Chỉ diễn ra trong 1 tháng nhưng cuộc thi thiết kế logo về “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam (10/8)” đã thu hút được sự tham gia nhiệt tình của các nhà thiết kế chuyên nghiệp lẫn không chuyên từ khắp nơi trong và ngoài nước. Đã có 225 tác phẩm của 119 tác giả dự thi. Các thí sinh đã thể hiện sự sáng tạo và tinh thần nhân văn sâu sắc thông qua những thiết kế mang ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ về tình yêu thương và sự đoàn kết.
Cuộc thi thiết kế logo về “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam (10/8)” được tổ chức nhằm thu hút sự quan tâm và chia sẻ của cộng đồng xã hội về nỗi đau nạn nhân chất da cam/dioxin và cũng để thức tỉnh lương tri nhân loại cùng chung tay đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân. Logo được lựa chọn là biểu tượng được sử dụng và ghi nhớ lâu dài, sẽ được sử dụng trên các phương tiện truyền thông, tuyên truyền trong hoạt động kỷ niệm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam (10/8) hàng năm và những hoạt động liên quan đến nạn nhân chất độc da cam.
Hội đồng giám khảo gồm các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực thiết kế, truyền thông và nghệ thuật đã làm việc công tâm để lựa chọn ra những tác phẩm xuất sắc vào chấm chung kết xếp hạng. Các tác phẩm được chọn vào chung kết thể hiện đầy đủ các phương diện của thể lệ cuộc thi đề ra.
Về tiêu chí nội dụng, tác phẩm được chọn phải có hình tượng nghệ thuật hàm chứa ý nghĩa “Thức tỉnh và chia sẻ”.
Về hình thức, có cấu trúc tạo hình đơn giản, dễ nhận diện, ghi nhớ lâu.
Về thực tiễn: Tính ứng dụng cao, thực hiện dễ dàng trên mọi chất liệu, cũng như trên các phương tiện truyền thông.
Đồng thời logo được chọn thể hiện đầy đủ các giá trị, gồm: Giá trị văn hóa: phù hợp với văn hoá Việt Nam; Giá trị giáo dục: nhận thức về vấn đề; Giá trị nhân văn: Chân (Cái đúng/thật) – Thiện (Cái tốt) – Mỹ (Cái đẹp).
Qua các vòng chấm chung kết, có 15 tác phẩm lọt vào “Top 15”, gồm các tác phẩm có mã số: 117; 062-01; 071-02; 023-01; 029; 058-02; 079-03; 097-02; 005-03; 017-02; 044; 045; 064-03; 090-02; 106-01.
Hội đồng Giám khảo quyết định trao giải nhất cho tác phẩm có mã số 117 của tác giả Võ Doãn Tuấn đến từ thành phố Vinh – Nghệ An. Logo của tác giả này nổi bật với hình ảnh tổng thể logo là hình tượng hoa sen bung nở, cánh hoa được tạo hình có chủ đích thành những trái tim mang thông điệp lòng nhân ái, sự cảm thông sâu sắc của cộng đồng xã hội với đối với những nỗi đau và mất mát mà các nạn nhân chất độc da cam đã trải qua là nguồn cổ vũ, động viên to lớn giúp các nạn nhân vượt qua nghịch cảnh, tìm lại niềm tin để cùng nhau hướng những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.
Trung tâm đài sen: Cách điệu nhằm nhận diện nhanh. 5 cánh sen tượng trưng cho cho quá khứ, Đài sen tượng trưng hiện tại, hạt sen tượng trưng cho tương lai. Tổng thể biểu tượng thống nhất tinh thần: Chia sẻ, tương thân thân tương ái, sự nhân văn từ trong: Quá khứ – Hiện tại – Tương lai.
