Tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến việc ứng dụng mô hình điện năng lượng mặt trời (NLMT) trên mái nhà của hộ gia đình tại Cà Mau, nhóm nghiên cứu Lê Trần Thanh Liêm và Phạm Ngọc Nhàn, Trường đại học Cần Thơ nhận thấy, 4 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lắp đặt hệ thống điện NLMT trên mái nhà của hộ gia đình.
Các yếu tố này bao gồm: chi phí lắp đặt và sửa chữa, chế độ bảo hành và chăm sóc khách hàng, sự thân thiện môi trường khi sử dụng sản phẩm, sự đa dạng các doanh nghiệp cung ứng tại địa phương.
Nghiên cứu được thực hiện thông qua hoạt động tập huấn nâng cao nhận thức và phỏng vấn 120 hộ gia đình. Trong đó, hộ có hoạt động sinh kế chính như: nuôi tôm, cua hoặc tôm – cua kết hợp chiếm tỷ trọng cao nhất (55%).
Tất cả 120 hộ đều có thu thập bình quân trên 1,5 triệu đồng/người/tháng, trong đó tỷ lệ trên 12 triệu đồng chiếm 6%.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, điện lưới, xăng và gas công nghiệp là các loại hình năng lượng được tiêu dùng nhiều nhất.
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có bức xạ mặt trời tương đối lớn và ổn định. Trên cơ sở đó, có thể nhận thấy rằng việc triển khai mô hình điện NLMT trên mái nhà trên địa bàn tỉnh Cà Mau sẽ mang lại hiệu quả phát điện tốt.
Mặt khác, thông qua lượng điện dư thừa được sản xuất từ hệ thống trên mái nhà của các hộ gia đình khi hòa lưới điện quốc gia sẽ góp phần giảm tải áp lực sản xuất, truyền tải và phát điện cho khu vực.
Giá thành lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà cho hộ gia đình với công suất từ 2 – 5 kWp (6 – 7 m2/kWp), từ 20.000.000 – 27.000.000 đồng cho 1 kWp và bảo hành trên 25 năm.
Chi phílắp đặt còn phụ thuộc nhiều vào chất lượng và độ cao giàn khung giá đỡ.
Theo tính toán của Công ty cổ phần xây lắp III Petrolimex – Chi nhánh Hà Nội (2019), một hộ gia đình ở Nam bộ tiêu thụ 500 kW điện, tương ứng với hóa đơn tiền điện 1.321.870 đồng/tháng theo bảng tính giá điện bậc thang thì có thể lắp đặt hệ thống 1,2 kWp.
Như vậy, mức đầu tư ước tính khoảng 2 kWp, tương ứng 40 đến 54 triệu đồng. Để quyết định mức chi tiêu này, thông thường cả hai vợ chồng phải đạt được sự thống nhất, một số trường hợp phải xin thêm ý kiến đồng thuận từ ba mẹ cùng chung sống, một tỷ lệ thấp vợ hoặc chồng có thể tự quyết định.
Về chế độ bảo hành và chăm sóc khách hàng, kết quả cho thấy thời gian bảo hành càng dài, chế độ chăm sóc khách hàng càng tốt thì khả năng lắp đặt mô hình của nông hộ sẽ càng tăng.
Người dân đồng ý cao nhất với mức thời gian bảo hành cho mô hình khoảng 50% tổng thời gian sử dụng theo cam kết của nhà cung ứng (chiếm 65,2%).
Khoảng thời gian bảo hành chiếm 40% thời gian sử dụng sản phẩm được đồng thuận bởi 30% người tham gia. Trong khi đó, có 13% người dân chấp nhận cam kết mức bảo hành tối thiểu 30% tổng thời gian sử dụng.
Hiệu quả của quá trình này không chỉ giúp giảm chi phíchi trả hóa đơn tiền điện hàng tháng, mà còn có thể mang lại nguồn thu nhập tăng thêm cho hộ gia đình và giảm áp lực sản xuất, tăng nguồn cung thân thiện với môi trường cho hệ thống điện lực quốc gia.
Doanh nghiệp cung ứng, lắp đặt có uy tín tại địa phương càng nhiều thì khả năng ra quyết định của hộ dân sẽ càng cao.
Nghiên cứu cho thấy cộng đồng tin tưởng vào việc phát triển các doanh nghiệp trên địa bàn. Điều này không chỉ có thể giúp tiết giảm chi phívận chuyển trong thi công, lắp đặt, bên cạnh giá nhân công rẻ, cơ hội việc làm tăng và sẽ góp phần phát triển kinh tế cho địa phương.
Bên cạnh đó, nguồn lực doanh nghiệp này cũng sẽ góp phần phát triển các dịch vụ thi công, lắp đặt, triển khai và phát triển mô hình cho các vùng phụ cận và trên địa bàn tỉnh.