Về vùng đất của Rồng

Những ai về Đà Nẵng đều muốn một lần đặt chân đến Ngũ Hành Sơn để nghe người dân kể về truyền thuyết hình thành 5 ngọn núi Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn. Không chỉ đậm chất sử thi huyền thoại, mỗi ngóc ngách tại vùng đất này còn lưu giữ dấu ấn lịch sử, văn hóa in đậm tại mỗi công trình chùa, tháp. 

Những “đặc sản” trên núi Ngũ Hành

Chuyện kể rằng, xưa nơi đây là một vùng đất hoang vu không người sinh sống. Vào ngày nọ, có lão ngư từ phương Bắc bị đắm thuyền trôi dạt đến đây.

Một hôm, lão nhìn thấy con giao long rất lớn bò lên bờ đẻ trứng. Chưa kịp hoàn hồn, lão lại thấy một con rùa vàng hiện lên, đào cát vùi quả trứng xuống, rồi giao cho lão một móng chân của mình và dạy cách chăm coi trứng Rồng…

Quả trứng ngày một lớn dần. Cho đến một ngày, từ trong trứng nở ra một thiếu nữ xinh đẹp, còn vỏ trứng tách thành năm mảnh, trở thành năm ngọn núi Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Vua Chăm nghe được câu chuyện ấy liền cưới thiếu nữ làm vợ, còn Thần Kim Quy thì chở ông lão lên trời…

Trong lúc nghe hướng dẫn viên (HDV) thuật lại câu chuyện về những mảnh trứng Rồng, anh Nguyễn Ngọc Lam, du khách đến từ tỉnh Thái Nguyên, rút điện thoại ra ghi âm và nói nhỏ: “Câu chuyện này thú vị thật, nó khiến tôi cảm thấy vùng đất nơi tôi đứng trở nên huyền bí và thiêng liêng.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn là địa điểm du lịch nổi tiếng.

Trước khi đến Ngũ Hành Sơn, tôi cũng đã tìm hiểu sơ thông tin trên các trang web nhưng chỉ khi nghe câu chuyện này, tại đây, tôi mới cảm nhận được ý nghĩa sâu xa của nó, cứ như mình đang đặt chân đến vùng đất của Rồng vậy”.

Cũng theo anh Lam, Ngũ Hành Sơn còn cuốn hút anh ở không gian huyền hoặc thơ mộng và mỗi dấu tích đều bao bọc quanh nó những câu chuyện lịch sử, văn hóa thú vị.

Bên cạnh đó, trong tư duy triết học, ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) là năm yếu tố cấu thành vũ trụ, rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người phương Đông. Vì thế, việc 5 ngọn núi mang tên gọi ngũ hành tự nó đã là một “đặc sản” của người Đà Nẵng.

Thông tin từ Ban Quản lý Khu du lịch (BQL KDL) thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, trong năm 2013, tổng lượng khách đến tham quan đạt 592.000 lượt (trong đó người nước ngoài chiếm 183.479 lượt), tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 10 năm trở lại đây, lượng khách đến Ngũ Hành Sơn năm sau tăng hơn năm trước. Có thể nói, hệ thống chùa chiền, hang động cũng như cảnh quan tự nhiên tại Ngũ Hành Sơn được bài trí hài hòa, quyến rũ từng bước chân du khách.

Con đường khám phá men theo bờ núi, có lối đi chắc chắn khiến mỗi ngóc ngách đều có thể mang lại cho kẻ thưởng ngoạn khung hình đẹp và nhiều cảm xúc.

Điểm cộng tại Ngũ Hành Sơn còn là các dấu ấn văn hóa, lịch sử in đậm trên mỗi công trình chùa, tháp đầu thế kỷ XIX hay những tác phẩm điêu khắc Chàm nằm sâu trong các hang động có tuổi đời từ thế kỷ XIV, XV.

Toàn cảnh khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Trên từng vách đá rêu phong, còn lưu lại bút tích thi ca thời Lê, Trần. Nơi đây còn có đền thờ công chúa Ngọc Lan (em gái vua Minh Mạng), mộ mẹ tướng Trần Quang Diệu hay các di tích lịch sử đấu tranh cách mạng như hang bà Tho, động Âm Phủ, địa đạo núi Đá Chồng… Tất cả tạo thành một quần thể di tích hấp dẫn và có nhiều điểm nhấn.

