Bí ẩn về xác ướp nữ hoàng Hatshepsut

Việc xác định danh tính xác ướp của nữ hoàng Hatshepsut được xem là khám phá khảo cổ học quan trọng nhất tại Thung lũng các vì vua kể từ sau khi diễn ra việc xác định danh tính xác ướp của Vua Tutankhamun trước đó.

Một trong những xác ướp được tìm thấy năm 1903 là nữ hoàng Hatshepsut, người cai trị Ai Cập từ năm 1503 đến 1482 trước Công nguyên (TCN) – một thời kỳ hoàng kim của Ai Cập cổ đại.

Từ công tác nghiên cứu xác ướp của Hatshepsut, TS. Zahi Hawass nói: “Chúng tôi biết rằng có cả thảy 4 người phụ nữ từng làm vua của nhà nước Ai Cập cổ đại. Ba trong số 4 người phụ nữ này cai trị Ai Cập vào các triều đại cuối, khi mà quyền lực dần dần rơi vào tay các dòng họ quyền lực.

Nữ hoàng Nitokerty (hay Nitocris) thuộc thời kỳ Cựu vương quốc, Nữ hoàng Sobekneferu cai trị cuối thời kỳ Trung vương quốc và Nữ hoàng Twosert, cai trị Ai Cập vào cuối triều đại thứ 19. Trái lại, nữ hoàng Hatshepsut cai trị Ai Cập trong một thời kỳ hoàng kim rực rỡ, khi Ai Cập thống trị gần như toàn bộ phương Đông”.

Là con gái của Vua Thuthmosis I và Hoàng hậu Ahmose, Hatshepsut kết hôn với người anh trai của mình là Thuthmosis II và họ có với nhau một con gái duy nhất là công chúa Neferure.

Là vị nữ hoàng thứ 5 của triều đại Ai Cập thứ 18, Hatshepsut được ca tụng như là “Người vợ thần thánh của Amun”.

Sau cái chết của Thutmosis II, con trai của người vợ lẻ Isis là Thuthmosis III, đăng quang hoàng đế cùng với mẹ ghẻ. Sau vài năm làm nhiếp chính, Hatshepsut vươn lên ngai vàng bên cạnh người con ghẻ của mình và chính thức đăng quang nữ hoàng. Hatshepsut cũng là người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội Ai Cập cổ đại như là người chủ trì các tín ngưỡng tôn giáo, nắm cả vai trò của vua và nữ hoàng.

Hatshepsut tự mô tả bản thân mình với đầy đủ phẩm chất cần có của một Pharaoh. Ngược lại Thuthmosis III lại trở thành đồng nhiếp chính cùng với Hatshepsut. Hatshepsut ngày càng tỏ rõ lòng tham vọng của bà trong việc xây dựng Deir El-Bahari như một vườn địa đàng. Kiến trúc này là một trong những viên ngọc sáng giá của kiến trúc Ai Cập cổ đại. Nữ hoàng Hatshepsut trị vì Ai Cập cổ đại trong vòng 20 năm và sau đó biến mất không rõ lý do.

Câu chuyện về Nữ hoàng Hatshepsut là một trong những câu chuyện hấp dẫn nhất thế giới đối với các nhà khảo cổ học. Bản thân TS. Zahi Hawass bắt đầu sự nghiệp khảo cổ của ông cách đây 35 năm, khi làm việc ở bờ tây sông Luxor đã từng nghe rất nhiều điều bí ẩn về bà. Năm 2009, TS. Zahi Hawass đã viếng thăm khu vực Thung lũng các vì vua, đặc biệt là khu KV20 là nơi có lăng mộ của Hatshepsut, cũng như khu vực KV60.

Vào năm 1902, TS. Howard Carter và Theodore Davies đã khám phá ra một cái quách làm bằng đá sa thạch có khắc chữ Hatshepsut. Cái quách thứ hai cũng được phát hiện thuộc về cha của nữ hoàng Hatshepsut, Pharaoh Thuthmosis I. Các nhà khảo cổ cũng tìm ra những con thuyền bằng đá có khắc tên của Ahmes- Nefertari, Thuthmosis I, Ahmose và Hatshepsut.

Một số học giả tin rằng xác ướp của Hatshepsut có thể đã được chôn cất ở lăng mộ Wadi Sikket Taqqet el-Zaid, được xây dựng trong thời gian nữ hoàng còn tại vị. Bà Elizabeth Thomas nghĩ rằng rất có thể xác ướp ở di chỉ khảo cổ KV60 là thuộc về Hatshepsut.

Nhà khảo cổ Ryan cũng đưa ra quan điểm rằng xác ướp tại di chỉ KV60 có thể là thi hài thất lạc của Hatshepsut. Mặc dù vậy chưa có luận cứ nào là xác đáng trong việc định danh tính xác ướp Hatshepsut. Được biết Nữ hoàng Hatshepsut có thân thể cao lớn, mình đẫy đà với bầu vú nảy nở.

TS. Zahi Hawass nói rằng, vào thời Trung vương quốc thứ 3, trong suốt các triều đại thứ 21 hoặc triều đại thứ 22, các thầy tu tế đã di chuyển xác ướp của Nữ hoàng Hatshepsut đến di chỉ KV60, và do vậy khu hầm mộ của Hatshepsut có từ triều đại thứ18 đã không bao giờ được sử dụng.

Sự di dời xác ướp là vì các lý do về an ninh, đặc biệt là đề phòng nạn ăn trộm cổ vật trong các hầm mộ cũng như hành vi phỉ báng người quá cố. Xác ướp tại di chỉ KV60 với bầu vú nảy nở hiện nay đang được lưu giữ tại Bảo tàng Ai Cập ở Cairo.

NGUYỄN THANH HẢI (Theo Science)

Recommended For You