Trong các bệnh nội tiết, tiểu đường (TĐ) là bệnh không chỉ chiếm tỷ lệ, mức độ phát triển hàng đầu mà chắc rằng cũng chiếm hàng đầu về tác hại; không chỉ làm giảm khả năng lao động, giảm chất lượng cuộc sống mà TĐ lâu năm thường có nhiều biến chứng nặng nề. Khi phát hiện TĐ cần phải điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, dùng thuốc hạ đường huyết nhằm đưa đường huyết về giới hạn bình thường.
Thực tế với những bệnh nhân mới mắc bệnh, đường huyết tăng nhẹ, áp dụng chế độ ăn hợp lý đã có thể đưa đường huyết về giới hạn cho phép, nhưng phần lớn bệnh nhân phải chung sống với bệnh, dùng thuốc hạ đường huyết với xu hướng liều tăng dần rồi phải kết hợp một số loại thuốc hoặc tiêm insulin mới khống chế được đường huyết. Tuy vậy, sau một số năm vẫn có khả năng xảy ra một số biến chứng: giảm thị lực, viêm tắc động mạch, viêm loét ngoài da lâu lành, suy thận… với mức độ ngày càng tăng nặng.
Mức độ diễn biến nặng thêm, khả năng xuất hiện các biến chứng của bệnh ở mỗi người khác nhau, nhiều khi rất khác nhau. Điều này cho thấy vai trò của người bệnh trong việc thực hiện các biện pháp khống chế đường huyết, chủ động điều trị dự phòng các biến chứng, không để các biến chứng xảy ra mới chú ý đến. Thứ đến, nếu có biểu hiện các biến chứng cần điều trị tích cực bằng các biện pháp hiệu quả.
TĐ đòi hỏi người bệnh phải “sống chung”. Người bệnh cũng cần chủ động trong quá trình sống chung này. Muốn vậy, người bệnh cần hiểu “tính nết” của TĐ và những khâu mà mình cần chú ý, có thể tác động “tham gia” nhằm hạn chế tác hại của bệnh.
Điều này cần thiết vì: TĐ là bệnh chức năng do thiếu insulin hoàn toàn hay không hoàn toàn, đưa đến rối loạn chuyển hóa các chất.
TĐ được chia thành hai loại:
– Loại 1: TĐ phụ thuộc vào insulin, bệnh thường xuất hiện ở lứa tuổi thanh thiếu niên nhưng đôi khi cũng có gặp ở người già.
– Loại 2: TĐ không phụ thuộc insulin, thường gặp ở những người lớn tuổi.
Cơ chế bệnh và lâm sàng ở hai loại này có những điểm khác nhau nhưng đều có triệu chứng chính là đường huyết tăng và có đường trong nước tiểu. Khi đó chuyển hóa đường – nguồn tạo năng lượng chủ yếu của cơ thể – bị rối loạn.
Để có năng lượng bổ sung, cơ thể tăng cường sử dụng mỡ và đạm. Từ đó làm hai chuyển hóa này rối loạn theo. Như vậy khâu cơ bản để khống chế, giảm tác hại của bệnh TĐ là tạo điều kiện để chuyển hóa đường “chạy” bình thường trở lại hoặc ít ra cũng giảm bớt mức độ chệch hướng, rối loạn.
Điều đầu tiên và cũng rất quan trọng, người bệnh có thể tham gia vào việc này là khống chế đường huyết bằng chế độ ăn uống. Khi mắc bệnh nào cũng cần chế độ dinh dưỡng ăn uống phù hợp. Nhưng đối với TĐ, điều này đặc biệt quan trọng nếu không muốn nói có ý nghĩa quyết định kết quả của điều trị bệnh.
Ở người khỏe mạnh, có thể ăn theo ý muốn lúc nhiều khi ít, cũng có thể khẩu phần không cân đối các chất dinh dưỡng đường, mỡ, đạm… Vì cơ thể có khả năng tự điều chỉnh, dự trữ lại khi thừa, huy động ra dùng khi thiếu.
Ở người bệnh TĐ, khả năng này giảm thiểu. Đường huyết sẽ trồi sụt nhanh chóng theo chế độ ăn. Sẽ là sai lầm nếu nghĩ đã dùng đủ thuốc hạ đường huyết nên không cần kiêng khem.
Ăn đối với bệnh nhân TĐ nên được hiểu cũng như dùng thuốc, cần thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ.
Nên ăn thành nhiều lần, mỗi lần với lượng vừa đủ. Đôi khi không muốn ăn cũng nên ráng ăn và ngược lại lúc ngon miệng lại không nên ăn quá nhiều, nhất là khi khẩu phần ăn có nhiều chất bột đường.
Cũng cần chú ý ở người TĐ, cảm giác thèm ăn ngọt và nhu cầu thực của cơ thể nhiều khi không song hành với nhau. Khi khỏe mạnh, cảm giác thèm ăn thường là chỉ thị cho thấy nhu cầu của cơ thể. Chẳng hạn, người đi bộ dưới nắng ra mồ hôi nhiều, cơ thể thiếu muối thường thích ăn món ăn mặn, còn khi vận động nhiều thiếu năng lượng thì thích đồ ngọt.
