Những ngày mưa cảnh vật mang lên mình một màu buồn tẻ, dòng người đông đúc chật chội bỗng thưa dần. Tiếng mưa tong tong từng giọt, cứ lộp bộp trên những mái tôn, triền miên không ngớt.
Hôm ấy, nhà tôi đông đúc hơn mọi ngày, con cháu về nhà quây quần bên chiếc giường nhỏ, có tiếng khóc vang vọng đâu đó trong màn mưa.
Ngày mưa ấy đã làm lòng tôi ngổn ngang đủ thứ, là ngày cuối cùng tôi được gọi tiếng… Bà ơi!
Bà nội ngày xưa là một người phụ nữ rất đẹp. Tôi nhìn qua bức ảnh chụp chung với bà trên chiếc xe máy đỏ, bà ôm tôi cười, một nụ cười trìu mến, đầy bao dung cho đứa cháu nhỏ nũng nịu không chịu chụp hình.
Bà kể hồi ấy tôi không thích chụp, mỗi lần giơ máy ảnh lên là tôi lại nhắm mắt, nhăn mày. Giờ mới thấy thật may mắn, khoảnh khắc tuyệt vời của ngày tuổi thơ vẫn còn in hằn trên bức hình, lưu giữ câu chuyện của bà cháu tôi .
Giờ đây, ở cái tuổi thất tuần mái tóc bà đã bạc trắng gần hết mái đầu. Những vết đồi mồi hằn rõ lên làn da trắng xanh của bà. Những ngày bà nằm trên giường bệnh, mọi người xung quanh ai cũng khen bà đẹp lão. Mọi người vẫn mến bà với nét hiền hòa và dịu dàng nhân hậu.
Nhớ những ngày được nghỉ học vào mười mấy năm về trước, tôi theo chân bà đi khắp nơi trong chuyến du lịch. Tôi ngồi vào lòng bà, nghe bà kể về những chuyến đi khi còn đôi mươi, của những năm tháng vết chân chim vẫn chưa hằn.
Bà kể về chuyện tình yêu với ông, về một tình yêu không có những lời thề non hẹn biển, không có khoảng thời gian nồng cháy. Họ đi từ thời đôi bên còn trẻ tới bạc đầu, bên nhau vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống ngày xưa.
Tôi thông qua những câu chuyện lãng mạn của họ để thấy được cuộc sống bình lặng, chan chứa bao hạnh phúc.
Nội rất thích kể chuyện cho chúng tôi nghe, đó là những câu chuyện ngày xửa ngày xưa, là câu chuyện dùng bao tuổi xuân của mình để trải nghiệm, chiêm nghiệm. Để giờ đây tôi lớn lên, những câu chuyện ấy vẫn mãi phảng phất trong tâm trí, tưởng như mới vừa được nghe bà kể hôm nào.
Bà nằm trên giường, căn bệnh như làm bà ngã quỵ, ít khi trông thấy bà cười hay vui vẻ như ngày xưa. Những giây phút ấy, tự mình bà chống chọi với mấy căn bệnh quái ác, đôi lúc không chịu được, thầm thương cho số phận của bản thân mình, bà thủ thỉ với tôi: “Sao ngoài kia nhiều người đến tuổi bà mà họ vẫn khỏe thế… còn bà… sao lại mang nhiều bệnh thế này…?”. Mắt bà rưng rưng, có giọt nước mắt lăn dài trên gò má đầy vết nhăn.
Tôi đưa tay lau đi những đau đớn, tủi hờn của bà rồi ngoảnh mặt sang một bên, bởi tôi biết rằng mình không thể phớt lờ đi khoảnh khắc day dứt này.
Ngày bà đi xa, ông nội chỉ lặng lẽ ngồi bần thần trên chiếc giường bên cạnh bà. Như một người biết rằng về sau bà chẳng còn bên cạnh ông nữa, chẳng còn những câu trách móc, than thở khi ông đi chơi mãi vẫn chưa về.
Tôi thấy ông xem lại những tấm ảnh khi bà còn trẻ, những ngày bà còn đủ sức khỏe để cùng ông đi khắp mọi nẻo đường. Có lẽ trong lòng ông đang thầm nghĩ, sao trước khi rời đi lại chẳng nói với nhau một lời cuối cùng. Ông giơ tay lau khóe mắt đỏ hoe, người đàn ông trụ cột ấy dường như không thể chống đỡ nổi, như muốn bật khóc cho vơi nỗi lòng mình. Những tấm hình giờ đây như là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm đẹp, nơi ông được giải bày, nói nhẹ lòng mình cho người ông yêu ở nơi xa.
Ngày bà rời đi, tôi về không kịp. Vẫn còn nhiều lời muốn thủ thỉ cùng bà, muốn kể bà nghe về những câu chuyện vui khi tôi đi học. Vẫn nhớ câu nói ngày ấy bà nói với tôi, đó là lần cuối cùng tôi gặp được bà. Bà nói: “Ráng học nha con”, nhớ hoài nét mặt buồn mà vẫn dịu dàng của bà.
Giờ đây, mỗi khi xem lại những tấm hình phai màu của bà, tôi vẫn cứ ngẩn ngơ nhớ những chuyện xưa. Có lẽ vào thời điểm ấy, gia đình chúng tôi đều đã sớm nghĩ đến, đã chuẩn bị tâm lý cho ngày ly biệt sẽ đến. Chỉ là có chuẩn bị chu toàn đến mấy cũng không chống đỡ được sự đột ngột và trống rỗng mà nó mang lại trong lòng mình.
Hình ảnh bà nội vẫn in sâu vào trong tâm trí của tôi. Có đôi lúc nhớ bà, tôi thảng thốt, như nghẹn ngào muốn gọi tiếng Bà ơi….!