Một thời đá bóng ở sân làng

Những trận đá bóng trên sân ở làng quê dù rất đơn sơ nhưng nó là sợi dây gắn kết lũ trẻ con trong thôn, xóm nơi chúng tôi ở. Để rồi giờ đây khi có dịp ngồi lại tâm sự, thì nó là những ký ức đẹp và quý giá nhất đối với tôi và lũ bạn khi ở chốn thành thị xô bồ này.

Tôi sinh ra ở thế hệ 9x đời đầu ở miền quê của TP Đà Nẵng. Thời ấy, cuộc sống vùng quê đầy rẫy khó khăn, và gia đình tôi cũng không ngoại lệ.

Như bao đứa trẻ khác, ở vùng quê nghèo này, lũ con trai chúng tôi thường có sở thích hay tụ tập đá bóng mỗi buổi trưa hoặc chiều. Những trận bóng dưới trời nắng chan hoặc trời mưa tầm tã là chuyện thường với tôi.

Nói về một chút cái thôn chúng tôi ở, là mảnh đất nằm ở phía Tây của TP Đà Nẵng, và là huyện duy nhất có người sinh sống ở TP. Từ nhà tôi chạy xuống trung tâm TP hơn 30 cây số. Một năm, chỉ dăm ba lần tôi cũng như lũ trẻ quê mùa được ba má chở đi xuống phố cho biết, và cứ thế chúng tôi mặc định là dân quê chính hiệu.

Sân bóng của chúng tôi khoảng rộng 4m, dài 30m. Nói sân bóng cho oai, chứ thật ra đó là mảnh đất trống của gia đình bên cạnh nhà rồi chúng tôi tự cắm cây để làm gôn và đá bóng.

Thời ấy, chúng tôi chưa hề biết đến cái điện thoại di động là gì, sở dĩ thời đó công nghệ chưa phát triển vũ bão như bây giờ, cả làng hầu như chỉ có vài gia đình có điện thoại bàn (điện thoại cố định). Và chúng tôi hầu như cũng không biết đến mạng xã hội hay internet là gì cả và điện thoại di động là thứ xa xỉ đối với người dân chúng tôi lúc bấy giờ.

Tôi rất thích bóng đá, cũng vì bóng đá mà tôi lúc đó 30 tháng tuổi đã lon ton chạy đá bóng dưới trời mưa rồi bị trượt té gãy chân, khiến ba mẹ phải khổ sở một thời gian dài.

Nhà tôi gần sân bóng đó, cứ chiều chiều, chỉ cần nghe ồn ào là tôi lại nhanh chóng chạy ra sân. Ngày đó chúng tôi nghèo, chẳng có tiền mua bóng “xịn” như bây giờ. Nên lũ trẻ chúng tôi thường phải chế bóng sao cho đá có cảm giác như bóng “xịn” cho nó đã. Chúng tôi góp mỗi thằng 500 đồng hoặc 1000 đồng để mua bóng nhựa, rồi về cắt một lỗ nhỏ sau đó mua ruột bóng da về độn vô đá.

Ðể tạo cho giống những sân bóng thấy trong tivi, cả lũ chúng tôi cũng bắt chước làm gôn, khung thành, lấy cọc tre dựng khung, và dĩ nhiên không hề có tấm lưới trong khung thành cả.

Chúng tôi ra sân rồi bắt cặp, chia phe đá với nhau. Mỗi phe thường 4-5 thằng. Thằng nào đá hay nhất được quyền làm đội trưởng và được chọn các thành viên của đội mình. Có bữa chúng tôi đánh nhau cũng vì chọn thằng làm đội trưởng và chọn thành viên của đội mình. Bởi vì thằng nào cũng đòi thằng đá hay về đội mình, thằng đá dở “nhường” lại đội khác. Thế là ẩu đả.

