Bước khởi đầu cho đạo luật đầu tiên về trí tuệ nhân tạo

Ngày 9/12 (giờ Việt Nam), sau 36 giờ đàm phán, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về một bộ quy tắc quản lý các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT.

Đây là các quy tắc liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) toàn diện đầu tiên trên thế giới, mở đường cho việc giám sát pháp lý đối với công nghệ được sử dụng trong các dịch vụ AI phổ biến hiện nay.

Các nhà đàm phán từ Nghị viện châu Âu và 27 quốc gia thành viên của khối đã vượt qua những khác biệt lớn để ký một thỏa thuận chính trị, là nền tảng cho “Đạo luật Trí tuệ nhân tạo”.

“Đã đạt được thỏa thuận”, Ủy viên châu Âu Thierry Breton, đăng tải trên mạng xã hội X. “Châu Âu trở thành lục địa đầu tiên đặt ra các quy tắc rõ ràng cho việc sử dụng AI”.

Kết quả này đạt được sau các cuộc đàm phán kín kéo dài trong tuần qua, với phiên họp đầu tiên kéo dài 22 giờ trước khi vòng thứ hai bắt đầu vào sáng 8/12.

EU đã sớm dẫn đầu trong cuộc đua toàn cầu nhằm xây dựng các quy tắc về AI khi công bố bản dự thảo đầu tiên của bộ quy tắc vào năm 2021. Tuy nhiên, sự bùng nổ gần đây của AI đã khiến các quan chức châu Âu phải nhanh chân hơn trong vấn đề này.

Nghị viện châu Âu vẫn sẽ cần bỏ phiếu vào đầu năm tới, dù vậy, với thỏa thuận mới đạt được thì đó chỉ là hình thức, theo nhà lập pháp người Italy Brando Benifei.

Hiện nay, Mỹ, Anh, Trung Quốc và các liên minh toàn cầu như G7 đã đưa ra các đề xuất để quản lý AI, mặc dù vẫn chưa bắt kịp châu Âu.

Theo AFP, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã hoan nghênh thỏa thuận, đánh giá đạo luật AI của EU là khuôn khổ pháp lý duy nhất để phát triển AI đáng tin cậy “vì sự an toàn cũng như các quyền lợi cơ bản của người dân và doanh nghiệp”.

Tờ The Guardian cho biết, hiện tại vẫn còn ít thông tin chi tiết liên quan tới đạo luật AI được EU công bố. Theo trang mạng The Verge, đạo luật này-vốn được EU kỳ vọng có thể đóng vai trò là “tiêu chuẩn” để các quốc gia/khu vực khác trên thế giới xem xét thông qua những quy định tương tự-dự kiến sớm nhất cũng phải tới năm 2025 mới bắt đầu có hiệu lực.

“Đạo luật AI” đã được EU gấp rút xây dựng sau khi chatbot ChatGPT bùng nổ vào cuối năm 2022. Mặc dù khả năng tạo ra các bài tiểu luận và bài thơ của ChatGPT là màn trình diễn ấn tượng về những tiến bộ nhanh chóng của AI, nhưng giới chuyên môn tỏ ra lo lắng về cách công nghệ này có thể bị lạm dụng. Cùng với đó, các phần mềm AI phái sinh, bao gồm chatbot Bard của Google, đã có thể nhanh chóng tạo ra văn bản, hình ảnh và âm thanh từ các lệnh đơn giản bằng ngôn ngữ hằng ngày.

Theo quy định, đạo luật AI của châu Âu vẫn cần phải được các quốc gia thành viên và quốc hội thông qua để có hiệu lực, nhưng thỏa thuận lần này được coi là rào cản lớn cuối cùng.

EU không đơn độc trong nỗ lực quản lý AI. Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã ban hành một lệnh hành pháp về các tiêu chuẩn an toàn AI. Còn Trung Quốc cũng đã có những quy định liên quan tới AI, có hiệu lực từ tháng 8 vừa qua.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Recommended For You