Cách trồng bưởi trong chậu cho nhiều trái

Bưởi trồng chậu sum suê cho nhiều trái luôn thu hút người dân đô thị. Vào mỗi dịp tết đến, giá cây bưởi trồng chậu cho trái không hề rẻ, từ 2 – 5 triệu đồng/cây, gốc lớn giá vài chục triệu đồng. Nhà phố hoàn toàn có thể trồng bưởi trong chậu cho trái, người trồng cần tuân thủ các kỹ thuật như sau:

Theo hướng dẫn của anh Thanh Phương (trại cây giống Thanh Duy, Bến Tre), cây bưởi trồng chậu đáp ứng niềm đam mê trồng cây của người dân đô thị trong điều kiện ít đất, không gian nhỏ hẹp, khó chăm sóc… Tuy nhiên, cây bưởi (bao gồm bưởi da xanh, bưởi năm roi…) hoàn toàn có thể phát triển tốt và cho trái khi trồng chậu.

Đầu tiên là chọn giống, trồng ở miền Nam có thể chọn giống bưởi da xanh, bưởi Tân Triều, bưởi năm roi… Nếu muốn chất lượng ngon thì chọn giống bưởi da xanh, nếu muốn có hình thức đẹp chưng dịp tết có thể chọn giống bưởi năm roi, khi chín có màu vỏ vàng đẹp. Có thể chọn cây giống trong túi bầu bán ở các cơ sở cây giống, nên chọn cây chiết cành, cao 40 – 50 cm.

Cây bưởi giống sau khi trồng 2 – 2,5 tháng bắt đầu cho trái.

Để rút ngắn thời gian cho trái khi trồng chậu, có thể chọn cây giống (chiết cành) được chủ vườn ươm trong bầu lớn, cây cao 1 – 1,2 m, đã phân nhánh. Thường cây lớn này đã trồng vào túi bầu khoảng 6 tới 12 tháng.

Khi đã có cây giống, tiếp theo là chọn chậu trồng, chọn chậu rất quan trọng, nếu chậu không phù hợp thì cây khó phát triển tốt và cho trái như ý muốn. Nên chọn chậu có đường kính từ 50 – 80 cm, chiều cao chậu 60 cm. Chậu phải có lỗ thoát nước lớn, thoát nhanh dễ dàng, nếu lỗ nhỏ thì khoét rộng thêm, kê chậu trên cục gạch.

Đất trồng là đất thịt, đất pha cát (60%) hoặc trộn cát sông, mụn xơ dừa, trấu mục, phân bò phối trộn với nấm Trichoderma (phòng ngừa bệnh)… Tốt nhất bổ sung thêm phân dơi (500 g/chậu) + 300 g phân lân nung chảy. Cho hỗn hợp đất trồng, phân vào đầy mặt chậu, nén nhẹ, khoét lỗ trống vừa bầu cây, đặt túi bầu vào bên trong sao cho mặt bầu ngang mặt chậu.

Lưu ý là cây bưởi không chịu nghẹt gốc nên lúc trồng nâng cao gốc càng tốt, không trồng sâu. Gốc bưởi càng dâng cao thì bộ rễ sẽ thông thoáng hơn.

Cây bưởi ưa ánh sáng để phát triển và cho trái, vì vậy cần đặt chậu trồng nơi có ánh sáng hoàn toàn, hoặc ít nhất là hướng nắng sáng. Có thể đặt chậu trên sân thượng, dùng lưới đen che phía trên giảm nắng chiều gay gắt dễ làm vàng lá.

Để chậu trồng ở sân thượng chú ý gió mạnh làm bật gốc, cần có cây chống hay ràng dây quanh gốc. Chỉ cắt bớt cành cao vượt, để lại cành nhỏ quanh gốc (nhánh nhện), vì cành nhỏ này dễ cho trái hơn cành bên ngoài. Sau mỗi đợt trái, cắt thu cành, tạo tán gọn phù hợp.

Sau khi trồng 10 ngày, sử dụng phân tưới gốc để rễ phát triển mạnh, có thể sử dụng phân sinh học Supagro, Wegh hoặc mua acid Humix về pha nước tưới vào gốc. Định kỳ tưới 15 ngày/lần cho rễ khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, đồng thời bổ sung nấm đối kháng Trichoderma 3 tháng/lần và chế phẩm sinh học Chitosan để phòng ngừa bệnh vàng lá thối rễ.

Lưu ý, cây bưởi rất dễ nhiễm bệnh nên việc phòng ngừa như trên định kỳ giúp cây phát triển tốt, giảm bệnh hại.

Chú ý diệt sâu vẽ bùa làm hại lá non, quan sát kỹ hai mặt lá non, khi cây vừa nhú chồi non, bắt sâu vẽ bùa hoặc phun thuốc sinh học, dầu khoáng.

Bón phân NPK 16-16-8, liều lượng 20 – 30 g/lần, tháng 1 lần, sau tăng lên 50 g/lần, khi cây trên một năm tuổi bón 100 g/lần, bón quanh chậu.

Xử lý ra hoa cho trái là khâu quan trọng, cây bưởi sau trồng 20 – 30 tháng (tùy kích cỡ cây giống ban đầu) thì có khả năng cho trái. Cây có thể tự ra hoa, tuy nhiên có thể xử lý cho cây ra hoa theo ý muốn để có trái chưng vào dịp tết.

Xử lý ra hoa bằng cách lảy lá của cành mang trái (nhánh nhện trong thân cây), cách này có thể giúp ra hoa nhưng chỉ hiệu quả với những cây mới cho trái trong vài năm đầu.

Xử lý ra hoa bằng cách xiết nước (tạo khô hạn), trước khi xiết nước cần tưới bón phân cho cây phân hóa mầm hoa dễ ra hoa, sử dụng phân NPK 0-20-20 bón cho cây (100 – 200 g/gốc), tưới gốc phân sinh học Supagro.

Sau đó 10 ngày thì tạo khô hạn, bưởi cần thời gian khô hạn để cây dễ ra hoa. Tạo khô hạn vào tháng 12 đến tháng 1 dương lịch, thu hoạch vào tầm tháng 9 (tết Trung thu) hoặc tạo khô hạn tháng 4 dương lịch thì thu hoạch dịp tết Nguyên đán.

Trung bình từ lúc cây ra hoa tới thu hoạch là 7 – 8 tháng. Đang thời kỳ xiết nước mà gặp mưa nhiều thì có thể dùng tấm nylon đen che phủ chung quanh gốc, hạn chế nước đọng trong chậu.

Trên mỗi chùm trái chỉ nên để lại tối đa 1 – 2 trái. Tùy khả năng của cây mà để lượng trái phù hợp, không nên để quá nhiều, chọn trái tròn đều. Sau khi tỉa trái nên dùng túi bao trái để hạn chế ruồi đục trái. Có thể tạo hình cho trái bưởi theo ý muốn, nhiều nơi bán khuôn tạo trái có chữ Tài, Lộc…

Trong giai đoạn nuôi trái, tăng cường phân hữu cơ, sinh học, bón bổ sung NPK 20-20-15 (100 – 150 g/gốc), giai đoạn 2 tháng tới thu hoạch bón bổ sung kali, phân gà (qua xử lý), phân dơi tăng chất lượng trái. Chú ý treo cành, chống đỡ, tránh trái lớn nặng làm gãy cành hay gió thổi mạnh bị rụng. Tránh ánh nắng chiều chiếu trực tiếp làm nám, sượng trái.

ANH ĐỨC

Recommended For You