Làng cổ Đường Lâm là một làng cổ lâu đời mang rất nhiều nét văn hóa đặc sắc của vùng Bắc Bộ Việt Nam. Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, đến nay, ngôi làng vẫn giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng xưa với cây đa, bến nước, sân đình, nhà cổ, chùa miếu linh thiêng… Nét tự nhiên cùng sự cổ kính khiến Đường Lâm trở thành một địa chỉ ấn tượng đối với du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm về du lịch vùng ngoại ô Hà Nội.
Làng cổ hay còn gọi là xã Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Được gọi là làng cổ bởi toàn xã thừa hưởng rất nhiều ngôi nhà cổ, đình cổ, chùa cổ, nhà thờ cổ và cổng làng cổ, giếng nước cổ…
Đường Lâm từ xa xưa đã có 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh, huyện Phúc Thọ, trấn Sơn Tây. Trong đó, 5 làng chính gồm: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau. Các làng đều gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán và tín ngưỡng hàng ngàn năm đến nay vẫn được lưu giữ. Nơi đây còn được gọi là đất hai vua do là nơi sinh ra Phùng Hưng và Ngô Quyền với lịch sử lẫy lừng.
Phùng Hưng được mệnh danh là Bố Cái Đại Vương – Vị vua đầu tiên của Đường Lâm – đất hai vua không chỉ nổi danh với truyền thuyết diệt hổ bảo vệ dân làng mà còn gắn liền với những câu chuyện thực ảo về sự linh thiêng của người đã đứng lên chống lại cuộc xâm lược của nhà Đường, giành độc lập cho đất Việt trong 9 năm…
Bước chân vào mỗi ngôi làng thuộc làng cổ Đường Lâm nói chung đều bắt đầu bằng một chiếc cổng làng, hoặc một cây cầu. Ấn tượng nhất là cổng làng Mông Phụ được xây dựng vào năm 1833 với kiến trúc vòm và lớp đá ong tổ bên cạnh cây đa hơn 300 năm tuổi tạo nên một cảnh quan thực sự thanh bình và cổ kính. Ngôi làng này được gọi là làng đá ong. Đi tới đâu du khách cũng có thể thấy những ngôi nhà được xây dựng bằng loại đá này.
Đến ngôi nhà cổ của gia đình ông Hà Văn Thể – xóm Xui, chị Nguyễn Thị Lan đến từ Hà Nội, cho biết: tôi là người làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, đến tham quan làng cổ Đường Lâm. Làng còn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa của vùng Bắc Bộ xưa, con người nơi đây rất hồn hậu, chất phác, giọng nói quê, phong cách hiếu khách, nhiệt tình, chu đáo của bà con nơi đây khiến chúng tôi rất cảm mến. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy một số kiến trúc cũng bị mai một theo thời gian nên cần được Nhà nước, chính quyền quan tâm, trùng tu, nâng cấp sửa chữa, bảo tồn, hỗ trợ kinh phí cho người dân nơi đây để những ngôi làng cổ như thế này luôn thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Là người con của Đường Lâm, tôi vẫn nhớ khi xưa, các chú, các bác, trai tráng trong làng đi đánh đá ong ở dưới vùng đất sâu, ở ngoài đồng về và xếp thành hàng dài, cao, qua nhiều tháng, mưa nắng dãi dầu làm cho viên đá thật cứng, chắc, rồi khi đó người dân quê tôi mới xây dựng nhà. Họ đã đào lên những lớp đá ong dưới lòng đất để xây nên những ngôi nhà cổ như ngày nay. Khắp các lối mòn trong xóm, trong làng đều được lát gạch nghiêng trông rất lạ và sạch sẽ, hai bên là những bức tường đá ong màu vàng sậm, làm cho du khách cảm thấy được sự ấm cúng và những nét đẹp mộc mạc rất riêng mà không nơi đâu có được.