Có bữa thì ẩu đả trong nhóm với nhau bởi vì đá dở để thua, bữa thì ẩu đả với thằng khác đội vì bị chơi xấu. Chửi nhau chí chóe, thậm chí là lôi tên ba mẹ ra chửi với nhau.

Nhưng rồi đâu lại vào đấy, vô tư bỏ qua hết mọi chuyện và lăn theo trái bóng. Cứ chiều chiều lại là tôi phải ra nhìn qua sân bóng coi tụi nó ra sân chưa rồi chạy ra tham gia.

Những trận bóng ở sân làng giờ chỉ là ký ức.

Có bữa đang đá thì bị ông chủ nhà say rượu xách cây ra rượt không cho đá nữa, bữa thì chúng tôi nghỉ ngơi rồi lấy những viên đất khô cứng ném nhau, không ngờ trúng tổ ong gần đó. Hậu quả là thằng bạn gần nhà tôi bị ong cắn đến nhập viện, ba má nó qua chửi tôi và tôi bị no đòn từ ba má và cấm không cho “ra sân” nữa. Nhưng chỉ vài hôm sau, khi ba má bớt giận là tôi lại lén trở lại sân bóng.

Không có điện thoại di động hay mạng xã hội, nhưng lũ trẻ quê mùa chúng tôi thời ấy, hầu như đều biết chỗ tụ tập của nhau vào mỗi buổi chiều hàng ngày, đó là cái sân bóng làng thân thuộc.

Rồi mỗi thằng chúng tôi bị ba má cấm không cho ra đá bóng nữa vì ông chủ mảnh đất đó không cho đá, bởi chúng tôi gây ồn ào. Thằng nào qua đá bị ổng đánh ráng chịu. Chúng tôi đành “di dời” địa điểm tụ tập ra sân vận động của thôn, sân này rộng hơn nhiều lần so với khoảng sân mà chúng tôi tận dụng của gia đình hàng xóm trước đó.

Sân vận động này của thôn chủ yếu để các thanh niên trong xóm đánh bóng chuyền, hoặc đá bóng vào mỗi chiều. Và chúng tôi chỉ được đá “ké” vào những ngày thanh niên trong xóm không đá, hoặc nếu muốn thì tận dụng mảnh đất nhỏ sau lưng khung thành của sân vận động để đá.

Chúng tôi đá chưa bao lâu thì sân vận động của thôn cũng bị lấy lại nhường chỗ cho xây chợ của xã. Mảnh đất trống của gia đình bên cạnh thì được chính quyền thỏa thuận mua lại làm hội trường thôn. Thú vui của con nít chúng tôi cũng bị ảnh hưởng theo. Không có nơi tụ tập đá bóng, lũ con nít chúng tôi đành chấm dứt những chuỗi ngày đá bóng với nhau từ ngày đó.

Lớn lên, đi ra TP để học và mưu sinh, tụi con nít chúng tôi ngày nào đều đã trưởng thành và đa phần lập gia đình. Thi thoảng chúng tôi gọi nhau làm vài ly bia rồi nói chuyện cũ. Chúng tôi cũng muốn tìm lại cảm giác đá bóng thời “trẻ trâu” ấy nhưng rất khó thực hiện được ở cuộc sống xô bồ này.

Chiều nay, về nhà, chợt nhìn qua cái sân bóng, nay là hội trường thôn, lòng tôi bỗng chốc buồn đến lạ. Các mảnh đất gần nhà hoang sơ thời ấy giờ thay thế bằng những công trình và nhà cửa cao tầng. Sân vận động thì trở thành khu chợ sầm uất. Những năm tháng đá bóng chân trần, cuộc sống vô tư không lo nghĩ, hơn hết là cả một bầu trời tuổi thơ dữ dội của tôi đều nằm ở đó.

Những trận bóng đầy thương nhớ của tuổi thơ tôi cũng lũ bạn giờ đây chỉ còn là ký ức.

KHÁNH NGUYÊN

Recommended For You