Cuốn vở của chị

    Trong mớ giấy vụn mẹ mua được có dăm ba cuốn còn sót lại mấy tờ giấy trắng. Mẹ cẩn thận tách từng tờ, từng tờ rồi dùng kéo cắt cho vuông hình sắc cạnh, gom được một tập giấy dày. Mẹ dùng que sắt nhọn xuyên qua gáy tập giấy để xỏ sợi chỉ màu trắng qua mấy vòng rồi buộc thắt nút lại. Đó là cuốn vở của chị cho năm học mới.

    Cuốn vở có bìa bằng bao xi măng vàng nhợt nhạt, giấy thì xô lệch, tờ còn trắng, tờ đã ngả màu. Nhiều lần tôi thắc mắc: “Mẹ ơi, sao chị lại không có vở mới như con hả mẹ?”

    Lớn lên rồi tôi mới hiểu tuổi thơ chị đã chịu nhiều thiệt thòi. Nhà nghèo, bao nhiêu năm chị vẫn chiếc bút máy ấy chỉ thay ngòi, vở đóng từ giấy cũ, áo trắng màu cháo lòng…

    Buổi sáng, chị dậy sớm giúp mẹ nấu nồi cám cho đàn lợn. Chị đạp xe chở tôi dọc con đường đê rồi xuyên qua cánh đồng đến trường tiểu học tận đầu làng rồi quay lại trường trung học ở cuối làng.

    Bìa vở thời thập niên 80.

    Buổi trưa đón tôi đi học về rồi lại tất tả cơm nước.

    Tối, hì hụi giúp mẹ phân loại đồng nát, mấy chai lọ nhựa, mấy thanh sắt han gỉ, vỏ lon nước ngọt, giấy vụn rồi chị mới chong đèn học bài đến khuya.

    Đến năm lớp chín, chị buộc phải nghỉ học, đi làm thuê cho một người bà con xa tận trong miền Nam để phụ giúp mẹ nuôi tôi ăn học.

    Ngoảnh đi, ngoảnh lại tôi đã là sinh viên đại học, chị đi làm ăn xa cũng sáu, bảy năm trời. Cứ mỗi lần nhìn những cuốn vở của chị, bìa bằng bao xi măng được đóng lại từ những tờ giấy cũ xếp ngay ngắn trong ngăn bàn là lòng lại bộn bề những nhớ những thương…

    ĐÀO MẠNH LONG

    Recommended For You