Trước đây, khi đi tập thể dục dưỡng sinh nghe mấy chị phụ nữ bảo ở xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu (Tây Ninh) người ta trồng hoa trên bờ ruộng nhìn rất đẹp. Mọi người rủ nhau đi xem cho thỏa sự tò mò.
Sáng sớm hôm sau, cái cảm giác lành lạnh của những ngày cuối xuân chừng như còn quanh quẩn đâu đây.
Tôi đã đến tỉnh lộ 782, đoạn từ ngã ba Bàu Đồn vào hướng kênh chính đông được tráng nhựa phẳng lỳ. Hai bên là những ruộng lúa trĩu hạt.
Đi thêm một đoạn nữa, thấy nhiều nhóm người đang thay nhau chụp ảnh. Đúng là nơi tôi cần tìm.
Thấy có quán nước ven đường, treo lủng lẳng những chậu hoa, nằm dọc tỉnh lộ cạnh những đám ruộng bờ hoa. Hỏi thăm mới biết đây là chủ nhân của những đám ruộng kia: vợ chồng anh Trần Thanh Bình và chị Trương Thị Hòa, cùng sinh năm 1974.
Từ năm 2010, anh Bình đã là nông dân sản xuất giỏi. Gia đình hạnh phúc, con cái học hành đến nơi đến chốn nhờ 3 ha ruộng cạnh nhà nên rất thuận lợi cho việc canh tác. Khi thì sạ lúa, lúc trồng màu, nhờ luân canh như thế nên năng suất tương đối khá.
Một lần tình cờ xem chương trình “Bạn của nhà nông” trên đài, biết mô hình này, anh rất tâm đắc, quyết tâm tìm tòi học hỏi và thực hiện cho bằng được. Không ngờ, Hội nông dân huyện lại chọn gia đình anh thực hiện thí điểm mô hình này.
KS. Trần Văn Re – trạm trưởng Trạm bảo vệ thực vật huyện Gò Dầu cho biết: Thực hiện mô hình này nhằm mục đích dẫn dụ các loài côn trùng có hại và các loài thiên địch khống chế sâu rầy, hạn chế phun thuốc trừ sâu. Đồng thời tạo mỹ quan: xanh, sạch, đẹp, vệ sinh đồng ruộng.
Vui mừng hơn là gia đình được trạm cung cấp hạt giống các loài hoa như: hướng dương, trâm ổi (ngũ sắc), sao nhái, vạn thọ, móng tay… và hướng dẫn cách trồng.
Hôm tôi đến thăm, những đám ruộng trĩu hạt vàng ươm chuẩn bị thu hoạch.
Các bờ ruộng rực rỡ sắc màu của các loài hoa. Khách tham quan khá đông. Bên này chụp ảnh, quay phim, bên kia xuýt xoa khen đẹp… vì lần đầu mới thấy hoa giữa bát ngát ruộng đồng.
Anh Bình bộc bạch, vụ này ít tốn chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật. Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến mua lúa sạch để ăn trong gia đình vì lúa không sử dụng thuốc trừ sâu.
Chị Hòa, vợ anh Bình cho biết, từ lâu, chị rất thích trồng hoa, giờ được trạm cung cấp hạt trồng trên đất của mình sao chị không vui mừng, phấn khởi cho được. Các cán bộ chuyên môn còn giải thích thêm về lợi ích của việc trồng hoa trên bờ ruộng, không những tạo cảnh quan đẹp mà còn hạn chế sâu rầy.
Chị hào hứng bảo, không chỉ trồng thí điểm vụ này mà chị sẽ trồng tiếp tục cho các vụ sau nữa.
Còn anh Bình thì hồ hởi: “Lúa còn khoảng 5 ngày nữa mới thu hoạch, nhưng nhìn giàn lúa thấy bông to, nhiều hạt, thân cứng cáp không ngã… chắc chắn năng suất sẽ cao hơn năm trước. Còn về chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật xem như không đáng kể, tiết kiệm được trên hai triệu đồng/ha/vụ”.
Theo như TS. Hồ Văn Chiến – giám đốc Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam, đánh giá: “Ngoài lợi ích kinh tế, nó còn giúp người nông dân có ý thức bảo vệ môi trường, nâng cao trình độ nhận thức trong việc làm ra sản phẩm sạch phục vụ cộng đồng”.
Vừa qua, nhân buổi hội thảo: “Mô hình lúa chất lượng cao gắn với tiêu thụ sản phẩm”, Chi cục bảo vệ thực vật Tây Ninh cùng với Trạm bảo vệ thực vật Gò Dầu đã trao giấy khen và phần thưởng cho chị Trương Thị Hòa. Vì chị đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện mô hình: “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” ở vụ đông xuân vừa qua, cụ thể là mô hình “Bờ hoa ruộng lúa”.
Nắng đã lên, tạm biệt vợ chồng người nông dân sản xuất giỏi ấy ra về mà lòng tôi cảm thấy vui và thư thái vô cùng.
Hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng ra nhiều nơi, mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân chân lấm tay bùn. Trước mắt đã có “Bờ hoa ruộng mía” mang lại hiệu quả cao ở Nông trường Thành Long thuộc huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh) rồi.
NGUYÊN HẠ