Ngay giữa làng chính là đình làng Mông Phụ. Ngôi đình có mái ngói cong đã được xây dựng cách đây 380 năm, rộng 1.800 m2, mang đậm nét kiến trúc Việt xưa, mô phỏng kiến trúc của nhà sàn với sàn gỗ cách đất. Phía bên trong đình có treo rất nhiều hoành phi câu đối nổi bật, xung quanh đình được những người thợ tay nghề cao chạm trổ rồng phụng đẹp mắt, mang tính nghệ thuật thủ công rất đáng trân trọng.
Làng Đường Lâm còn nổi tiếng với rất nhiều di tích văn hóa lịch sử như chùa Mía, đền thờ Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền… Du khách nước ngoài và bà con giáo dân khi tới tham quan nơi đây còn đặc biệt thấy thú vị và tự hào bởi nhà thờ Giáo họ thôn Mông Phụ. Nhà thờ rêu phong có kiến trúc cổ kính và luôn thánh thót tiếng chuông ngân vang vào mỗi dịp lễ trọng hay ngày Chủ nhật bà con đi lễ cầu phước lành.
Đến với làng cổ Đường Lâm, du khách không bỏ qua nét ẩm thực độc đáo nơi đây. Những món đặc sản nổi tiếng như thịt gà mía, cơm quê, cà ghém ngâm tương, củ rau khô xào lòng gà, bánh tẻ nóng, bánh đúc lạc, bánh gai ngọt dẻo mát thơm, kẹo lạc…như mời gọi du khách bốn phương.
Ngày mưa và lạnh, sau khi đi bộ tham quan làng, du khách ghé tạm quán nước ven đường hoặc nơi sân đình uống nước vối, nước chè xanh và nhâm nhi miếng chè Lam truyền thống dẻo thơm, hoặc cắn miếng kẹo lạc, kẹo vừng thì không còn gì tuyệt vời hơn. Nó giúp lòng người như ấm lại, níu chân lữ khách mỗi lần ghé chơi và là món đặc sản quê hương cho du khách và những người con xa xứ mang theo làm quà mỗi lần về thăm quê.
Nói tới Đường Lâm, du khách không thể không nhắc tới món tương gạo làng cổ. Tương luôn là món ăn phổ biến của mọi người, mọi nhà ở xứ Đoài. Tương dùng chấm đậu sống, đậu rán, kho cá, chấm rau muống, rau lang, kho thịt. Đặc biệt, nước tương được kho với cá cùng với một số gia vị khác như nước hàng, vài lát riềng, vài miếng thịt ba chỉ trong chiếc nồi đất nung làm cho cá rất nhừ, hết mùi tanh. Thật sự những món đặc sản nơi đây đã làm nên nét rất riêng cho làng cổ khiến du khách khó quên.
Lần trở về thăm quê của tôi và gia đình lần này đọng lại nhiều ký ức tươi đẹp. Xúc động nhất vẫn là tình làng nghĩa xóm, tình cảm thiêng liêng của bà con dòng tộc trong làng vẫn dành cho những người con xa quê tình cảm nặng sâu.
Đường Lâm giờ đây có nét đổi thay, phát triển dù là phát triển có chậm, do thiếu nhà đầu tư có chiến lược và có tâm, có tầm. Người làng cổ Đường Lâm đã biết cách làm du lịch, đón khách, hướng dẫn khách chu đáo, nhiệt tình, nhưng vẫn thiếu một đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp để mỗi đoàn khách đến có thể giới thiệu những nét đẹp độc đáo về văn hóa, kiến trúc làng cổ…
Hiện vẫn thiếu những định hướng cụ thể để người dân nơi đây làm du lịch một cách chuyên nghiệp, bài bản hơn. Và chỉ khi mỗi người, mỗi nhà phải là một tuyên truyền viên, hướng dẫn viên, họ mới có thể sống và làm giàu từ du lịch trên chính mảnh đất quê hương mình như Hội An, Huế hay Đà Lạt.
Nguồn: Báo Lâm Đồng | NGUYỆT THU
* Hình bìa: Chum tương luôn làm nền đẹp cho những bức ảnh kỷ niệm của du khách