Bạn biết gì về ‘tăng huyết áp thai kỳ’?

    Khi mang thai, cơ thể của người mẹ có các thay đổi sinh lý về tim, mạch như nhịp tim nhanh, tăng lượng máu, một số bộ phận của cơ thể tăng sinh mạch máu nên cần lượng máu đi qua nhiều hơn như vú, tử cung, nhau thai…

    Do đó, người phụ nữ mang thai phải được theo dõi huyết áp thường xuyên, đặc biệt là khi thai từ 20 tuần tuổi trở đi. Chính vì thế, việc theo dõi huyết áp ở người mang thai là vô cùng quan trọng, nếu không sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi.

    Hiện nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân cụ thể, một số yếu tố thuận lợi dẫn đến tăng huyết áp như ăn nhiều muối, ít vận động thể lực, béo phì, tăng cholesterol, căng thẳng thần kinh, tâm lý… Bên cạnh đó, tuổi của sản phụ cao (trên 35 tuổi); dòng họ có người bị bệnh; chế độ dinh dưỡng lúc mang thai chưa tốt, kèm theo đó là chứng thiếu máu trầm trọng; chửa sinh đôi; lượng nước ối quá nhiều; thời tiết thay đổi đột ngột, nóng lạnh thất thường… cũng là những nguyên nhân có thể gây tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai.

    Tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai nếu không được kiểm soát tốt có thể gây ra các biến chứng.

    Theo thống kê, có khoảng 25% trường hợp sinh non là do tăng huyết áp ở sản phụ, trong đó tiền sản giật là nguy hiểm nhất, thậm chí gây tử vong cho mẹ và con.

    Ngoài ra, khi người mẹ bị tăng huyết áp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Thai có thể bị chết lưu trong tử cung, bị ngạt thở và chết do thiếu máu cục bộ hoặc sinh thiếu tháng…

    Chính vì vậy, khi mang thai người phụ nữ cần phải khám thai thường kỳ và đo huyết áp mỗi lần khám thai.

    Nếu phát hiện bị tăng huyết áp trước khi mang thai (tăng huyết áp mạn tính) phải điều trị ổn định tùy theo căn nguyên gây tăng huyết áp.

    Tăng huyết áp đơn thuần không có các biểu hiện của tiền sản giật cần theo dõi huyết áp thường xuyên khi khám thai.

    BS. NGUYỄN VĂN TUẤN

    Recommended For You