Với người TĐ tuy “thừa” đường trong máu nhưng vẫn rất muốn ăn uống thực phẩm ngọt, nhiều khi nhu cầu ăn ngọt còn cao hơn cả người bình thường. Có sự khác biệt đó do ở người TĐ, đường máu cao nhưng do khó vào tế bào nên trong tế bào vẫn thiếu đường. Đường trong tế bào hạ gây cảm giác thèm ăn ngọt. Nhưng khi đó nếu ăn đường thêm cũng chỉ làm tăng thêm đường huyết, bất lợi thêm. Các loại đường dành cho bệnh nhân TĐ có vị ngọt cao hơn đường thường nhiều lần – nhưng không làm tăng đường huyết – được sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu không sát thực này.
Điều chỉnh chế độ ăn quan trọng nhưng chưa đủ. Để chuyển hóa các chất, đặc biệt là chuyển hóa đường bình thường trở lại cần cung cấp đủ oxy cho cơ thể. Chuyển hóa đường, bình thường vốn đã cần nhiều oxy. Ý nghĩa chính của chuyển hóa đường là quá trình “đốt cháy” bằng phương pháp sinh học các chất glucid tạo năng lượng với hai sản phẩm cuối cùng là CO2 và nước.
Để chuyển hóa hoàn toàn 100 g đường glucose, cần hơn 100 g oxy. Trong khi đó, bệnh TĐ làm giảm khả năng hấp thụ oxy của phổi, giảm cả khả năng vận chuyển oxy từ phổi đến tế bào, từ ngoài vào trong tế bào để tham gia vào các chuyển hóa. Thiếu oxy làm rối loạn chuyển hóa nặng nề thêm. Mặt khác, khi thiếu năng lượng, cơ thể phải tăng cường chuyển hóa đạm, mỡ. Dị hóa các chất này lại cần nhiều oxy. Trong bệnh TĐ, nhu cầu oxy của tế bào nói riêng, toàn cơ thể nói chung cao hơn người bình thường nhưng nguồn cung và khả năng sử dụng oxy lại giảm.
Để làm chậm quá trình tiến triển, hạn chế biến chứng, người bệnh cần chủ động tăng cung cấp oxy cho cơ thể. Oxy vào cơ thể từ môi trường. Tận hưởng, sử dụng hiệu quả oxy từ môi trường xanh, sạch và tích cực hơn là dùng các phương pháp dưỡng sinh, yoga… Khi thấy sức khỏe có phần suy giảm, đặc biệt có nguy cơ hay đã xuất hiện các biến chứng của bệnh cần áp dụng phương pháp hỗ trợ, có khả năng làm tăng hiệu quả sử dụng oxy, đó là phương pháp điều trị oxy cao áp (OXCA).
OXCA tham gia vào làm hạn chế, dừng, cắt đứt nhiều khâu trong quá trình tiến triển của bệnh. Dưới tác dụng của OXCA, tuyến tụy tăng sản xuất insulin, do đó có thể giảm liều thuốc hạ đường huyết. Một trong những tác dụng dễ nhận thấy của OXCA là tham gia vào điều trị viêm tắc động mạch.OXCA góp phần tích cực điều trị các tổn thương mạch máu võng mạc, đặc biệt trong điều trị những vết loét hoại tử ngoài da thường gặp nhất ở chi dưới.
Tại Trung tâm OXCA TP.HCM đã điều trị có kết quả nhiều bệnh nhân TĐ có viêm loét, hoại tử các đầu chi. Các viêm loét hoại tử có thể tự phát hoặc có khi chỉ từ vết sây sướt nhỏ nhưng sau đó lan rộng và sâu dần. Phần lớn các bệnh nhân này trước khi tới điều trị OXCA đã được điều trị tích cực bằng các phương pháp khác nhau: tây y, đông y, vật lý liệu pháp… nhưng không hiệu quả. Một số bệnh nhân đã có chỉ định tháo, cắt bỏ một phần chi. Điều trị OXCA đã làm các tổn thương loét hoại tử dừng lại, phục hồi và bảo tồn tối đa các mô còn có thể giữ lại được.
TĐ là một trong những bệnh có xu hướng ngày càng tăng không chỉ ở nước ta mà cả ở nhiều nước trên thế giới. Khi đã xuất hiện, bệnh khó “tự nguyện” rút đi, “đòi hỏi” sống chung với người bệnh. Tuy nhiên, y học hiện đại cũng đã giúp người bệnh hiểu rõ bệnh; từ đó không bị động mà có thể giành thế chủ động trong quá trình sống chung này. Thực hiện chế độ ăn hợp lý, tăng cường cung cấp oxy cho cơ thể là hai biện pháp không khó thực hiện nhưng sẽ giành hiệu quả lớn, nhiều khi có tính quyết định thắng lợi dành cho người bệnh.
BS. Nguyễn Kim Phong