Nơi không thể thiếu hướng dẫn viên

Có người nói rằng, đến Đà Nẵng mà chưa đến danh thắng Ngũ Hành Sơn là một thiếu sót. Nhưng đến Ngũ Hành Sơn mà không đi kèm HDV thì đừng đến còn hơn. Bởi với quần thể hang động, chùa chiền dày đặc ấy, nếu không có HDV thuyết trình thì du khách khó lòng nắm bắt được tinh thần và linh hồn của nó.

Núi Thủy Sơn cao nhất trong quần thể Ngũ Hành Sơn.

Gần 12 năm công tác tại bộ phận hướng dẫn thuộc BQL KDL thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, anh Lê Văn Hòa nắm bắt nhuần nhuyễn mọi thông tin về điểm đến. Trong lúc thuyết trình, bao giờ anh cũng khéo léo lồng ghép yếu tố triết học phương Đông hay giáo lý Phật giáo để tăng thêm phần hồn cho di tích. Hòa chia sẻ rằng càng ngày anh càng yêu mến khu danh thắng này vì nhiều lý do.

Chẳng hạn như gần thành thị nhưng Ngũ Hành Sơn đáp ứng đầy đủ các yếu tố về phong thủy, cảnh quan, có nhiều hang động đẹp. Chưa kể nơi đây còn có hai ngôi quốc tự dựa lưng vào núi, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của một vùng đất.

Mộc Sơn là ngọn núi duy nhất trong khu di tích không có chùa chiền.

“Đứng trước một ngôi quốc tự, bạn sẽ khó lòng biết được lịch sử ra đời, ý nghĩa tên gọi cũng như vì sao phía trước nó lại có con lân, trên mái ngói có rồng uốn lượn, những ảnh hưởng của nó đối với đời sống văn hóa của người dân địa phương.

Lúc này, vai trò của người HDV rất quan trọng, bởi họ chính là cầu nối, là người trực tiếp dẫn dắt du khách vào câu chuyện này”, anh Hòa nói.

Núi đôi Hỏa Sơn.

Có một thực tế là hiện nay, rất nhiều đoàn khách đến với Ngũ Hành Sơn thường dành cho địa danh này khoảng thời gian từ 1 đến 2 giờ đồng hồ bao gồm toàn bộ các hoạt động tham quan, mua sắm.

Theo ông Lê Quang Tươi, Trưởng BQL KDL thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, khoảng thời gian đó chưa đủ cho du khách lắng lại để cảm nhận giá trị văn hóa lịch sử và tâm linh của vùng đất này. Chưa kể, nhiều đoàn tự tổ chức đi du lịch, không thuê HDV, chỉ đi lướt qua một địa chỉ, đi theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, rất khó đạt được cảm xúc và nắm được hồn cốt của nơi này. Ông Tươi nghĩ, nếu mọi người muốn chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của vùng đất Rồng, thì hãy dành thời gian cho nó là một buổi chứ không phải 1 hoặc 2 giờ đồng hồ như hiện nay.

Ngọn Thổ Sơn (nằm ở bên trái ảnh) sở hữu khung cảnh thơ mộng.

Bên cạnh một số công ty du lịch tự tổ chức tour đưa khách đến Ngũ Hành Sơn, thì tại khu du lịch này hiện có 12 HDV, tất cả đều biết tiếng Anh để đưa, đón các đoàn khách trong và ngoài nước.

Anh Lê Văn Hòa nói, nếu du khách có ít thời gian, thì nên chọn tham quan một số địa điểm chính tại Ngũ Hành Sơn như động Huyền Không, chùa Tam Thai và Linh Ứng. Đối với khách không có thời gian leo trèo hoặc không thích leo trèo thì có thể ghé thăm Động Âm Phủ để nghe HDV chia sẻ những thông tin quan trọng và cần thiết nhất về lịch sử, văn hóa của vùng đất này.

Nguồn: Báo Đà Nẵng | Tiểu Yến

Recommended For You