Chè chân vịt

Tôi may mắn được sinh ra ở miền biển, mà ở đảo nữa, nên được thưởng thức những món ăn mà nơi khác không thể có, hoặc nếu có, hương vị cũng không “đã” bằng, trong số này có chè chân vịt.

Nhớ cái thời còn nhỏ, cứ mỗi chiều khi thuỷ triều rút, mà chúng tôi hay gọi là “có gành”, là vài ba đứa í ới nhau ra gành gỡ rau chân vịt. Nói thế, chứ đâu nào rau mang về từ gành là nấu ăn ngay được. Phải phơi khô, thiệt khô. Rồi dùng cối giã hay đập cho rụng những mảng bám của san hô vào thân rau chân vịt. Xong, đem ngâm khoảng một ngày đêm. Đợi cho rau nở ra, tiếp tục ngồi nhặt những đất, sỏi nhỏ còn bám ở rau. Đến khi đảm bảo rằng đã sạch, thì mới đem nấu. Nếu không, khi ăn sẽ “cộm” rất khó chịu.

Công việc chuẩn bị hơi mất công vậy, chứ nấu thì rất đơn giản. Chỉ là nấu cho nước sôi rồi bỏ rau vào (cũng có thể bỏ rau ngay từ đầu rồi mới đun nước). Khi nồi nước có rau sôi sùng sục, hãy để lửa nhỏ liu riu, cho đến khi sợi rau chân vịt nhừ hẳn. Lúc này, tuỳ khẩu vị thích ngọt bao nhiêu mà bỏ đường nhiều hay ít. Tất nhiên là, sau khi bỏ đường thì nên dùng đũa khuấy đều. Nó giúp cho đường không bị cháy, và sợi rau thêm nhuyễn.

Khi nồi chè nấu xong, nên dùng vá múc ra tô hay chén. Để nguội cho chúng đặc lại. Hồi đó, quê tôi chưa xài được tủ lạnh do thiếu điện, nên khi muốn ăn lạnh, chúng tôi thường hay cho chén chè chân vịt vào trong thùng đá mà “ướp”. Nói vậy để thấy rằng, chè chân vịt sẽ ngon hơn khi đã ướp lạnh.

Hồi nhỏ, nhất là khi chưa có tàu cao tốc ra đảo, chuyện ăn vặt của chúng tôi chỉ quanh quẩn ở mấy món này. Các mẹ bảo, rau chân vịt rất tốt cho sức khoẻ, giúp giải nhiệt. Nhất là những bệnh u bướu, nó có tác dụng ngăn ngừa và hỗ trợ chữa bệnh rất tốt. Lên mạng tìm thông tin, thì quả vậy. Rau chân vịt bây giờ không còn nhiều như trước nữa, khó kiếm hơn, nhưng hương vị của nó thì vẫn vậy.

Bài, ảnh: Xuân Khánh

  • Hình bìa: Chè chân vịt

Nguồn: Báo Quảng Ngãi điện tử

Recommended For You

Để lại một bình luận