Ngày đó, khi từ một làng quê nghèo xuống cái thị xã buồn hiu học cấp 2, cậu học trò 14 tuổi phải làm tất cả những việc lặt vặt không tên trong một gia đình buôn bán nhỏ để có cơm ăn mà đi học. Một chiều cuối năm, cậu nóng ruột nóng gan, chưa biết làm cách nào để về quê với cha mẹ. Đi xe đò thì tiền không có, đi bộ thì đôi chân yếu ớt làm sao vượt nổi chặng đường hơn 50 cây số?
Cái nhà tranh lắt lay ở một làng biển nghèo cứ chập chờn như một giấc mơ vừa lung linh vừa héo hắt. Người thầy cũng sắp về quê. Người thầy có nụ cười hiền và chiếc răng khểnh mà cậu học trò mãi khắc ghi.
Quê thầy nằm đâu đó ở bên kia đèo Hải Vân và cũng là một làng cát trắng trên một vùng đất có tên là Nước Mặn. Thầy dẫn trò đi trên những con phố đìu hiu (hơn 40 năm trước đây, Hội An vẫn còn là một đô thị cổ vắng vẻ). Đi, và cứ đi… Không dừng ở một quán nước nào. Không ghé một cửa hiệu nào để mua sắm thứ gì.
Phố cuối năm đông hơn những ngày thường, điểm màu tươi hơn nhờ những chuyện bán mua trên nền rêu phong của những dãy nhà màu sẫm. Thầy dẫn trò vào nghỉ chân nơi tam quan của Khổng miếu. Rồi thầy nhẹ nhàng bỏ vào túi áo cậu học sinh nhỏ có đôi mắt đen và buồn tờ giấy bạc 200 đồng (hồi ấy, một quyển vở 100 trang có giá 2 đồng).
Cậu bé bàng hoàng nhìn lên, và đưa tay lên ngực áo định rút tờ giấy bạc ra, như một phản xạ tâm lý tự nhiên, cậu bé biết thầy mình cũng nghèo, gia đình còn có nhiều người phải gánh vác. Thầy từ tốn đặt tay mình lên tay cậu học trò yêu, ép nhẹ và giữ nguyên cả hai bàn tay trên cái lồng ngực nhỏ bé gầy gò ấy. Yên lặng. Và cậu bé hiểu rằng, thầy mình đang không muốn nói gì cả…
Rất nhiều năm sau này, mỗi khi có điều gì không vui hay những lúc gặp phải nghịch cảnh trong đời, cậu bé ngày ấy tự dưng lại đặt bàn tay lên ngực, nơi ngày xưa, một chiều đông xám se lạnh, có hai bàn tay đã từng đặt lên nhau… Yên lặng!
* * *
Cậu học trò ngày xưa rồi cũng trở thành một nhà giáo, anh nghĩ mình không có nụ cười hiền và chiếc răng khểnh như thầy, để có được một người học trò như ngày ấy.
Và trong tất cả những buồn vui của quãng thời gian hơn 30 năm dạy học của anh, có nhiều điều nhớ và quên. Có lần, một học sinh lấy “tài liệu” ra để “cóp” bị anh bắt gặp. Anh đã cho cậu bé ấy 10 điểm, nhưng cầm lấy tờ giấy làm bài của cậu ấy, anh lấy bút gạch hai dấu chéo lên đó. Anh nghĩ rằng, học sinh ấy sẽ nhớ câu nói từ tốn mà nghiêm của anh:
“Thầy cho em 10 điểm. Nhưng em hãy nhớ rằng, thầy không cần cái điểm ấy, mà cần sự trung thực. Thầy nghĩ, em đồng ý với thầy: em cũng cần như thế!”.
Anh hiểu rằng, trong tất cả những gì đã giúp anh nên người, có thật đậm dấu ghi của những thầy – cô giáo của mình. Và trên tất cả, điều đầu tiên và cuối cùng mà một con người cần có là lòng trung thực, điều mà anh đã muốn trao truyền khi hành xử với cậu học trò kia.