Đào tạo nghề – giải quyết việc làm, cách giảm nghèo bền vững

    Giúp hộ nghèo, cận nghèo có việc làm, có tay nghề ổn định để tự nuôi sống bản thân là một trong những giải pháp được coi là khả thi mà thành phố kiên trì triển khai trong nhiều năm qua nhằm đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững.

    Theo đó, ngoài triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội gắn với chính sách an sinh – xã hội, TP.HCM còn thực hiện đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có nguồn thu nhập ổn định.

    Đối với chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm, TP.HCM có chủ trương ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo… với cơ cấu đào tạo 30% nghề nông nghiệp và đào tạo 70% nghề phi nông nghiệp. Đối tượng này được hỗ trợ tiền học phí, tiền ăn, tiền sinh hoạt phí khi tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố. Họ cũng được hỗ trợ vay vốn để mua sắm phương tiện, dụng cụ học tập, đóng học phí, để tự tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

    Với chính sách trên, trong 10 năm qua, TP.HCM đã đào tạo nghề cho hơn 717 ngàn lao động (trong tổng số 847,7 ngàn lao động) giúp nâng tổng số lao động qua đào tạo đạt 85%; tỷ lệ có việc làm thường xuyên tại 5 huyện cũng đạt cao, theo đó, tổng số lao động có việc làm thường xuyên là trên 1,79 triệu lao động, chiếm tỷ lệ 95,43%.

    Thành phố cũng tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản, cũng như hỗ trợ vốn vay nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống cho họ.

    Ngoài ra, thành phố còn vận động phát huy ý thức tự vươn lên thoát nghèo, nâng cao trình độ học vấn, trình độ nghề và chủ động tìm kiếm công việc… cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, Thành phố cũng triển khai các gói giải pháp an sinh xã hội như: bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe, nhà ở, nước sạch…

    Một số huyện ngoại thành thực hiện rất tốt chủ trương nói trên phải kể đến là Cần Giờ. Địa phương này triển khai công tác giảm nghèo qua 2 giai đoạn: giảm hộ nghèo tăng hộ khá, giảm nghèo bền vững gắn với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, và tập trung nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả…

    Qua 10 năm triển khai chương trình giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Cần Giờ giảm từ 27,2% (năm 2010) xuống còn 5,23% (năm 2019). Tương tự, Bình Chánh cũng nằm trong số các địa phương giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, từ 5,3% (năm 2016) xuống còn 0,31% (năm 2019).

    Nhờ triển khai nhiều giải pháp tích cực về giảm nghèo bền vững, giúp thành phố đến nay không còn hộ nghèo có thu nhập theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 – 2020. Còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố chiếm tỷ lệ không đáng kể. Với đà này, thành phố tin tưởng đến cuối năm 2020 đạt mục tiêu đề ra: tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 0,3% và tỷ lệ hộ cận nghèo còn dưới 0,8%.

    NAM TIẾN

    Recommended For You