Để khai thác lợi thế nuôi trồng thủy sản nước ngọt từ nguồn nước dồi dào Kênh Đông, Trung tâm khuyến nông TP.HCM đã chuyển giao mô hình trình diễn “Nuôi cá thát lát thâm canh” tại các xã: Thái Mỹ, Trung Lập Thượng, Trung An và xã Phước Hiệp (huyện Củ chi).
Mô hình trên được chuyển giao cho 4 hộ với quy mô 0,7 ha, áp dụng phương pháp nuôi thâm canh trong ao đất, sử dụng con giống kích cỡ từ 8 – 9 cm/con với mật độ 5 con/m2, cho ăn chủ yếu thức ăn công nghiệp (trong đó protein chiếm 40%).
Sau 9 tháng triển khai (từ tháng 9/2019 đến tháng 6/2020), tỷ lệ sống đạt 60% (khi giao giống sử dụng bao bì đựng chưa phù hợp, nên cá đưa vào ao bị sốc nhiệt, chết cá); cá tăng trưởng và thích nghi tốt; trọng lượng đạt 500 – 600 g/con; chiều dài cá trung bình từ 34 – 36 cm/ con; lợi nhuận đạt 110 triệu đồng/0,7 ha.
Trong đó, hai hộ: Nguyễn Văn Hậu (xã Thái Mỹ) và Phan Thị Thúy Hạnh (xã Trung Lập Thượng) đạt doanh thu tới 625 – 650 triệu đồng (sản lượng 8.700 kg cá, giá bán dao động từ 72.000 – 75.000 đồng/kg).
Qua đánh giá cho thấy, nuôi cá thát lát thương phẩm ở Củ Chi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tận dụng được diện tích mặt nước, đối tượng nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, sản phẩm có giá trị kinh tế cao, giúp cải thiện thu nhập và ổn định kinh tế cho nông hộ ở các xã nông thôn mới.
Kết quả trên, ngoài được tập huấn kỹ thuật, tư vấn tận tình từ Trung tâm khuyến nông thành phố, còn do các hộ áp dụng phương pháp nuôi phù hợp. Chẳng hạn, hộ anh Nguyễn Văn Hậu không cho ăn cám viên trong giai đoạn cá còn nhỏ mà xay cám thật mịn rồi mới cho ăn. Còn hộ ông Phạm Như Lân lại đem cám viên ngâm cho tơi ra rồi mới rải cho cá ăn…
Cá thát lát được cho là dễ nuôi hơn cá tra, cá lóc, cá trê…, đồng thời có sức đề kháng và khả năng phòng bệnh cao nên người nuôi không tốn nhiều công chăm sóc.
Một trong những công đoạn quan trọng để cá sinh trưởng tốt là cải tạo ao kỹ càng trước khi nuôi, thả nuôi với mật độ vừa phải, chất lượng cá giống phải đồng đều và khỏe mạnh.
Nuôi cá thát lát thường cho thu hoạch sau 8 tháng, lợi nhuận đạt 150 triệu đồng/ha.
Tận dụng điều kiện thuận lợi của địa phương, thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Củ Chi, TP.HCM đã cải tạo ao để nuôi loại cá đặc sản này; cơ sở chế biến, cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng chả cá, cá thát lát rút xương… cũng phát triển nhanh không kém.