Chế biến nông sản bền vững theo hướng xuất khẩu

Chế biến nông sản, đặc biệt các nông sản mang tính đặc thù địa phương, đã và đang là thế mạnh của Lâm Đồng. Việc tạo điều kiện, hỗ trợ để doanh nghiệp chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng cạnh tranh đang thúc đẩy hình thành một ngành chế biến nông sản bền vững.

Bà Cao Thị Thanh – Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cho biết, hết năm 2023, xuất khẩu nông sản của Lâm Đồng chiếm tới xấp xỉ 51% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, đạt con số trên 500 triệu USD. Và chỉ 3 tháng đầu năm 2024, một số nông sản chủ lực của Lâm Đồng xuất khẩu gần 52 triệu USD.

Theo bà Thanh, sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu của nông sản ngày càng tăng theo khả năng chế biến của các doanh nghiệp. Và, để xây dựng được ngành chế biến nông sản bền vững, việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất – bao tiêu giữa nông dân – doanh nghiệp ngày càng được chú trọng.

Chế biến nông sản đang được quan tâm đầu tư phát triển cả về quy mô và trình độ ứng dụng công nghệ. Đặc biệt, việc hình thành các mô hình trung tâm sau thu hoạch hoạt động có hiệu quả đã giúp thay đổi nhận thức của người dân, tiểu thương trong việc thu hoạch, sơ chế, đóng gói nông sản.

Toàn tỉnh có 1.950 cơ sở, doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản; nâng tỷ lệ rau, quả qua sơ chế, chế biến đạt trên 73%, trong đó chế biến đạt khoảng 23,1%, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch giảm còn khoảng 8 -10%.

Về mặt hàng rau, Lâm Đồng có 147 doanh nghiệp chế biến rau, quả, trong đó có 7 doanh nghiệp nước ngoài, mỗi năm đưa vào chế biến được khoảng 53.745 tấn thành phẩm, tương đương hơn 669.047 tấn nguyên liệu. Ngoài ra, có 987 cơ sở thu gom sơ chế rau, quả, khoảng 15% số cơ sở có quy mô sơ chế trên 1.000 tấn/năm thực hiện sơ chế đạt trên 1,6 triệu tấn rau các loại. Thị trường tiêu thụ chính là trong nước với tỷ lệ khoảng 90%; còn lại xuất khẩu chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 10% tổng sản lượng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 28 doanh nghiệp hoạt động chế biến cà phê nhân và trên 280 cơ sở sơ chế nhỏ lẻ quy mô hộ cá thể với tổng công suất chế biến khoảng 300.000 – 320.000 tấn cà phê nhân (chiếm khoảng 80 – 90% tổng sản lượng cà phê). Trong đó có 13 đơn vị tham gia xuất khẩu cà phê nhân trực tiếp, chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đối với hoạt động chế biến cà phê rang xay, cà phê bột, toàn tỉnh có 175 doanh nghiệp, cơ sở chế biến đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với tổng sản lượng khoảng 10.326 tấn/năm.

Các doanh nghiệp chế biến các mặt hàng như khác như mắc ca có 25 đơn vị chế biến với công suất đạt 3.710 tấn/năm. Có 99 cơ sở chế biến trái cây các loại với sản lượng trên 14.887 tấn thành phẩm, trong đó có 53 doanh nghiệp và 46 cơ sở nhỏ lẻ; các sản phẩm chủ yếu là nước cốt chanh dây, nước cốt trái cây các loại, trái cây sấy các loại, mứt, rượu…

Bà Cao Thị Thanh đánh giá, với nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh, các doanh nghiệp Lâm Đồng đã đạt mức chế biến sâu, mang lại thu nhập tốt cho doanh nghiệp và cho nông dân. Như khoai lang Nhật, Lâm Đồng được đánh giá là địa phương đứng đầu trong cả nước với các nhà máy chế biến quy mô lớn như Công ty CP Viên Sơn, Công ty CP chế biến Đà Lạt Tự nhiên, Công ty TNHH Thực phẩm Đà Lạt Nhật Bản… Các doanh nghiệp này đã chế biến sâu tới mức ra thành phẩm, xuất khẩu tới tận tay người tiêu dùng đúng nghĩa “từ nông trại tới bàn ăn”. Hoặc với tơ tằm, tuy chưa ra sản phẩm cuối cùng là vải nhưng Lâm Đồng đã xuất khẩu tơ thô được 100 triệu USD và nhiều doanh nghiệp đang tiến hành mở rộng quy mô dệt vải thành phẩm.

Đặc biệt, các doanh nghiệp chế biến nông sản đã cố gắng đảm bảo nguồn hàng ổn định bằng hình thức sản xuất theo mô hình chuỗi liên kết. Hầu hết các doanh nghiệp đều liên kết với hàng trăm nông hộ để bao tiêu sản phẩm. Liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản tiếp tục tăng cả về quy mô và số lượng. Ước đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 234 chuỗi liên kết với 31.092 hộ liên kết. Đây chính là mô hình sản xuất bền vững, đảm bảo doanh nghiệp ổn định vùng nguyên liệu cũng như người nông dân yên tâm hợp tác cùng doanh nghiệp.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, năm 2023, nguồn kinh phí khuyến công đã hỗ trợ các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản đầu tư nhà xưởng; ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến; xây dựng, đăng ký nhãn hiệu hàng hoá và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, hỗ trợ 9 doanh nghiệp có thu hồi kinh phí và 13 doanh nghiệp không thu hồi kinh phí với tổng số tiền khoảng 6,1 tỷ đồng. Tới năm 2024, kinh phí khuyến công dành cho các doanh nghiệp là trên 10 tỷ đồng, chủ yếu hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nông sản.

* Hình bìa: Chế biến khoai lang Nhật phục vụ xuất khẩu

Nguồn: Báo Lâm Đồng | DIỆP QUỲNH

Recommended For You