Chiếc khăn độc đáo và duyên dáng của phụ nữ Chăm An Giang

    Cộng đồng tín đồ Hồi giáo Chăm ở An Giang, tập trung ở 9 làng thuộc huyện Châu Phú, An Phú và thị xã Tân Châu, bà con Chăm nơi đây hầu như nhà nào cũng có những khung cửi để dệt những tấm vải may trang phục cho gia đình và để bán. Vì vậy họ càng có điều kiện làm thăng hoa những vẻ đẹp ấy vào sản phẩm truyền thống của mình.

    Người Chăm vốn rất coi trọng yếu tố đứng đắn về trang phục. Gắn liền với trang phục đặc sắc, độc đáo là những chiếc khăn, nón đội đầu nhiều loại, đủ kiểu, đủ màu sắc, mà thông qua nét hoa văn, màu sắc sống động còn làm bật lên nét kiêu sa đầy hấp dẫn gọi mời từ bên trong lớp tơ óng ánh. Nó không chỉ giúp tô điểm cho nét đẹp của người phụ nữ Chăm mà nó còn thể hiện một nét văn hóa dân tộc đặc trưng.

    Người Chăm theo chế độ mẫu hệ nên người phụ nữ Chăm là trung tâm lưu giữ nét văn hóa đặc sắc.

    Trước đây, tập tục “Cấm cung” hình ảnh người phụ nữ trong bộ trang phục rộng với chiếc khăn trùm kín đầu và cổ “e ấp” ngồi bên cửa sổ chỉ quanh quẩn bên khung dệt, mọi người sẽ nghĩ đến người con gái Chăm dịu dàng, e lệ, không được ra ngoài, trở thành hình ảnh đặc trưng của người phụ nữ Chăm.

    Với phụ nữ Chăm, áo dài truyền thống là trang phục thiêng liêng, quý giá nhất, chỉ được mặc vào những lễ hội lớn hay lễ cưới, hỏi…

    Còn chiếc khăn giúp che trọn mái tóc dài đen óng, nó như một điểm nhấn độc đáo, tạo nên vẻ kín đáo trọn vẹn cho phụ nữ Chăm mộc mạc, đầy duyên dáng. Những chiếc khăn của phụ nữ Chăm rất đa dạng: khăn mats-to-ro là loại khăn trùm kín; muột-toak là một loại nón đội, chủ yếu che phần tóc và giữ gọn gàng trong nhà; khăn mats-tơ-ra có đủ loại màu sắc, thường được sử dụng để đi đám, tiệc; còn mats-pok là loại khăn choàng sang trọng, dùng trong những dịp lễ lớn.

    Dù đã hòa nhập cuộc sống hiện đại, nhưng phụ nữ Chăm An Giang vẫn trung thành với những chiếc khăn (khăn thêu) trên mái tóc đen tuyền, nó tô điểm làm tôn thêm vẻ đẹp của các cô gái Chăm An Giang, đây chính là tác phẩm nghệ thuật được trau chuốt bằng kỹ thuật thêu nổi, rua chìm để tạo nét duyên thầm… lấp lánh.

    Chị Ây She – chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Hà Bao 2 (xã Đa Phước – An Phú) cho biết: Mỗi người, mỗi vẻ với trang phục đầy màu sắc và chiếc khăn che kín phần tóc, cổ, chỉ để lộ những khuôn mặt trắng ngần, đôi mắt to tròn, nụ cười e ấp luôn nở trên môi… “Vào thời tiết nắng nóng, trang phục của người phụ nữ Chăm không khó chịu mà ngược lại còn giúp tránh được cái nắng nóng của tiết trời oi bức. Lúc này, chiếc khăn làm tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ Chăm” – chị Ây She nói.

    Danh dự người phụ nữ Chăm An Giang phụ thuộc vào phẩm giá, tiết hạnh của họ, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của gia đình và dòng họ. Do vậy, để được đàn ông coi trọng và bảo vệ thì người phụ nữ không được để mọi người thấy mặt nơi công cộng.

    Bên cạnh đó, theo kinh Koran, phụ nữ phải ăn mặc hết sức kín đáo nơi công cộng. Những người phụ nữ không có khăn che mặt, tóc bị coi là có tội. Người phụ nữ càng kín đáo thì càng được tôn trọng. Ngay cả phụ nữ đã có chồng vẫn phải đội nón che tóc, quàng khăn, vì nếu để người đàn ông khác nhìn thấy, coi như mang tội với chồng.

    Gần 30 năm theo nghề truyền thống dệt thổ cẩm và bán các sản phẩm thổ cẩm Châu Giang, chị Mariyah ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Trước đây, theo truyền thống, phụ nữ Chăm mỗi khi ra đường phải che phủ kín cả mặt. Phụ nữ có gia đình, phụ nữ lớn tuổi hay sử dụng những chiếc khăn có gam màu tối, còn những cô gái trẻ thì dùng những gam màu sáng, sặc sỡ.

    Gần chục năm nay, phụ nữ phải đi học, làm việc, cần sự gọn gàng trong di chuyển, giao thương nên tiến bộ hơn, chỉ cần đội nón, choàng khăn… che đi mái tóc của mình là được, không nhất thiết phải trùm kín hết. Màu sắc có thể tùy chọn, quan trọng gọn gàng, kín đáo là được”.

    Người Chăm An Giang có phong tục, tập quán riêng, nhưng hòa quyện một cách hài hòa với cộng đồng, họ học tập, lao động, sáng tạo nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Không thể nào diễn tả hết nét đẹp của người phụ nữ Chăm với trang phục truyền thống, với chiếc khăn choàng truyền thống trên mái tóc đen tuyền càng thêm duyên dáng hơn.

    PHƯƠNG NGHI

    Recommended For You