy cô đơn, buồn bã khi không có bàn tay chăm sóc, vỗ về của mẹ bên cạnh. Tôi luôn hụt hẫng vì không có bờ vai của bố, mỗi khi tôi vấp ngã. Tôi thèm được nũng nịu, được quan tâm như bao đứa bạn cùng lớp. Và ngoại như một món quà tuyệt vời, mà cuộc đời dành riêng cho tôi.

Tết đến, xuân về. Nhìn những cửa hàng, siêu thị lộng lẫy với đa dạng các loại quần áo, tôi lại nhớ về ngoại da diết, lại nhớ về ổ trứng gà, với những chiếc áo xanh đỏ ngày nào. Và người bà, những con gà mái ấp, những quả trứng tròn trĩnh theo tôi vào cả những giấc mơ. Tôi yêu bà, yêu những quả trứng xinh xắn mỗi khi Tết đến, xuân về.

Tết này tôi sẽ về quê, sẽ cùng bà nấu bánh chưng, làm mứt Tết. Và tôi sẽ sắm cho bà những chiếc áo thật đẹp. Và Tết này, những con gà mái ấp sẽ thôi sợ đem bán. Những ổ trứng gà, những ổ trứng vàng ấy sẽ đợi đến ra giêng, sẽ cho bà tôi những chú gà đáng yêu.

Thân Thị Thanh Trâm

Nguồn: Báo Tin Tức

Recommended For You

Để lại một bình luận