Bánh trung thu chứa những thành phần dinh dưỡng nào?

    Bánh trung thu hiện nay có sự kết hợp đa dạng và sáng tạo về hương vị của bánh đã tạo ra sức hút khó cưỡng đối với người ăn nhưng cũng chứa một lượng calori, đường hay chất phụ gia đáng lo ngại. Vậy sử dụng bánh trung thu sao cho đúng và đảm bảo sức khỏe thì không phải ai cũng biết.

    Thành phần dinh dưỡng trong bánh trung thu

    Một chiếc bánh trung thu nướng thập cẩm 2 trứng (200 g) có chứa trung bình từ 30 – 40 g chất béo, từ 800 – 1.000 calori. Loại 4 trứng cung cấp gần 1.000 calori. Trong đó, lượng glucid và bột luôn chiếm trên 80%.

    Hiểu một cách đơn giản rằng: Nếu bạn ăn hết một cái bánh trung thu, thì đồng nghĩa với việc bạn vừa ăn một bữa cơm chính có đầy đủ thịt, cá…

    Lượng bột đường có trong 1 chiếc bánh dẻo hoặc nướng bằng 2 – 3 chén cơm. Đường trong bánh trung thu chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh nên rất dễ gây tăng đường huyết. Phần lớn chất béo trong bánh từ thịt mỡ là loại chất béo no gây nhiều tác hại. Còn chất béo lấy từ hạt dưa, hạt điều, mè là có chút acid béo không no có lợi. Lượng đạm trong bánh cũng rất cao nhưng vitamin thì rất ít, do thông qua các khâu chế biến và bảo quản đã hao hụt đáng kể.

    Chất đạm trong bánh nướng khá cao, thường là đạm động vật. Nếu bảo quản không tốt, chúng dễ bị ôi, mốc gây ra ngộ độc. Vậy nên, bạn không nên ăn bánh trung thu sau 7 giờ tối, vì đây là khoảng thời gian cơ thể ít vận động nhất trong ngày.

    Cân bằng chế độ dinh dưỡng

    Bánh trung thu chỉ cung cấp năng lượng (tức là chất bột đường, chất béo, chất đạm…) là chính, không có đủ các thành phần vi chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin và chất khoáng để chuyển hóa năng lượng.

    Vì vậy, để cân đối khẩu phần và giữ sức khỏe tốt, bạn nên giảm số lượng protein có trong thịt, cá, thay vào đó là các loại rau củ. Có thể ăn thêm 2 chén rau quả tươi các loại khi ăn 1/4 cái bánh trung thu (không cần phải ăn cùng lúc, có thể cách ra từ 1 – 2 giờ). Lưu ý là các loại rau quả phải là dạng rau quả tươi, không ngọt thì mới đạt yêu cầu này.

    Đối với người lớn, khi ăn bánh trung thu thì nên có kế hoạch giảm khẩu phần ăn hàng ngày xuống để cân bằng năng lượng. Nếu ăn 1/2 bánh dẻo hoặc bánh nướng thì trong ngày phải bớt 1 chén cơm. Đối với trẻ em, chỉ nên ăn 1/8 chiếc bánh/ngày sau mỗi bữa ăn là đủ.

    Đặc biệt, với những người mắc bệnh tiểu đường, thì cần kiểm soát tổng năng lượng hàng ngày, các bệnh nhân chỉ nên ăn từ 1/4 – 1/8 bánh. Tối ưu nhất nên chọn bánh trung thu dành riêng cho người tiểu đường, sử dụng đường không sinh năng lượng.

    ***

    Bí quyết hữu ích để chọn mua bánh trung thu

    – Kiểm tra chất lượng và hạn sử dụng trước khi ăn.

    – Bạn nên xem kỹ thành phần nguyên liệu bánh luôn được ghi rõ ràng trên bao bì và được sắp xếp theo tỷ lệ từ cao xuống thấp.

    – Bạn hãy chú ý đến chất của vỏ bánh, vì vỏ bánh càng mịn và mềm thì càng chứa nhiều chất béo. Bên cạnh đó, bạn cũng nên để ý đến hạn sử dụng của bánh, vì hạn sử dụng càng dài thì bánh càng chứa nhiều chất béo chuyển hóa, đường và chất bảo quản. Các chất này hoàn toàn không tốt cho cơ thể và có thể khiến bạn tăng cân.

    – Bánh tự làm thường có hạn sử dụng từ 1 – 2 tuần, còn bánh đi mua sẽ có hạn dùng khoảng 1 – 2 tháng.

    Bạn nên biết rằng: Khi bánh quá hạn, chất chống mốc natribenzoat sẽ tiết ra chất độc rất hại cho cơ thể.

    Bánh bảo quản tốt nhất ở nơi mát và tối nhưng khi ăn thì phải đem ra ánh sáng xem trước, nếu bánh có vết đen, xanh, mốc… thì cần phải loại bỏ, đừng nên tiếc.

    – Bánh sau khi đã khui ra khỏi gói và cắt ra thì nên ăn hết, nếu bảo quản lại thì cần bọc kín trong nylon chuyên dụng dành cho thức ăn và cũng nên ăn hết trong ngày. Khi ăn, nếu phát hiện bánh có vị lạ, chua… thì nên bỏ đi.

    – Bánh trung thu được chế biến công nghiệp đã được kiểm tra chất lượng trước khi xuất xưởng, nên khi chọn bánh, cần lưu ý đến việc các bao bì phải được hàn kín, hút chân không hoặc hút ẩm, và nên mua bánh càng gần ngày xuất xưởng càng tốt.

    – Nếu mua bánh làm ở các bếp gia đình, thời gian sử dụng nên càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng vài ngày sau khi chế biến.

    Vì bánh trung thu thực chất là một loại bánh có nguy cơ nhiễm khuẩn cao do quá trình chế biến cần nhiều động tác cắt xắt nhào trộn, nguyên liệu hỗn hợp đa dạng… nên chỉ cần một công đoạn không đảm bảo yêu cầu về tính an toàn là có thể dẫn đến nguy cơ cho người dùng.

    Việc bảo quản trong thời gian bày bán cũng có thể có những sai sót, ảnh hưởng đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Quy trình chế biến thường không chuẩn và không có hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm.

    – Trong nhà máy, các nguyên liệu được cắt bằng máy, trộn bằng máy trong các khu vực chuyên biệt, không có tay người chạm vào, công nhân được kiểm tra sức khỏe, mặc trang phục bảo hộ, đeo găng tay, sản phẩm được đóng gói kín, hút ẩm kỹ… Trong khi các nguyên tắc này rất hiếm khi kiểm tra được ở các bếp nấu ăn tại nhà.

    BS. ANH NGUYỄN

    Recommended For You