Mộc mạc bánh quê

Bánh quê luôn là những món quà mà người đi xa hay mua về làm quà tặng người thân hay bạn bè. Và những thứ bánh quê ấy, hầu hết được làm bằng tay, thủ công là chính, nên hương vị, lẫn màu sắc đều rất mộc mạc, ngọt ngào chút gì đó phảng phất tình quê…

Những ai đã từng tới miền Tây, thưởng thức đặc sản nơi đây, với các loại bánh mang tên gọi rất dân dã, bánh phồng nếp, bánh chuối, bánh tráng gừng… thì chắc hẳn sẽ nghĩ tới việc mua để dành làm quà, và tò mò muốn tìm hiểu về các loại bánh quê.

Bánh phồng nếp, hay có thể gọi là bánh nếp cũng được, vì nguyên liệu làm nên loại bánh này cũng chỉ có độc nhất là từ gạo nếp.

Nếp để làm bánh phồng chẳng phải kén chọn gì nhiều, nhưng gạo nếp càng ngon thì bánh phồng càng dẻo thơm. Nếp hạt được vo thật kỹ, ngâm ngập trong nước khoảng 3 giờ đồng hồ. Sau đó nấu chín, xôi nấu không được nhão quá, cũng không được khô quá, nếu nhão hoặc khô đều ảnh hưởng tới chất lượng bánh phồng. Xôi được giã ngay khi còn nóng hổi, xôi càng nóng thì giã càng nhanh dẻo, giã cho tới khi nào thật nhuyễn mới dừng tay, trộn thêm đường vào cho tăng thêm vị ngọt của bánh. Tiếp tục giã để đường tan chảy và thấm đều vào trong xôi, xôi lúc này đã thành là bột bánh. Dùng tay xoa mỡ heo cho đỡ dính, se bột bánh lại, sau đó chia nhỏ thành các phần đều nhau. Dùng vật nặng cán mỏng từng miếng bột cho thật đều, đợi trời nắng to phơi bánh khoảng từ 5 đến 8 giờ cho khô.

Kỹ thuật nướng bánh cũng rất quan trọng, than ngọn lửa phải vừa, lớn quá sẽ làm cháy bánh. Bánh phồng nướng rất nhanh, chỉ cần hơ trên than đã thấy bánh phồng lên trông rõ rệt, mùi thơm của nếp bay ra thoảng theo trong gió khiến ai cũng thèm được thưởng thức. Vị dẻo thơm của nếp, vị giòn của độ phồng của bánh, vị ngọt của gạo và đường… tất cả hòa quyện vào trong đầu lưỡi ngay khi dùng khiến nhiều người thích thú.

Một số loại bánh dân dã ở miền Tây.

Miền Tây được trời đất ban cho phì nhiêu màu mỡ, cây trái tốt tươi. Chuối là loại cây trái được mọc quanh nhà, ngoài ruộng trong mỗi gia đình, vào mùa rộ (nhiều), chuối chín chẳng biết để đâu cho hết, thế là người dân mới nghĩ ra cách làm bánh, vừa để giữ được nhiều ngày, vừa có thể làm quà cho ai đó ở xa.

Chuối chặt cả buồng vào, chọn nải nào đẹp hơi chín thì làm bánh mới ngon. Chuối xanh quá sẽ chát, chín quá sẽ dễ bị giập nát, độ kết dính không cao. Khi vỏ ngoài của chuối hơi vàng thì có thể làm bánh, chuối bóc vỏ, xắt thật mỏng, xếp từng lát khít vào nhau, dùng vật nặng cán đè lên trên cho các lát chuối được kết dính với nhau, rồi phơi trên những tấm vỉ làm bằng tre ngoài nắng khoảng từ 3 tới 5 giờ là khô. Bánh chuối khi khô có thể xếp chồng lên nhau, mà không sợ bị dính lẫn lộn, cất giữ có khi cả tháng trong thời tiết bình thường.

Bánh tét Trà Vinh.

Nướng bánh chuối cũng phải có vỉ đặt trên than hồng, rồi mới nướng. Vì bánh rất mềm, dẻo nên phải có vỉ để đỡ bánh và lật cho dễ dàng. Bánh chuối có thể nướng quá lửa một chút, cháy sém một góc bánh cũng không sao, có nướng như thế bánh mới ngon. Vị ngọt tự nhiên của chuối, vị dẻo thơm của mùi chuối nướng, làm nhiều người nhớ thèm mỗi khi thưởng thức.

Đoàn Xuân

Recommended For You