Bây giờ chị mới nhận ra suốt bao năm qua mình thật vô tâm, chưa làm tròn bổn phận của dâu con trong gia đình. Chị tự nhủ: “Nhất định Tết sau mình lại về”.
Làm dâu gần chục năm nhưng chưa có cái Tết nào chị Thanh theo chồng về quê ăn Tết vì chị là gái thành phố. Chị không tưởng tượng được cái cảnh cả gia đình tứ đại đồng đường chen chúc trong một ngôi nhà ba gian bé xíu, rồi ăn uống, ngủ nghỉ thế nào trong cả tuần nghỉ Tết.
Năm nào chị cũng viện lý do rất chính đáng: năm thì bụng mang dạ chửa, năm thì ở cữ, năm thì bị sốt virus, năm khác lại trót đặt vé đi du lịch rồi hay có lịch họp lớp cấp ba… Thành ra anh Việt, chồng chị cứ lặng lẽ mang quà về biếu bố mẹ, họ hàng hoặc có rủ được vợ con về quê thì cũng chỉ từ sáng đến chiều là trở lại thành phố ngay.
Tết này, ông nội anh Việt mừng thọ 90 tuổi nên nhất định con cháu phải có mặt đông đủ. Chị Thanh không thể từ chối được vì hai đứa con đã miệng ăn chân chạy. Du lịch, họp lớp đều không có kế hoạch nên chị không biết viện cớ gì, chả lẽ lại lăn đùng ra giả vờ ốm. Như thế thì chẳng hay ho gì. Chị Thanh phấp phỏng lo lắng, sợ mình vụng về, không quen những việc ở quê lại khiến bố mẹ chồng phật ý.
Hai đứa nhỏ thì mừng rỡ, nhảy chân sáo vì biết tin được về quê ăn Tết. Chúng tự động sắp quần áo, đồ dùng cá nhân cho vào ba lô và thu gom rất nhiều đồ chơi cũ, sách truyện cũ mang về quê cho các em. Chị Thanh lên danh sách mua quà về biếu từng người, tiền lì xì khoản nào ra khoản đó. Dù chồng chị bảo người nhà quê không cầu kỳ quà to, quà nhỏ nhưng dù sao vợ chồng chị cũng mang tiếng là “người thành phố” nên phải đàng hoàng. Chị xót ruột nghĩ đến khoản tiền mua sắm nhưng không dám phàn nàn vì bao nhiêu năm mới có một lần.
Suốt một tuần về quê ăn Tết, chị Thanh ngỡ ngàng vì chẳng ai cho chị mó tay vào việc gì. Bố mẹ chồng chị vui hơn bao giờ hết. Ông bà không cần chị làm, chỉ cần chị cho các con về sum họp là ông bà mãn nguyện rồi. Các em chồng tíu tít, tranh nấu cơm, rửa bát. Vui nhất là hôm gói bánh chưng, cả nhà quây quần, mỗi người một việc. Chị Thanh xin được chân rửa và lau lá dong. Hai đứa con của chị thì hớn hở vì được ông nội gói cho hai chiếc bánh nhỏ. Chả bù cho mọi Tết, chị ra siêu thị mua mấy chiếc bánh về thắp hương, cũng chẳng biết người ta gói như thế nào.
Tối đến, mọi người nhường cho vợ chồng, con cái chị quây quần bên bếp củi canh nồi bánh chưng. Anh Việt còn nướng ngô, nướng khoai cho ba mẹ con thưởng thức và kể những chuyện “ngày xưa”. Cái lạnh căm căm ngoài trời đã bị xua tan. Chị không ngờ về quê lại có nhiều thú vị đến vậy. Dù chật chội nhưng vui cửa vui nhà, không khí gia đình ấm cúng hẳn lên. Trẻ con vui chơi ngoài sân, ngoài vườn rất thoải mái.
Suốt mấy ngày, ai đến chúc Tết, mẹ chồng chị cũng hồ hởi giới thiệu “con dâu thành phố”. Chị được chồng dẫn đến từng nhà cô, dì, chú, bác để chúc Tết, ai cũng tay bắt mặt mừng: “Quý hóa quá!” và mời dùng cơm. Chị thấy người nhà quê sao mà thân thiện, hiếu khách đến lạ, mới gặp lần đầu mà họ tỏ ra như quen thân từ trước. Chả bù cho ở thành phố, nhà nào biết nhà ấy, không mấy khi giao lưu.
Sau lễ mừng thọ ông nội anh Việt, vợ chồng chị Thanh chuẩn bị trở lại thành phố. Hàng xóm láng giềng và họ hàng mang cho anh chị bao nhiêu là quà quê, từ gạo nếp, gạo tẻ, giò, chả đến gà, cá… toàn cây nhà lá vườn. Hai đứa nhỏ thì ôm hai con lợn đất do ông bà nội sắm cho để đựng tiền lì xì. Nhìn cả nhà lưu luyến, dặn dò: “Tết sau lại về nhá!”, chị Thanh rưng rưng xúc động. Bây giờ chị mới nhận ra suốt bao năm qua mình thật vô tâm, chưa làm tròn bổn phận của dâu con trong gia đình. Chị tự nhủ: “Nhất định Tết sau mình lại về”.
Nguồn: Báo Hải Dương | TRẦN THỊ LÀNH