Năm cánh hoa tỏa ra các hướng tượng trưng cho sự lan tỏa những yêu thương, những hành động đẹp, đầy ý nghĩa ra khắp năm châu. Trung tâm logo là hình ảnh cách điệu logo Hội nạn nhân chất độc da cam (Dioxin Việt Nam) nhằm tạo nên sự nhận diện nhanh. Mặt khác, hình ảnh này được thiết kế liền mạch với bông hoa, thể hiện sự kết nối khăng khít giữa những nạn nhân chất độc da cam với cộng đồng xã hội.
Giải nhì được trao cho tác phẩm có mã số tác phẩm 062-01của tác giả Phạm Văn Thăng đến từ TPHCM. Logo của tác giả này là hình trái tim cách điệu, sáng tạo với hai sắc thái đỏ và đen, gây ấn tượng mạnh mẽ và thể hiện sự bất hạnh cùng nỗi đau khôn nguôi của các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/Dioxin. Hàng triệu cuộc đời đã phải chịu tổn thương, sống trong đau đớn hoặc tàn phế suốt đời, và những tác động này còn được di truyền đến các thế hệ mai sau. Hình ảnh trái tim không chỉ mang nỗi niềm đau khổ mà còn là một lời tố cáo mạnh mẽ, vạch trần âm mưu thâm độc của chiến tranh hóa học do Mỹ thực hiện, trước dư luận của nhân loại. Logo được thiết kế với ba màu chủ đạo (đỏ, đen và vàng), dễ dàng in ấn và phát hành. Nhìn tổng thể, logo hiện lên như một bông hoa hướng dương tỏa sáng, mang trong mình nhiều cảm xúc và thông điệp đầy ý nghĩa.
Giải ba thuộc về tác giả Trần Thị Minh Hạnh, tác phẩm có mã số: 071-02. Em là học sinh lớp 11A15 Trường THPT Nguyễn Trãi, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Logo được thiết kế đầy sáng tạo và tính nghệ thuật cao. Chữ số ngày 10/8 (Ngày vì Nạn nhân chất độc da cam) được thể hiện khá độc đáo, ấn tượng gắn kết với chữ “DVAO” (tên viết tắt tiếng Anh của Ngày vì Nạn nhân chất độc da cam) tạo thành một khối vững chắc, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, thể hiện “Ngày vì Nạn nhân chất độc da cam” luôn được Đảng, Nhà nước, UBMT tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng người Việt Nam quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, ghi nhận. Đây là một động lực rất lớn để các Nạn nhân tiếp tục khát vọng sống hướng đến tương lai tốt đẹp hơn. Logo thiết kế tinh giản, dễ nhận biết, dễ hiểu; được thiết kế theo tên thương hiệu nhằm mục đích khắc sâu “Ngày vì Nạn nhân chất độc da cam” vào tiềm thức mọi người.
5 Giải khuyến khích được trao cho các tác giả:
- Lê Ngạt – mã số tác phẩm: 023-01.
- Ngô Quang Trung – mã số tác phẩm: 029.
- Kiều Ngọc Trâm Anh – mã số tác phẩm: 058-02.
- Nguyễn Hữu Công – mã số tác phẩm: 079-03.
- Phạm Tam – mã số tác phẩm: 097-02.
Ngoài các giải thưởng chính thức, Ban tổ chức cũng quyết định tôn vinh 15 tác phẩm lọt vào “Top 15” của cuộc thi, và đơn vị có nhiều thí sinh tham dự và gửi nhiều tác phẩm: Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (HURC1).
=> Bài liên quan: Phát động cuộc thi thiết kế logo về ‘Ngày vì nạn nhân chất độc da cam – 10/8’
“Chúng tôi hy vọng, những logo này sẽ góp phần nâng cao nhận thức về hậu quả của chất độc da cam trong xã hội. Logo được lựa chọn là biểu tượng được sử dụng và ghi nhớ lâu dài, sẽ được sử dụng trên các phương tiện truyền thông, tuyên truyền trong hoạt động kỷ niệm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam (10/8) hàng năm. Và trong những hoạt động liên quan đến nạn nhân chất độc da cam”, đại diện Ban tổ chức cuộc thi chia sẻ.
MẶC NGÔN