Người trồng dừa ở đồng bằng sông Cửu Long có thể phải đối mặt với nỗi lo côn trùng bọ vòi voi gây hại trên trái dừa.
Triệu chứng gây hại
Bọ vòi voi tấn công trên trái non bằng cách đục các đường hầm vào vỏ trái. Từ vết đục, nhựa chảy ra, lúc đầu nhựa trong suốt sau đó chuyển dần sang màu vàng, vàng nâu và khô cứng.
Vết đục thường tập trung quanh cuống trái, làm trái dừa xuất hiện những vết nứt, vết sẹo lõm.
Trái bị tấn công sớm (dưới 3 tháng sau khi đậu trái) sẽ bị rụng gây thất thu năng suất.
Trái lớn hơn mới bị bọ vòi voi đục thì không bị rụng nhưng kích thước trái nhỏ hơn trái bình thường, bị méo mó, dị dạng nên năng suất và giá trị thương phẩm của trái dừa bị giảm.
Cách nhận dạng bọ vòi voi
Bọ vòi voi sợ ánh sáng nên chúng thường trốn trong các vết nứt, vết sẹo do chúng tạo ra. Do đó, nếu không được hướng dẫn cách phát hiện và nhận dạng, nông dân khó phát hiện được chúng.
Khi trưởng thành, bọ vòi voi là côn trùng bộ cánh cứng màu nâu đen, có hình dạng tương tự như một loài mọt gây hại trên hạt lúa/gạo. Tuy nhiên, quan sát kỹ sẽ thấy trên mỗi cánh trước có hai đốm màu vàng. Con trưởng thành có kích thước khoảng 6 – 7 mm chiều dài và 1 – 1,5 mm chiều ngang.
Theo TS. Nguyễn Thị Thu Cúc – Trường đại học Cần Thơ, bọ vòi voi có tên khoa học là Diocalandra frumenti, thuộc bộ cánh cứng (Coleoptera), họ vòi voi (Curculionidae). Theo CABI map 249 và tác giả Stuart Smith (Australia), bọ vòi voi xuất hiện và gây hại trên cây cọ dầu ở rất nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, theo Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam, bọ vòi voi được phát hiện gây hại trên dừa đầu tiên tại Kiên Giang; hiện nay tại Sóc Trăng, Bến Tre… cũng ghi nhận được sự xuất hiện và gây hại của bọ vòi voi trên dừa. Riêng tại Sóc Trăng, hầu hết các giống dừa phổ biến như dừa dâu, dừa xiêm, dừa dứa… đều bị bọ vòi voi gây hại với tỷ lệ trái bị gây hại từ 3 – 5%. Ngoài ra, cây dừa nước cũng là ký chủ của bọ vòi voi.
Biện pháp phòng trừ
Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang cho biết đang tiến hành thử nghiệm các biện pháp quản lý, phòng trừ bọ vòi voi tấn công dừa bằng cách sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học Abamectin và phun nấm đối kháng Ma (Metarhyzium ansopliae), hướng dẫn nông dân chăm sóc vườn dừa, cắt bỏ những tàu lá bên dưới, tạo thông thoáng cho vườn, nhằm hạn chế sự khu trú của loài côn trùng này; đồng thời khuyến khích nông dân khoanh vùng vườn dừa bọ vòi voi đang hoành hành và áp dụng các biện pháp phòng trừ như: xông hơi, phun xịt thuốc, biện pháp sinh học… để khống chế lây lan và bùng phát thành dịch.
Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre khuyến cáo nhà vườn tiêu hủy những trái bị nhiễm để hạn chế phát tán lây lan; xông hơi khử trùng dừa giống trước khi xuất vườn để hạn chế lây lan vì những trái dừa để giống đôi khi vẫn còn sự hiện diện của ấu trùng vòi voi trên những kẽ nứt của trái.