Cho dù văn hóa trang phục có phong phú và đa dạng đến đâu đi nữa thì trang phục truyền thống của người phụ nữ Khmer vẫn luôn giữ được những nét đặc trưng riêng, đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Vào dịp lễ hội, lên chùa lễ Phật, vẻ đẹp của trang phục rực rỡ hơn. Áo tầm-vông dệt bằng tơ tằm, sợi bông, hay chỉ kim tuyến với các loại hoa văn khác nhau màu trắng hoặc vàng chủ đạo.
Màu vàng được ưa dùng vì nó gợi không khí hội hè cũng là những sắc màu trong trang trí kiến trúc tôn giáo truyền thống thường gặp trong ngôi chùa Phật giáo.
Sà-rông là một mảnh thổ cẩm rực rỡ trang trí nhiều họa tiết hoa văn, nhưng hình chám là hoa văn chủ đạo, kích thước rộng khoảng 1 m, dài 3,5 m; khi mặc thì cuốn lại che nửa người phía dưới. Vào mỗi dịp lễ tết, lên chùa lễ Phật họ mặc sà-rông có đính chuỗi hạt cườm ở cạp.
Để tôn thêm nét dịu dàng uyển chuyển đầy nữ tính trong bộ lễ phục này không thể thiếu “Sbay”, một loại khăn lụa xanh mềm mại, cuốn chéo từ vai trái xuống bên sườn phải.
Trong đám cưới, trang phục truyền thống cô dâu Khmer thường có 3 phần: áo, váy, mão thật đẹp. Cô dâu thường mặc áo dài tầm-vông màu đỏ thẫm, thêu kim tuyến và đính hạt cườm, hạt kim sa rực rỡ ở phía trước.
Chiếc xăm pốt hôl (váy) màu tím sẫm hay hồng cánh sen, độc đáo hơn, trên đầu cô dâu còn đội chiếc mão “kha-ba-lòn-cốt” tháp nhọn nhiều tầng bằng kim loại như một vương miện nhỏ xinh xắn được làm từ hạt cườm và hàng trăm chiếc cánh cứng màu xanh biếc của loài bọ cánh cam (người Khmer gọi là con chilvít).
Nếu khăn “Sbay” trong bộ lễ phục màu xanh thì Sbay của cô dâu bằng vải dệt kim màu vàng và được đính hàng ngàn hạt kim sa nhỏ xíu sáng lấp lánh tạo nên nhiều mô-típ hoa văn quàng chéo qua người.
Khoảng 50 năm trước, phụ nữ Khmer Nam bộ thường mặc “xăm pốt” (váy). Đó là loại váy bằng tơ tằm, hình ống (kín).
Chiếc váy điển hình là loại váy chân khen, một loại váy hở, quấn quanh thân nhưng khác nhiều tộc người khác cũng có loại váy này là cách mang váy vào thân.
Đó là cách mang luồn giữa hai chân từ sau ra trước, rồi kéo lên giắt cạnh hông tạo thành như chiếc quần ngắn và rộng.
Nếu cách tạo hình váy và một số mô-típ hoa văn trên váy có thể có sự tiếp xúc với các tộc người khác thì cách mặc váy này có thể xem là đặc trưng độc đáo của Khmer Nam bộ.
Ngày nay, trang phục truyền thống Khmer được cách tân, biến tấu theo nhiều kiểu mới lạ và đẹp mắt với nhiều màu sắc khác nhau theo hướng phù hợp với thời đại nhưng hầu hết vẫn giữ ở mức độ dung hòa giữa hiện đại và truyền thống.
Em Thạch Thị Mỹ Phương – Trường trung học phổ thông dân tộc nội trú Huỳnh Cương (TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) vẫn thích mặc những bộ trang phục truyền thống vào các dịp lễ tết của dân tộc mình.
“Khi mặc một số loại trang phục hiện đại ngày nay, nét đẹp, cá tính của con người nói chung, người con gái nói riêng được thể hiện nếu biết chọn trang phục phù hợp. Nhưng khi mặc bộ trang phục truyền thống Khmer, em vẫn cảm thấy người phụ nữ trở nên dịu dàng, uyển chuyển, thùy mị”, Mỹ Phương cho biết.
Còn chị Lý Sô Pha Ny (hiệu phó Trường tiểu học Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) thì luôn tự hào mỗi khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống.
Chị bộc bạch: “Xã hội ngày nay có rất nhiều trang phục được thiết kế rất công phu, nhất là trang phục cho nữ giới. Nhưng vẫn thích nhất là bộ đồ trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Với bộ trang phục truyền thống, mình tìm thấy sự tự tin và cái đẹp; trong đó tâm đắc nhất là cái xà rông vì nó được thiết kế rất công phu, tuy có hơi phức tạp, nhưng nó tôn vinh vẻ đẹp của người dân tộc”.